Cuộc gặp trên chiến trường xưa

Nắng hè như trút lửa vào không gian Quảng Trị. Ngồi dưới gốc cây trong khu Di tích lịch sử sân bay Tà Cơn, CCB Bùi Minh Thuyên nhấp từng ngụm nước dừa mát lạnh để giải nhiệt, tiếp sức cho hành trình tri ân đồng đội còn dài phía trước.

“Xin chào! Có phải ông là bộ đội Bắc Việt, từng chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam không?”-một người Mỹ cùng một phiên dịch viên đến gần ông và thân thiện nở nụ cười bắt chuyện. “Vâng, tôi là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Còn ông là...?”, ông Thuyên hỏi và rót hai ly nước dừa mời khách.

Vừa thưởng thức ly nước dừa ngọt mát từ ông Thuyên, người Mỹ này vừa quan sát thái độ của ông và tự giới thiệu: “Tôi là Glenn Prentice, nguyên thượng sĩ thủy quân lục chiến (TQLC) ở chiến trường Đường 9-Khe Sanh từ ngày 10-11-1967 đến 27-12-1968. Hiện nay, tôi là Phó chủ tịch Tổ chức phi chính phủ History Flight”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Bùi Minh Thuyên chụp ảnh lưu niệm cùng cựu binh Hoa Kỳ Glenn Prentice, ngày 10-4-2019. Ảnh: DƯƠNG HÀ.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Prentice là chiến sĩ thông tin vô tuyến điện trong một đội trinh sát cho lực lượng pháo binh. Sau đó được điều làm trinh sát viên cho đại đội “India”, tiểu đoàn 3, trung đoàn TQLC 26 thuộc lực lượng TQLC Hoa Kỳ.

Đại đội “India” có nhiệm vụ chiếm giữ điểm cao 881 Nam. Điểm cao này là một tiền đồn quan trọng với vị trí địa chiến lược, cao hơn 400m so với khu thung lũng bao quanh, có tầm nhìn bao quát, quan sát được cả đường chuyển quân từ hậu cứ ở phía tây nằm trên đất Lào về phía Khe Sanh của bộ đội Việt Nam. Tuy nhiên, địa hình điểm cao 881 Nam cheo leo, hiểm trở và trống trải, sườn rất dốc nên đây là tiền đồn mà quân đội Hoa Kỳ khó tiếp viện nhất. Việc chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men bằng trực thăng thường xuyên bị bộ đội Việt Nam phục kích và bắn phá.

Prentice cho biết thêm: Hơn 450 lính thủy đánh bộ đóng quân trên điểm cao 881 Nam chỉ còn 14 người lành lặn sau trận bao vây và chiến đấu 77 ngày, từ cuối tháng 1 đến tháng 4-1968 của bộ đội Việt Nam. Những người còn lại đều bị chết hoặc bị thương. Và bên phía bộ đội Việt Nam, khi lính Mỹ dọn dẹp chiến trường cũng có hàng trăm người hy sinh.

Còn CCB Bùi Minh Thuyên tình nguyện nhập ngũ vào năm 1968 (khi ông mới 18 tuổi). Cũng trong năm 1968, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Đường 9-Khe Sanh và được biên chế vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Nhiệm vụ của ông là trinh sát và bảo vệ sở chỉ huy của tiểu đoàn, bảo vệ bệnh xá, đồng đội bị thương tại chiến trường. Bom đạn chiến tranh đã làm ông bị thương (hiện ông là thương binh hạng 4/4).

Khi biết ông Thuyên nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 304, người cựu binh Mỹ bày tỏ sự khâm phục lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu của bộ đội Việt Nam cũng như những người thuộc Sư đoàn 304, từng giáp mặt với các đơn vị TQLC Hoa Kỳ trong các trận chiến trên điểm cao 881 Nam và 881 Bắc.

Ước muốn chung của những người còn sống

“Họ (những cựu binh Mỹ-NV) cũng có ước muốn như các CCB chúng tôi là “đưa đồng đội trở về quê nhà”.

Ông Prentice cùng các cựu binh Mỹ khác đã hơn 20 lần trở về chiến trường xưa để tìm kiếm thông tin, cất bốc hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh tại Việt Nam. Đồng thời cũng là thăm lại chiến trường khốc liệt hơn 50 năm về trước, để nhắc nhở bản thân về các giá trị của cuộc sống và hòa bình”, ông Thuyên chia sẻ.

leftcenterrightdel
Tấm bản đồ khu vực điểm cao 881 Nam năm 1968, trong đó khu mộ tập thể của bộ đội Việt Nam ở dưới vị trí Ammo Bunkers (kho đạn).

Thông qua phiên dịch, cựu binh Prentice lắng nghe ông Thuyên kể về hành trình trên các chiến trường Lào, Quảng Trị để tìm kiếm và đưa đồng đội của mình về quê hương; về niềm vui, về nước mắt của các thành viên trong gia đình thân nhân liệt sĩ khi đón những người con anh hùng trở về nhà sau hàng chục năm xa cách. Cựu binh Prentice xúc động nói:

- Tôi đã thấy được ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của những gia đình Hoa Kỳ khi hài cốt con em họ được quy tập trở về Mỹ. Khi lần đầu đến Việt Nam, tôi là một chàng trai trẻ 18 tuổi, tôi biết rất ít về đất nước của các bạn. Cuộc chiến mang tới cho tôi nhiều cảm xúc và đầy rẫy sự phức tạp. Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi.

Bỗng nhiên, Prentice thoáng trầm ngâm và lấy từ trong cặp xách một tấm bản đồ rồi trao cho ông Thuyên. Tấm bản đồ vẽ bố cục chiến trường trên điểm cao 881 Nam trong thời gian đại đội “India” của ông chiếm đóng. Người cựu binh Mỹ chỉ tay về khu vực vẽ Ammo Bunkers (kho đạn) và cho biết: Binh lính Mỹ đã tạo một hố chôn tập thể nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh trong các trận đánh điểm cao 881 Nam ở trong kho đạn.

Tấm bản đồ đó đã được Prentice mang theo bên mình hơn 50 năm qua kể từ khi ông rời Việt Nam (tháng 12-1968). Cảm tình với tấm lòng vì đồng đội của ông Thuyên, cựu binh Mỹ Prentice đã trao cho CCB Bùi Minh Thuyên tấm bản đồ và mong muốn hài cốt bộ đội Việt Nam đã hy sinh sẽ được tìm thấy. Trước khi chia tay, ông Prentice hứa sẽ sắp xếp thời gian và quay trở lại Quảng Trị vào tháng 9-2019, để giúp CCB Bùi Minh Thuyên và cơ quan chức năng Việt Nam xác định vị trí chính xác khu mộ tập thể.

VIỆT THÙY