|
Sách: Bầu trời rực lửa-hồi ký chuyên gia Liên Xô từng công tác ở Việt Nam xuất bản tại U-crai-na.
|
Nhân kỉ niệm lần thứ 92 Cách mạng Tháng Mười, Sự kiện và Nhân chứng xin giới thiệu bài viết về quá trình “càng đánh càng mạnh” của Bộ đội Phòng không-Không quân Việt Nam của Đại tá cựu chiến binh Liên Xô N.Sơ-Snép, giáo sư Đại học không quân Khác-cốp, U-crai-na. Bài đăng trên báo Cựu binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam (The Vietnam Veterans of America) số ra tháng 7-8 năm 2006.
Nhằm ngăn chặn sự chi viện cho cách mạng miền Nam, không quân Mỹ đã tiến hành đánh phá sân bay, bến cảng, cầu phà, đường giao thông, cơ sở công nghiệp và cung ứng năng lượng của miền Bắc Việt Nam. Để phát hiện tuyến tiếp vận trong rừng rậm như Đường Hồ Chí Minh, Mỹ đã sử dụng các tác nhân làm trụi lá cây, kể cả chất độc da cam.
Đầu tháng 8-1964, đợt không kích đầu tiên của Mỹ chống miền Bắc đã bị đánh bại bởi các vũ khí phòng không do Liên Xô, Trung Hoa và Tiệp Khắc sản xuất từ thời thế chiến II. Đó là những khẩu ca nông 100, 85, và 57mm dùng hệ thống điều khiển hỏa lực thô sơ, cao xạ 37 và 23mm tự hiệu chỉnh đường đạn, một số súng máy phòng không hai và bốn nòng. Để kỉ niệm sự kiện máy bay Mỹ đã bị bắn rơi ngày 5-8-1964, các sĩ quan Việt Nam và Liên Xô đeo huy hiệu có đề Chiến thắng 5-8.
Không quân Việt Nam lúc này chỉ có một trung đoàn tiêm kích gồm các máy bay MIG-17… Máy bay tiêm kích MIG-21 lúc đó là vũ khí rất hiện đại, tuy nhiên, quy trình huấn luyện các phi công Việt Nam gặp vô vàn khó khăn trong điều kiện thời chiến.
Phía Mỹ tạo dựng ưu thế tuyệt đối trên không nhờ lực lượng không quân cường kích như A-1H Giặc nhà trời, A-4 Thiên ưng, F-105 Thần sấm, F5 Đấu sĩ vì tự do; các máy bay tiêm kích bom hạng nặng như F-4B Con ma, A-6 Kẻ xâm phạm, A-7 Tên cướp biển, và F111 Con quạ. Các phi vụ do thám được thực hiện bởi SR-71 Hắc điểu, U-2 và E-2C Mắt ó. Nhiễu điện tử do các máy bay EB-66 Kẻ hủy diệt và EA-6B Thú săn mồi. Các phương tiện tác chiến đường không cao về hiệu suất chiến đấu, đông đảo về số lượng, đội ngũ phi công được huấn luyện hoàn hảo và cơ sở hậu cần-kỹ thuật hiện đại như các tàu sân bay của Mỹ đã tạo nên một thách thức đối với Bộ đội Phòng không Việt Nam. Sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nếu không hiện đại hóa trang bị chiến đấu hiện hành.
Tới lúc này, Liên Xô đã sản xuất được một số lượng đồng bộ tên lửa đất đối không. Hơn 50 đồng bộ C75 (SA-1) được triển khai thành hai vành đai phòng thủ bao quanh Mát-xcơ-va. Bộ đội Phòng không Xô-viết có ba thế hệ tên lửa được chế tạo trên mẫu C75: đó là SA-75 Đvi-na, C-75 Đe-xna, và C-75M Vôn-khốp. Về tên lửa tầm ngắn, Liên Xô đã chế tạo được C-125 Nê-va.
Vào giữa những năm 60, Liên Xô đã xuất tên lửa phòng không sang các nước Đông Âu, Trung Hoa, Xy-ri, Li-bi, Áp-ga-ni-xtan, Mông Cổ, An-giê-ri, Bắc Triều Tiên, Cu-ba. Nhiều sĩ quan và chiến sĩ của các nước này, và cả của Việt Nam, đã sang học về tên lửa tại các nhà trường, học viện ở Liên Xô. Mồng 1-5-1960, một chiếc U2 của Mỹ rơi trên lãnh thổ Liên Xô. 27-10-1962, một chiếc U2 nữa bị hạ ở Cu-ba.
Chuyên gia Liên Xô chúng tôi nhận lệnh lên đường sau khi trải qua kiểm tra sức khỏe. Điểm đến không được biết trước. Điều được thông tin chỉ là khí hậu: nóng và khô có nghĩa là Li-bi hay Ai Cập, nóng và ẩm có thể là Việt Nam, Cu-ba, hay Ấn Độ. Những gì còn lại đều là mật. Địa chỉ hòm thư chung của họ là Mát-xcơ-va 400.
Thời hạn huấn luyện cho một trung đoàn tên lửa dự kiến là 4 tháng. Thực tế chiến tranh Việt Nam đã rút ngắn thời lượng này xuống chỉ còn 2 tháng rưỡi. Theo quy định của quân đội Xô-viết, để huấn luyện cho một trung đoàn tên lửa cần có 75 chuyên gia Liên Xô. Tuy nhiên, đường liên vận qua Trung Hoa nơi xảy ra cuộc cách mạng văn hóa đã gây tác động… kể cả việc phải rút xuống chỉ còn 36 chuyên gia cho một trung đoàn.
|
Cựu chiến binh Phòng không Liên Xô và Việt Nam thăm Bảo tàng Phòng không-Không quân, Hà Nội tháng Giêng năm 2009. |
Những ai tốt nghiệp nhà trường, học viện ở Liên Xô về và biết tiếng Nga là những người đầu tiên được nhận vào đào tạo tại trung tâm huấn luyện. Kế đó là những ai làm nghề điện và điện tử, kể cả các sinh viên khoa điện và điện tử. Những người được nhập học phải có trình độ tối thiểu là phổ thông cấp ba. Việt Nam có những phiên dịch tiếng Nga xuất sắc.
Đầu tháng 4 năm 1965, khóa đầu tiên bắt đầu học lí thuyết phòng không, tính năng kỹ thuật, chiến thuật, hướng dẫn khai thác sử dụng, chiến thuật. Giữa tháng 5, bộ khí tài đầu tiên đã tới Việt Nam, và các bài thực hành trên khí tài bắt đầu. Đúng vào lúc này trên có lệnh rút gọn chương trình huấn luyện để phiên chế ngay hai đơn vị ra chiếm lĩnh trận địa bảo vệ Hà Nội.
Khó khăn, thiếu thốn về trang bị đã làm nảy sinh quyết định về cách đánh mai phục trên các đường bay mà máy bay Mỹ thường xuyên qua lại. Sau mỗi loạt phóng tên lửa, khẩu đội lập tức di chuyển trận địa. Nếu kịp bố trí các quả tên lửa giả vào trận địa này, sẽ diễn ra trận đánh phục kích kế tiếp, nhưng là của pháo cao xạ, súng máy phòng không của bộ đội, cũng như súng bộ binh của dân quân địa phương. Nhân dân làm đường và xây dựng trận địa giả giúp cho bộ đội. Để bảo đảm an toàn, đội hình chiến đấu chỉ gồm ba hoặc bốn bệ phóng được triển khai thay vì cả 6 bệ phóng theo đúng yếu lĩnh, các máy phát dẫn đường cho tên lửa được lệnh tắt…
Đêm 23 và 24 tháng 7 năm 1965, các khẩu đội tên lửa chiếm lĩnh trận địa. 14 giờ 25 phút ngày 24 tháng 7, một khẩu đội đã phóng hai quả tên lửa vào đội hình bốn máy bay Mỹ, diệt hai chiếc. Cùng lúc, một khẩu đội khác bắn rơi một chiếc nữa. Ngày 24-7 trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Tên lửa QĐND Việt Nam…
Các học viên Việt Nam, từ giai đoạn thực tập ban đầu nhanh chóng trở thành các chiến binh giỏi của Binh chủng Tên lửa. Sĩ quan và chiến sĩ Xô-viết chuyển sang vai trò cán bộ huấn luyện và cố vấn. Trong suốt 10 năm từ đó về sau, các chuyên gia Liên Xô chịu trách nhiệm về xác lập chế độ làm việc cho các đồng bộ khí tài mới, về công tác sửa chữa, xạ kích trong điều kiện khí tượng xấu.
Thành công của bộ đội tên lửa Việt Nam trong năm đầu là do chất lượng của khí tài, và nhờ công tác huấn luyện các khẩu đội Việt Nam đạt kết quả cao. Cũng có nguyên nhân là các phi đội của Mỹ bay đi đánh phá theo đội hình dày đặc, sử dụng chủ yếu các mực bay tầm trung nơi các tên lửa do Liên Xô chế tạo đạt hiệu quả cao. Không quân Mỹ lúc này còn chưa sử dụng nhiễu tích cực; phi công gặp khó khăn trong việc xác định trận địa tên lửa là thực hay giả, và thường hấp tấp phóng hỏng rốc-két chống ra-đa.
Tuy nhiên, thế trận trở nên giằng co hơn, vì năng lực không kích của Hoa Kỳ được nâng cấp, trong khi hiệu quả của hệ thống phòng không thì giảm sút. Đồng bộ tên lửa Đvi-na, làm việc từ năm 1957, không thể mãi là đối thủ ngang tài ngang sức của các máy bay có tính năng ngày càng hiện đại như F4 và A6. Đvi-na có tính năng chống nhiễu thấp và không đánh được những mục tiêu bay siêu tốc...
Nhưng Việt Nam vẫn chỉ được trang bị các đồng bộ tên lửa CA-75M Đvi-na (SAM 2), cụ thể là 7.000 quả đạn và 100 bệ phóng. Tới năm 1973 chỉ còn 40 đồng bộ còn bảo đảm chiến đấu được. Trung bình mỗi đồng bộ bị máy bay Mỹ tiến công tới 4 lần. Các chuyên gia sửa chữa Liên Xô đã giúp khôi phục nhanh chóng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các quả đạn tên lửa và các bệ phóng. Vào đêm 19-12-1972 (đêm mở đầu đợt tập kích chiến lược đường không dịp Lễ Giáng sinh của Mỹ) trong số 20 khẩu đội được triển khai để bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng, chỉ có 15 khẩu đội hoạt động được. Nhưng chỉ 10 ngày sau, 19 trong số 20 bệ phóng đã bảo đảm được hoạt động chiến đấu. Trong giai đoạn này, theo thống kê ở miền Bắc Việt Nam đã có hơn 50 máy bay Mỹ đã bị hạ, trong đó có 30 máy bay chiến lược B-52.
Phía Việt Nam thường thẩm định kỹ các tin báo máy bay Mỹ bị hạ, yêu cầu cấp dưới phải xuất trình mảnh xác có số hiệu của máy bay. Có lần, phải xuyên rừng để tìm cho được xác máy bay rơi lạc sang Lào. Còn phải xác định lực lượng nào đã bắn rơi: tên lửa, cao xạ hay dân quân tự vệ…
Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên sử dụng công nghệ cao. Phía Mỹ dùng các máy bay tiên tiến nhất trên thế giới, có trang bị các thiết bị kỹ thuật điện tử và vô tuyến hiện đại, nhiều loại tên lửa, vũ khí chống ra-đa, bom la-de, thiết bị gây nhiễu… Những người lái đều được huấn luyện tốt, dày dạn, quyết liệt, táo bạo, đầy tham vọng thi hành nhiệm vụ được giao.
Phía bên kia là các đồng bộ khí tài tên lửa thế hệ đầu của Liên Xô, lúc đó chưa là siêu việt, nhưng sau đó được hoàn thiện, trở thành vũ khí tốt nhất thế giới, với những quả tên lửa được đặt lên bệ phóng sau hành trình hàng nghìn dặm. Bên màn hiện sóng và hệ bám mục tiêu là bộ đội Việt Nam sát vai cùng các chuyên gia Xô-viết.
Các bên tham chiến thật là kỳ phùng địch thủ.
Khi Liên Xô quyết định viện trợ cho Việt Nam 12 đồng bộ khí tài tên lửa đất đối không tầm ngắn C-125, còn gọi là Pê-chô-ra (SAM 3) vào năm 1973, cuộc chiến tranh trên bầu trời Bắc Việt Nam đã kết thúc…
Lê Đỗ Huy (lược dịch)