Pi-te Pi-tơ-sơn là đại sứ Mỹ đầu tiên ở Hà Nội từ năm 1997, trở lại Việt Nam tham dự hội thảo về 20 năm đổi mới của Việt Nam. Ông kể lại:

...Tôi được chứng kiến đổi mới trong lần quay lại Việt Nam năm 1991... Thoạt nhìn, tôi thấy một đất nước rất lạc hậu và có vẻ như bị đóng băng... Dường như đất nước và con người Việt Nam lúc đó trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Các phương tiện nông nghiệp rất thô sơ. Tôi nhớ đã đi thăm một số khu chợ và thấy lương thực khá dồi dào, nhưng tôi không chắc rằng mọi người đủ tiền để mua những gì họ cần. Trên đường phố chủ yếu là xe đạp... Các cửa hàng nhà nước với rất ít hàng hóa là nguồn cung chủ yếu của tất cả mọi người. Vào năm 1991, Việt Nam thực sự có tất cả mọi đặc trưng của một nước nghèo...

Các đại biểu tại hội thảo Bàn tròn cấp cao lần thứ 4 tổng kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam (ảnh: Internet).

Năm 1993, tôi được trở lại Việt Nam vài ngày và tất nhiên sau đó là quay trở lại để sống ở đây năm 1997 với vai trò là đại sứ của Mỹ. Trong chuyến thăm năm 1993, tôi đã thấy được những chuyến biến kinh tế đáng kể ở Việt Nam. Đổi mới đang bắt đầu có được những tác động như mong muốn. Mọi thứ trên khắp đất nước vẫn còn rất thô sơ mộc mạc nhưng người ta đã có thể nhìn thấy có một sự tiến triển đang diễn ra ở đây. Năm 1993, người vợ tương lai của tôi đã ở đây để thành lập một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam và tôi chứng kiến một cộng đồng ngoại giao tăng lên đáng kể trong một vài năm tiếp đó...

Vào năm 1997, đã có dấu hiệu cho thấy đổi mới thực sự bắt đầu diễn ra. Đường phố lúc bấy giờ đã kín những xe máy. Tôi cũng đã mua một chiếc sau khi đến Việt Nam vài ngày. Xuất hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và đường phố đầy những hàng hóa mà tôi chưa từng thấy trước đó...

Trong lúc nhiều nước láng giềng của Việt Nam phải chịu những biến động kinh tế nặng nề thì Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng trừ việc giảm lượng xuất khẩu trong khu vực. Không hề có mối lo đối với việc sụp đổ của đồng Việt Nam vì nó không chi phối thị trường, đồng thời Việt Nam lại không có thị trường chứng khoán. Khác với các nước châu Á láng giềng, nền kinh tế của đất nước chưa bị phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Do vậy, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài cạn kiệt, nó không phải là một thảm họa tức thì đối với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nếu vào thời điểm đó Việt Nam tăng tốc quá trình đổi mới và tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thì các bạn đã có thể ở một vị trí tốt hơn để hấp dẫn đầu tư nước ngoài từ các nước láng giềng trong thời kỳ khủng hoảng.

Phía Việt Nam cuối cùng đã chính thức ký BTA vào tháng 7-2000 (tròn một năm sau khi có hiệp định về nguyên tắc), nhưng thời điểm đó đã quá muộn để Quốc hội Mỹ thông qua trong năm. Sau đó BTA đã trở thành nạn nhân những tranh cãi giữa chính quyền mới của Bu-sơ và Quốc hội, dẫn tới việc tiếp tục chậm trễ để có được sự thông qua cuối cùng.

Vào năm 2000, Chính phủ (Việt Nam) đã đưa ra một loạt nghị định nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn. Trong đó, có cả việc ban hành luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi và việc ký kết BTA. Luật doanh nghiệp mở đầu sự bùng nổ trong nước. Nó giúp tổ chức tốt hơn thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân trong nước và hợp pháp hóa hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ trước đây hoạt động bất hợp pháp hoặc không được cấp phép đầy đủ, tạo điều kiện để thành lập hàng nghìn doanh nghiệp khác. Những sửa đổi tiếp theo đối với Luật đầu tư nước ngoài cũng đã tổ chức tốt hơn các thủ tục phức tạp về quản lý FDI và giải quyết hiệu quả những phàn nàn mà các nhà đầu tư nước ngoài thường nói tới....

Đổi mới đúng là thành công. Năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 8%. Năm 2005, khu vực tư nhân đóng góp khoảng nửa kinh tế cả nước. Ngày nay, các bạn là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới và là nước xuất khẩu lớn về cà phê, dầu thô, hàng dệt may, thủy sản, da giày và hạt tiêu... Ngành du lịch rất phát đạt với việc Việt Nam trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới. Vì vừa xuất khẩu năng lượng, vừa xuất khẩu lương thực, Việt Nam có nền tảng kinh tế mà các nước đang phát triển không có. Người Việt Nam đang được sống trong một môi trường ngày càng an toàn và tương đối không có tội phạm.

Đổi mới thoạt đầu được xem là một chính sách kinh tế, nhưng nó đã có cả những tác động to lớn về chính trị và ngoại giao... với Việt Nam. Đặc trưng chính trị lớn nhất của đổi mới là nó đã đem lại cho Việt Nam một lộ trình vững vàng để đưa đất nước gia nhập nền kinh tế quốc tế và đồng thời trở thành một người chơi đáng nể trong cộng đồng ngoại giao quốc tế...

NNH (Theo Vnn)