QĐND - Tháng 6-1966, Quân ủy Trung ương thành lập Mặt trận đường 9, tạo hướng tiến công mới nhằm tiêu diệt, thu hút quân chủ lực địch, phối hợp với chiến trường toàn miền Nam ngăn chặn âm mưu mở rộng chiến tranh ra toàn miền Bắc.
Sau chiến tranh, các tướng Mỹ như Oét-mo-len (Westmoreland) có nhắc tới vai trò cuộc vây ép Cồn Tiên (Quảng Trị) ngay từ đầu năm 1967, như khởi đầu cho hội chứng “Điện Biên Phủ” của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Tuy vậy, các CCB Mỹ hôm nay chưa bằng lòng với “độ choán” của chiến sự ở Cồn Tiên trong sử sách về chiến tranh ở Mỹ.
|
Tăng M-48 chở xác LTĐB Mỹ ở Cồn Tiên. Ảnh: Lưu trữ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ
|
“Mỏ neo” lính thủy đánh bộ
Báo cáo chiến sự Cồn Tiên(1) của An Hê-min-uây (Al Hemingway), một tác giả cựu chiến binh Mỹ hay viết về tác chiến của Lính thủy đánh bộ Mỹ (LTĐB) ở Việt Nam, có đoạn:
Cồn Tiên, dịch thoát sang tiếng Mỹ là “xứ sở thần tiên”. Nhưng những ai từng đánh nhau ở đó sẽ bảo rằng, không có thiên thần nào ngự ở đây. Đây là một quả đồi phủ bùn (đất đỏ ba-dan) chỉ cao 158m, là đỉnh chiếc “mỏ neo”, hợp với ba căn cứ hỏa lực khác của “lính cổ da” Mỹ, là Gio Linh, Đông Hà, Cam Lộ, tạo thế án ngữ hoạt động của quân Bắc Việt Nam tại vùng (đệm) nam Khu phi quân sự (giới tuyến quân sự tạm thời). Đại tá Ri-sớc Xmít (Richard B.Smith), Chỉ huy Trung đoàn 9 thủy quân lục chiến bình luận: “… Nếu đối phương chiếm được Cồn Tiên, họ sẽ nhòm vào Đông Hà, chuẩn bị vồ lấy cuống họng của chúng tôi”. Tràn đầy ý định chiếm Cồn Tiên, từ mùa xuân năm 1967, đối phương quyết tống cổ lính cổ da khỏi căn cứ này …
Gần như bị quân Bắc Việt (Quân Giải phóng) đẩy khỏi Cồn Tiên, LTĐB được lệnh tiến hành một loạt các chiến dịch để trục quân Bắc Việt ra khỏi địa bàn căn cứ hỏa lực Mỹ vô cùng quan trọng này... Ngày 18-5-1967, hàng trăm viên đạn pháo 105mm và 155mm giáng xuống công sự của quân Bắc Việt ở gần làng Phú An. Máy bay giội bom 750 và 1000 bảng, làm toàn khu vực này ngập vào biển lửa na-pan. Các trung đoàn LTĐB Mỹ số 9 và số 26 đánh nhau dữ dội với quân Bắc Việt ngay sát khu phi quân sự…
Sau những cuộc chạm súng khốc liệt, Hà Nội quyết định giã nát “ô vuông LTĐB Mỹ” này bằng súng cối và pháo hạng nặng, tạo đòn cân não, để cơ động lực lượng của họ áp sát vào đột kích Cồn Tiên. Trò chơi “mèo vờn chuột” này tiếp diễn trong gần như suốt năm 1967. Thế trận Cồn Tiên tương tự như “chiến tranh chiến hào” thời kỳ Thế chiến II. Vì bị nã pháo không ngớt, một số LTĐB đưa ra khái niệm “bị sốc vì pháo kích” (shell shock), chưa từng được biết đến trong chiến tranh Việt Nam. Các tiểu đoàn LTĐB luân phiên thay nhau giữ vị trí tiền đồn này. LTĐB Mỹ còn đưa ra “thuật ngữ” khác nữa, như “ngồi trong cối giã” (time in the barrel), hay “cối xay thịt” khi bị cử đi giữ Cồn Tiên. Rồi điều tồi tệ nhất đã đến: quân Mỹ gọi là Trận mồng Hai tháng Bảy.
Những lính thủy đi vào chỗ chết
Theo từ điển bách khoa Wikipedia(2), trận đánh “Mồng Hai tháng Bảy” (Battle of July Two) là một cuộc đụng độ ngắn của chiến tranh Việt Nam, xảy ra dọc theo đường 561 giữa Gia Binh và An Kha, là trận mở đầu Chiến dịch Con Trâu (Operation Buffalo). Tổng số quân Mỹ tham chiến là 450 LTĐB, lực lượng quân Bắc Việt khoảng 500 người.
Động thái dẫn tới trận chiến này là báo cáo về quân Bắc Việt đang hoạt động trở lại ở khu vực đông - bắc Cồn Tiên, vì thế Trung đoàn 9 LTĐB-Hoa Kỳ (1/9) đã điều đi tuần tiễu hai đại đội A (Alpha) và B (Bravo) của Tiểu đoàn 1.
Sáng mồng 2-7-1967, hai đại đội này tiến về phía bắc và chiếm mục tiêu đầu tiên, một ngã ba. Khi tiếp tục tiến về phía bắc, họ đã chạm súng với một số phân đội của Trung đoàn 90 quân Bắc Việt. Hỏa lực bắn tỉa vây lấy Trung đội 3 LTĐB Mỹ. Quân Bắc Việt, chỉ sử dụng súng cối và súng bộ binh, đã bao vây chia cắt đội hình LTĐB, gây thương vong nặng nề cho Đại đội A và Đại đội B.
Khi trận đánh ngưng lại, thiệt hại của LTĐB Mỹ là: 84 lính tử trận, 34 lính mất tích, 190 người bị thương. Ngày 2-7 trở thành ngày LTĐB Mỹ chịu tổn thất cao nhất trong toàn cuộc chiến tranh. Báo cáo chiến sự Cồn Tiên kết luận rằng, khi lực lượng cứu trợ đến nơi, toàn quân số của hai Đại đội A và B chỉ còn lại 27 người không bị thương vong.
Hội chứng Điện Biên Phủ
Ngày 17-7-1967, tờ Newsweek dội vào dư luận phóng sự “Bị phục kích ở Cồn Tiên” (Ambush at Contien), làm sôi sục tư tưởng phản chiến, chứng đau nửa đầu (migraine) của ông chủ Nhà Trắng cũng thêm dữ dội. Sách “Johnson: kiến trúc sư của tham vọng Mỹ” (xuất bản 2006), cho thấy chiến sự đầu tháng 7-1967 ở Cồn Tiên đã vượt lên trên quy mô tác chiến cấp chiến thuật. Trang 800 của sách có đoạn: “Trung tuần tháng Bảy, hai đại đội LTĐB Mỹ hoạt động trong rừng rậm gần Cồn Tiên, ở vùng Cổ ngẳng (narrow neck) của miền Nam Việt Nam bị phục kích, suýt nữa thì bị diệt hết… Đối phương có thể cơ động tự do ở khu vực Khu phi quân sự, bên Lào và Cam-pu-chia, nhờ luồn sâu vào trong phòng tuyến của quân Mỹ”(3).
Kết luận phóng sự truyền hình về Cồn Tiên vào năm 1967, Mai-cơ Oan-lát (Mike Wallace), biên tập viên kỳ cựu của hãng CBS cho rằng, chiến sự ở ngọn đồi này (và lân cận) đã trở thành một mặt trận “Điện Biên Phủ về chính trị” đối với Giôn-xơn(4).
Tài liệu tổng kết “Cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu Thân 1968” của Mỹ phân tích kỹ hơn về mặt chiến dịch: “… Ở Cồn Tiên, đối phương đã dùng đại bác đặt trong những hầm đào ngang hông các triền núi, mỗi khi bắn kéo ra ngoài và thường bắn những loạt bất ngờ sang vị trí của quân Mỹ và quân chư hầu rồi kéo ngay súng vào sâu trong hầm để tránh phản pháo và bom. Trong khi đó, bộ binh Bắc Việt tiến dần vào vị trí Cồn Tiên bằng những địa đạo tỏa ra như nan quạt. Lính Bắc Việt vừa đào vừa đánh, ít khi nhô người lên khỏi mặt đất. Mặt trận này (làm) liên tưởng như cách đánh Điện Biên Phủ trước kia”.
Oét-mô-len viết trong hồi ký: “Bây giờ (đầu hè 1967) Cồn Tiên trở thành mục tiêu số một. Các nhà bình luận trên truyền hình và báo chí bắt đầu gọi nơi này là điểm chờ Điện Biên Phủ”.
Báo cáo chiến sự Cồn Tiên cho biết về hồi kết của đợt vây ép này: “… Tháng Chín 1967 là tháng đặc biệt xấu. Các pháo thủ Bắc Việt giội xuống căn cứ nhỏ này tới 3000 quả đạn. Chỉ riêng ngày 25-9, tới 1.200 quả đạn pháo làm rung chuyển toàn khu vực Cồn Tiên”.
Cảm nhận hậu chiến
Sau khi các tài liệu giải mật và các bài đánh giá về chiến sự tại Cồn Tiên năm 1967 xuất hiện trên truyền thông gần đây, đã có nhiều CCB Mỹ tham chiến ở đây bày tỏ cảm tưởng về mặt trận này. Hầu hết, họ đồng ý với câu kết của Báo cáo chiến sự Cồn Tiên là “Hôm nay, khi các nhà sử học Mỹ bàn về chiến tranh Việt Nam, chiến sự ở Cồn Tiên thường bị bỏ sót (largely overlooked)”.
Cựu chiến binh Đen-nít Bớt-xơ (Dennis M.Butts) viết: “Tôi ở đơn vị hỏa lực trợ chiến cho Trung đoàn 9 LTĐB (1/9) từ tháng Giêng 1967 cho tới sau chiến dịch Con Trâu, 7-2-1967. Sau đó tham gia phòng thủ Cồn Tiên. Thời kỳ trợ chiến cho 1/9, chúng tôi tác chiến dọc Con đường không vui(5), đoạn chạy từ Gio Linh đi Cồn Tiên. Tôi từng được ba huy chương dành cho binh sĩ bị thương trong chiến đấu (Purple Hearts). Không ai thực sự hiểu được địa ngục tại Cồn Tiên, nếu không đến tận nơi… Con trai tôi hiện ở LTĐB và tôi cầu Trời để cháu không phải tới một nơi như Cồn Tiên”.
Một cựu chiến binh khác viết: “Trong tâm tưởng của tôi, người Việt là vua chiến trận (warlord). Thật là một đất nước không biết nao núng (cool country). Tôi sẽ quay lại đó một ngày tới”.
Cựu chiến binh Các Các-xơn (Carl Carlsson) viết lại những cảm tưởng của trận 2-7-1967: “Tôi nhớ rằng, có nhiều LTĐB tử trận đến mức không có chỗ để tử thi. Những chiếc tăng bốc cháy, mùi xác chết khét lẹt…”.
Cựu chiến binh Đe-nít Thơn (Denis Thun) cho rằng “Ai đó gọi Cồn Tiên là “xứ sở Thần tiên”, với chúng tôi, đó là “cối xay thịt’. Điều lạ là Bảo tàng của LTĐB mới xây ở Quan-ti-cô (Quantico) không hề có lời nào nói về Cồn Tiên”.
Con trai của một cựu chiến binh tham chiến ở Cồn Tiên, hiện là giáo viên sử, cho rằng Cồn Tiên là một mô hình thu nhỏ (microscosm) để dạy về chiến tranhViệt Nam cho thế hệ sau.
Lê Đỗ Huy
1. http://thecombatreport.com/2007/01/29/con-thien-vietnams-place-of-angels/
2. http://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_July_Two
3. Sách “LBJ: architect of American ambition”, tác giả Randall Bennett Woods, NXB Free Press, 2006
4 Phóng sự “Trận Cồn Tiên” ( Vietnam Special : Con Thien Battle 1967). Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ http://www.archive.org/details/gov.archives.arc.653071
5. Dennis M. Butts dùng điển cố, ngụ ý hay bị phục kích, theo sách của Bernard B. Fall, “Con đường không vui” (Street Without Joy), cách quân Pháp gọi đường số 9 trong chiến tranh Việt – Pháp 1945 – 1954 .