Vóc dáng gầy gò với vầng trán cao, cái nhìn lanh lợi và trìu mến, chòm râu dài làm cho khuôn mặt của đồng chí có vẻ một người cha, đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc không thể xóa mờ! Tôi cũng rất kinh ngạc vì đồng chí hiểu biết rất sâu sắc về nước Pháp và có thiện cảm nồng nàn đối với nhân dân Pháp. Đồng chí biết rõ nhân dân lao động Pháp trong những chuyến đi trên tàu Pháp. Và hiểu họ sâu hơn khi sống ở Paris hồi năm 1914...
Hồi bấy giờ, đồng chí làm thợ sửa ảnh ở một hiệu ảnh để kiếm sống. Nhưng công việc chủ yếu của đồng chí là hoạt động cách mạng khi gặp công nhân Pháp. Đồng chí vào tiểu tổ hội cách mạng thuộc tờ báo Đời sống thợ thuyền. Một lần có nhà báo quen đề nghị đồng chí viết một bài nhỏ về cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa. “Nhờ nhà báo đó và những lời khuyên bảo của anh nên tôi đã làm quen với công tác báo chí”-đồng chí đã nói với tôi như thế.
Quả thực chẳng bao lâu, đồng chí đã trở thành cộng tác viên thường xuyên của Báo Đời sống thợ thuyền và những tờ báo công nhân khác. Đồng thời, nhà báo trẻ bắt đầu ra tờ báo riêng của mình, tờ Người cùng khổ (Le Paria). Năm 1946, khi đồng chí Hồ Chí Minh đến Pháp, các nhà cầm quyền đã đưa đoàn đại biểu Việt Nam đến vùng biển phía Tây nước Pháp cốt để đồng chí không tiếp xúc được với công nhân. Những ngày bên bờ biển cũng không phải là những ngày chờ đợi vô bổ. Trong những ngày đó, đồng chí Hồ Chí Minh đã đi thăm những thành phố và những vùng bị thiệt hại nặng trong thời gian chiến tranh. Đồng chí thông cảm sâu sắc với nhân dân Pháp đã phải gánh chịu những thử thách đầy gian khổ. Đồng chí nói: “Sau những nỗi khổ như vậy, làm sao mà người Pháp không thể hiểu khát vọng của người Việt Nam muốn được độc lập”.
|
|
Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội không khác nhiều so với mô tả của tác giả Léo Phigie về “nhà của Bác” hồi ở chiến khu những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: TUẤN TÚ. |
Hồ Chí Minh rất tin tưởng, nếu có thể đạt được việc ký kết hiệp định thì cùng nhau chúng ta có thể đạt được nhiều điều. “Người Việt Nam có thể sang Pháp học tập ở các nhà kỹ thuật và công nhân Pháp. Chúng tôi có thể đón thanh niên Pháp đến nước mình. Họ sẽ giúp chúng tôi khôi phục đất nước. Điều đó sẽ tạo điều kiện tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta”-đồng chí Hồ Chí Minh đã nói như vậy trong một cuộc gặp với đại diện của nhiều tổ chức thanh niên khác nhau.
Đồng chí đã đấu tranh kiên trì để ký kết hiệp định nhưng bên phía Pháp đã tăng cường việc dùng những mánh khóe chính trị và thậm chí cả những hành động khiêu khích quân sự. Do đó, hy vọng ký kết hiệp định đã không thực hiện được, mặc dù đồng chí Hồ Chí Minh đã cố gắng rất nhiều và các bộ trưởng cộng sản trong Chính phủ Pháp cũng hết sức ủng hộ.
Đầu năm 1950, với tư cách là Tổng bí thư Đoàn Thanh niên Pháp và chủ bút Báo Tiền phong, tôi gặp lại đồng chí Hồ Chí Minh trên đất nước Việt Nam khi “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” đang tàn hại ác liệt hơn 3 năm. Tôi là người Pháp đầu tiên nối lại những cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam sau tấn bi kịch năm 1946. Tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai lần trong ngôi nhà nhỏ của đồng chí ở chiến khu giữa núi rừng Việt Bắc. Chính trong những khu rừng già đầy thú dữ và rắn rết là nơi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã rút về. Trung tâm hành chính của cuộc kháng chiến ở Việt Nam đóng bên bờ suối, thậm chí có thể nói là ngay trên mặt nước. Phần lớn các ngôi nhà sàn dựng lên bằng cọc trên những dòng suối để phòng tránh thú dữ. Đồng chí Hồ Chí Minh sống trong một ngôi nhà nhỏ như vậy, chẳng có gì đặc biệt so với những ngôi nhà khác. Đồng chí tiếp tôi hết sức niềm nở, coi tôi là đại diện của giai cấp công nhân Pháp. Đồng chí biết rất rõ về cuộc đấu tranh của nhân dân lao động Pháp chống cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Và cuộc nói chuyện của chúng tôi bắt đầu từ vấn đề đó. Đồng chí hỏi tôi dồn dập, tuyên truyền của bọn thực dân có ảnh hưởng đến người Pháp không. Đồng chí nghe nói, vợ và những người mẹ của binh lính Pháp chết trận đã biểu tình ở Paris và rất căm phẫn khi được biết là nhà cầm quyền đã ra lệnh cho cảnh binh dùng dùi cui xua đuổi những người phụ nữ đó. Đồng chí tỏ lòng thông cảm sâu sắc đối với phụ nữ Pháp và khâm phục lòng dũng cảm của họ.
Đêm đó, tôi ở lại nhà đồng chí Hồ Chí Minh, nằm ngủ trên chiếc chiếu. Chính mắt tôi được thấy đồng chí tự tay soạn thảo những bài báo của mình trên chiếc máy đánh chữ, rồi viết thư cho các bạn người Pháp. Ở đồng chí, mọi cái đều giản dị. Nhà lãnh đạo kiệt xuất ấy mặc quần áo cổ truyền của người nông dân Việt Nam, đi đôi dép giản dị. Đồng chí cũng như tất cả người Việt Nam khác làm mọi việc mà trong thời kỳ gian khổ đó cần làm, không khước từ một việc nào. Chẳng hạn, ở Việt Bắc, muốn sống được phải tự túc lương thực. Binh lính cũng như thường dân đều phải cày cuốc trên mảnh đất nhỏ trong rừng nơi gần nước để trồng rau. Và đồng chí Hồ Chí Minh đã làm gương cho mọi người. Đồng chí có một vườn rau rất tốt mà hằng ngày đồng chí đều dành hơn một giờ để chăm bón. Điều đó đối với đồng chí hoàn toàn tự nhiên. Không phải chỉ vì đồng chí kêu gọi những người khác làm như vậy mà còn vì tính giản dị và cần cù là cố hữu đối với đồng chí cũng như mọi người Việt Nam khác.
Vì sao nhân dân Việt Nam đã thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và đang thắng trong cuộc chiến tranh hiện nay? Cố nhiên vì họ có tinh thần yêu nước nồng nàn. Họ có khả năng sáng tạo lớn lao.
Ngay từ thời kỳ đó, tôi được thấy những người Việt Nam đã xây dựng cả một ngành công nghiệp thật sự sản xuất vũ khí trong rừng sâu. Nhưng không thể không nói đến thói quen với lối sống giản dị, đến lòng hy sinh, sự sẵn sàng chịu đựng gian khổ của họ. Không trừ một ai từ trước đến nay. Đó là đặc tính của tâm hồn họ. Đặc tính đó đã giúp họ nhiều trong cuộc đấu tranh. Đồng chí Hồ Chí Minh có được ở mức độ rất cao tất cả những đức tính tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam. Người Việt Nam khiêm tốn thì đồng chí cũng khiêm tốn. Họ rất thanh đạm trong sinh hoạt và hết sức cần cù thì đồng chí cũng thế. Phải làm vườn rau ư, đồng chí cũng làm vườn. Phải câu cá ư, đồng chí cũng câu cá. Uy tín hiển nhiên của đồng chí không những là do đường lối chính trị sáng suốt của đồng chí mà còn do tư cách trong sinh hoạt, do chính lối sống của đồng chí nữa.
Công lao to lớn của đồng chí Hồ Chí Minh là đã hướng cái uy tín xứng đáng đó và toàn bộ sức mạnh tinh thần của đồng chí vào việc củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc. Đúng thế, nhà yêu nước nồng nhiệt đó đồng thời là một nhà cách mạng quốc tế chân chính. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí đã chứng minh điều đó.
Bao giờ đồng chí cũng kề vai sát cánh đấu tranh cùng với các dân tộc khác. Chẳng hạn, cùng với nhân dân lao động Pháp trước năm 1924, sau đó, đồng chí đã chia sẻ những khó khăn lẫn vui sướng trong thời kỳ gian khổ cùng với nhân dân Liên Xô. Và khi thực hiện những nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao phó, đồng chí đã sát cánh cùng những người cộng sản Trung Quốc, Myanmar, Malaysia. Tấm lòng của đồng chí cởi mở đối với mọi người. Đồng chí hoàn toàn không có tư tưởng sô vanh (Chauvinism), chủ nghĩa chủng tộc, đầu óc bài ngoại. Tinh thần quốc tế chủ nghĩa của đồng chí ngời sáng trong những lúc khó khăn nhất của “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”.
Tôi đặc biệt kinh ngạc khi đi trên đất nước Việt Nam chịu nhiều đau khổ hồi năm 1950. Chúng tôi gặp một người nông dân. Người đó chẳng những không biểu lộ chút gì thù địch đối với chúng tôi là những người Pháp. Trái lại, chúng tôi cảm thấy anh ta có thiện cảm với chúng tôi. Người nông dân giản dị đó không bao giờ lầm lẫn bọn thực dân đã gây ra những đau khổ cho mình với nhân dân Pháp. Chính vì thế, ngay cả sau trận đánh đẫm máu, tù binh vẫn được đối xử nhân đạo. Họ được bảo đảm những điều kiện sống bình thường, thậm chí được nuôi nấng tốt hơn so với những chiến sĩ Việt Nam. Khi tôi hỏi đồng chí Hồ Chí Minh là có thể hy vọng những người tù binh được trở về nước không, đồng chí trả lời: “Chúng tôi đã thả họ và sẽ còn tiếp tục thả họ vì chúng tôi biết rằng không ai khác, chính họ sẽ kể lại cho người khác, chúng tôi chiến đấu như thế nào và vì mục đích gì”.
Một lần khác, tôi lại được gặp đồng chí Hồ Chí Minh tại Hội nghị Moscow 1960 và sau đó là vào năm 1964, khi tôi có mặt trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp đến Hà Nội. Chúng tôi biết là đồng chí đã già yếu rồi nhưng đồng chí vẫn đầy nghị lực, trí óc vẫn còn minh mẫn. Đồng chí làm việc liên tục và giữ nguyên mọi phẩm chất tốt đẹp của một chiến sĩ cách mạng.
Ở Việt Nam không có tệ sùng bái cá nhân, nhưng hiếm có một lãnh tụ nào được sùng kính như đồng chí Hồ Chí Minh. Đó là lòng tin tưởng tuyệt đối và lòng yêu mến đối với con người đã hiến mình cho nhân dân. Và trong con người đó, mỗi người đều thấy một phần của chính mình. Đồng chí Hồ Chí Minh được toàn dân Việt Nam, được tất cả những ai trên trái đất quý trọng sự nghiệp hòa bình và chủ nghĩa xã hội tôn kính, tưởng nhớ.
LÉO PHIGIE (Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Pháp. Bài viết đăng trên Báo Iumanité, ngày 14-9-1969.)
NGUYỄN NGHĨA và cộng sự (lược dịch)