Hà Nội, ngày 12-10-1969

Clive và Winston cùng các thành viên gia đình ta thân mến!

Em đang viết thư này từ Hà Nội, nhưng tới lúc gửi nó đi, em đã ở Phnom Penh rồi. Có lẽ đến lúc các anh nhận được nó, em đã quay lại Paris. Em đã nhận được thư của anh Winston do Vessa (vợ của Wilfred Burchett-ND) gửi chuyển tiếp, báo tin người cha kính yêu của chúng ta qua đời. Cũng thấy có những bài báo ngắn, một từ tờ Thời đại và một từ tờ Diễn đàn người đưa tin quốc tế trụ sở tại Paris, nhấn mạnh rằng Chính phủ Australia đã không tạo điều kiện cho em trở về dự tang lễ do các hoạt động phản chiến trên báo chí quốc tế. Quả là những kẻ không có tình người. Trong chuyện này, uy tín của em đâu có bị ảnh hưởng, mà là của Gordon, Snedden và đồng bọn (một số chính khách hàng đầu của Australia thời đó-ND).

leftcenterrightdel
Một đoạn trong bức thư của W.Burchett gửi hai anh trai và gia đình. Ảnh tư liệu.

Tới Hà Nội lần này vừa đúng 15 năm kể từ ngày đầu tiên em cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô từ tay quân Pháp đang rút đi. Nhưng giờ đây là một Hà Nội không có Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có một người bạn vô cùng thân thiết của em, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch vừa từ trần vài tháng trước. Nhưng Hồ Chí Minh như vẫn đâu đây giữa Hà Nội này. Người Việt là dân tộc khiêm tốn, và Bác Hồ chính là người khiêm nhường nhất. Bởi thế, cả những người dân lẫn Bác Hồ đã không biết Người đã xác lập được một uy tín lớn lao đến mức nào ở hải ngoại. Nay, tinh thần lời văn của những điện chia buồn và các đoàn đại biểu đến dự lễ tang Người, cả những quốc gia mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có quan hệ ngoại giao, cả những nước là đồng minh của Mỹ, đã giúp người dân Việt Nam hiểu được uy tín lớn lao, bao trùm thế giới của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến cả đời mình để giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, vạch ra con đường đi tới cơm no áo ấm, con đường đi tới cuộc sống hạnh phúc và lương thiện, trẻ em được học hành. Đây là những mục tiêu đơn giản mà Người đã động viên toàn dân đi vào một cuộc chiến tranh thần thánh.

Trong suốt đời mình, em sẽ nuối tiếc là đã không thể về Hà Nội kịp lúc tang lễ cử hành. Em hẳn đã được xem là một trong vài người nước ngoài gần gũi nhất với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một sự gắn bó thân thiết, đã bừng lên từ 15 năm trước đây. Trong lễ tang Người, Ban tổ chức đã dành một vị trí đặc biệt cho em, giữa 3 người nước ngoài gần gũi nhất với Người, nhưng em đã không thể về kịp để đứng vào vị trí đó. Khó khăn về thông tin liên lạc đã khiến em không thể có mặt ở Hà Nội đúng lúc.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi trả lời phỏng vấn nhà báo Wilfred Burchett.

Còn bây giờ, khi Hồ Chí Minh đã đi xa, cuộc sống và đời hoạt động của Người bắt đầu được công bố cho người dân, và đối với không ít người, đây là lần đầu được biết những thông tin như thế. Di chúc của Người từ nay trở thành di huấn lịch sử bất diệt, sẽ được các thế hệ mai sau, cả trong và ngoài Việt Nam nghiên cứu. Bản Di chúc thật giống như một cuộc đàm đạo với Người, bình dị, trong vắt tựa pha lê, nhưng lại là cẩm nang hành động cho cả một dân tộc. Một cuộc nghiên cứu tài liệu này trong toàn dân đã được phát động, với tâm nguyện biến những tư tưởng-ước nguyện cuối cùng của Người thành hiện thực. Bác Hồ vẫn như ở đâu đây, kiên quyết đặt một cái phanh vào những tụng ca và điếu phúng, dù đây là tang lễ của một con người nhân hậu, một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thế kỷ 20 này.

Em sẽ cố viết một cuốn tiểu sử về Bác Hồ (Wilfred Burchett ngụ ý cuốn sách “Hồ Chí Minh một cảm nhận”, xuất bản năm 1972-ND). Chắc là 100 cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh sẽ được viết, nhưng không có cuốn nào là trọn vẹn, không có cuốn nào xứng được với Người. Cuốn của em chắc cũng chỉ nêu được một khía cạnh của cuộc đời Người. Người là một nhân cách bình dị nhất, ít tự tư tự lợi nhất mà em biết. Dường như Người chỉ có hai bộ quần áo, một vào mùa đông, một vào mùa hè, cho tới tận những ngày cuối đời. Người đã chọn cho mình nơi ở tại khu dành cho những người phục vụ Phủ Chủ tịch. Đây đâu phải là để mị dân, bởi vì khi có khách quan trọng viếng thăm, Người vẫn tiếp họ tại đại sảnh của tòa nhà mà trước kia người Pháp dành cho toàn quyền Đông Dương. Sau khi đại lễ kết thúc, Người quay về căn phòng giản dị của mình, đổi sang bộ quần áo màu nâu của nông dân Việt, xỏ đôi dép cao su, rồi trở về với công việc hằng ngày. Khi em gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngoại ô Hà Nội chuẩn bị vào tiếp quản thành phố từ tay quân Pháp đang rút đi trên những chiếc xe tăng và cỗ pháo, em đã hỏi cảm tưởng của Người khi về lại Thủ đô. Người đáp: “Sẽ có quá nhiều bàn tay phải bắt…”. Người ngụ ý là sẽ phải làm chức trách của một nguyên thủ quốc gia và phải dự các cuộc tiếp khách nước ngoài, phải mất nhiều thời gian cho những công việc bàn giấy mà Người không thích.

Có lần chúng em muốn phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng Người ghét việc phải diễn theo kịch bản như một diễn viên nên chúng em chuyển sang phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi cuộc phỏng vấn kết thúc nhưng các máy quay phim và các đèn chiếu vẫn đang hoạt động thì Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện. Em nắm ngay lấy cơ hội: “Thưa Chủ tịch, Người có thể trả lời một câu hỏi không ạ?”. Và em nói ngay: “Bản tin cuối từ Sài Gòn cho hay người Mỹ vừa tuyên bố: Đúng, có thể Mỹ không thể đánh bại người Việt ở miền Nam, nhưng có thể đánh bại họ bằng cách ném bom cho miền Bắc tan thành từng mảnh. Chủ tịch có thể cho biết ý kiến về vấn đề này, và chúng tôi có thể ghi âm lời Người không?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý. Nhưng điều chỉnh đồng bộ để ghi hình quả là một công việc rối mù, và để phối hợp được hình và tiếng, người đạo diễn phải vỗ tay một cái và hô, như em đã làm trong trường hợp đó: “Ngài Chủ tịch, 1”. Hồ Chí Minh quá buồn cười khi nhìn thấy em trong một vai trò ngộ nghĩnh như vậy, nên dù camera đang làm việc, Người đã cười phá lên và không thể phát biểu được. Chúng em phải tắt camera đi và bắt đầu lại từ đầu. Em lại vỗ tay và hô: “Ngài Chủ tịch, 2”. Và Hồ Chí Minh lại cười rũ ra; lần thứ ba cũng đem lại kết quả như vậy. Đến lần thứ tư, em nhắc lại câu hỏi nhưng không vỗ tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời một cách tuyệt diệu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, mà một câu sau đó đã đi vào lịch sử và vang vọng khắp thế giới: “… Người Mỹ quả thực là điên nếu họ nghĩ như vậy! Kể cả nếu phải mất 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng tôi sẽ chiến đấu và sẽ đánh bại họ. Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa. Dư luận thế giới, kể cả ở Mỹ, sẽ ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ chịu khuất phục”. Đây là một trường hợp điển hình cho tính cách Hồ Chí Minh. Người ghét tất cả những gì là giả tạo, là gượng gạo. Nếu chúng em có thời gian để giải thích cho Người về quy trình kỹ thuật, về sự cần thiết của cái vỗ tay, chắc là Người sẽ phối hợp ngay.

Chuyến viếng thăm châu Á này của em tràn đầy những kỷ niệm sống động. Trở lại Trung Quốc gặp các bạn cũ; trở lại Triều Tiên thăm Kaesong và Bàn Môn Điếm; trở lại Hà Nội sau đúng 15 năm kể từ ngày giải phóng Thủ đô, nhưng Bác Hồ đã không còn nữa! 

Nhờ ơn trời, em vẫn có thể duy trì được thế độc lập trong ngần ấy năm, gian khó cực kỳ về mọi phương diện của cuộc sống. Để có thể nói được với người Nga, người Trung Quốc, người Việt Nam, người Triều Tiên, người Campuchia trên tư cách một người bạn, đồng thời lại hoàn toàn độc lập. Vị thế này đã giúp em làm việc và nói lên những gì mà những người khác khó có thể làm được...

WILFRED BURCHETT

LÊ ĐỖ HUY (dịch)