Mùa xuân 1988, chúng tôi vượt sông Mê Công qua Chép, Đầm Rây (Cam-pu-chia) vào triển khai hoạt động ở Tây Nam huyện Mường Mun, tỉnh Chăm Pa Sắc thuộc Nam Lào đến Điểm cao 482, giáp ngã ba biên giới Thái Lan - Cam-pu-chia - Lào. Đi giữa đại ngàn đầu mùa khô của nước bạn, thời tiết khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ phải chia nhau từng ngụm nước mà mùi vị như “chế tác” từ lá rừng trộn lẫn bùn non!
Theo đường mòn dọc biên giới đi huyện Su Pu Ma, chúng tôi xác định hướng hoạt động trọng điểm và hướng quan trọng của đơn vị từ đông, tây sông Mê Công vào huyện Mường Mun, dù không có lực lượng bảo đảm đường và chưa liên lạc được với bạn Lào. Đêm không nhà, tạm dừng bên sông
Mê Công để trút hết bụi đường sau chặng hành quân vất vả, gặp mưa dông, ếch nhái thỏa thích vẫy vùng, anh em chúng tôi có dịp cải thiện để lấy sức. Đêm rừng Lào dào dạt sông nước đung đưa bên cánh võng, trong tôi chợt trào lên mấy câu thơ: Xuân đi giữa cánh rừng Lào/ Phong lan khoe sắc vẫy chào tiễn chân/ Vì Tổ quốc, vì nhân dân/ Ngất ngây xuân nước tình đầy nhân văn…!
Mùa xuân ở nước ta thì nước bạn là mùa khô. Rời sông Mê Công, sư đoàn lại hành quân hết vượt dốc lại luồn rừng, băng qua lầy cát mãi rồi cũng tới khu vực chiến đấu của đơn vị mà ê ẩm cả người. Thấy bộ đội thiếu nước, đói rau mà lòng tôi như muối xát. Là mùa khô trên đất bạn, vị trí phục lót lại không cho phép nằm gần sông, suối nên bộ đội phải đào hố dùng ni-lông để dự trữ nước, nhưng mỗi hố cũng chỉ được 10m3, không đủ cho cả đại đội ăn nói gì đến tắm giặt. Mùa khô ở đây, nước là lực lượng, rau là máu, nếu nắng nóng kéo dài chỉ trong vòng 15 ngày, bộ đội sẽ sốt rét và phù thũng. Biết vậy, nên cứ có người và xe từ phía sau lên, ngoài vận chuyển vật chất cho chiến đấu phải kèm theo các loại hạt giống rau, củ, quả… để bộ đội vừa truy quét vừa tăng gia, duy trì sức chiến đấu.
Tác giả (đeo kính) trong lễ buộc chỉ cổ tay của nhân dân các bộ tộc Lào tỉnh Chăm Pa Sắc mùa xuân 1988. Ảnh do tác giả cung cấp
Rong ruổi suốt chiều dài biên cương trên đất bạn hết huyện Mường Mun, ngược Quốc lộ 13 về hướng tây nam, trời đã về chiều mà nắng còn gay gắt, chúng tôi tạm dừng chân bên thị trấn Su Pu Ma để lấy sức. Gặp đoàn nhà sư hành khất đi qua, túi không có tiền kíp, ba lô chỉ có lương khô, thịt hộp, chẳng biết bỏ thứ gì cho phải đạo, chúng tôi chỉ biết chắp tay: “Nam mô a di đà phật” rồi ngắm ngôi chùa cổ kính đang ẩn mình dưới gốc me cổ thụ.
Thấy chúng tôi vãng cảnh chùa, một cụ bà chừng 80 tuổi từ gốc me bước ra. Tôi hướng về tay cụ chỉ cách chùa chừng 100m và biết thêm đó là một bản của dân có bà con Việt kiều đang lập nghiệp. Lúc mặt trời đã xuống núi, chúng tôi chọn địa điểm cách bản khoảng 500m, căng tăng, mắc võng rồi chia nhau đi tìm nước để lo bữa tối. Tôi đang quan sát tìm hai cây khọt gần ụ mối để mắc võng và cũng là nơi để tự vệ khi có tình huống bất trắc, khi quay lại đưa ba lô lên võng thì thấy một ông già quắc thước, lưng mang gùi, tay cầm con dao phát rẫy đi qua nói như reo: “Tà hán Việt Nam” (bộ đội Việt Nam). Tôi bảo Nguyễn Thế Phương, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn ra đón tiếp. Hai người cứ hết ra hiệu rồi chỉ vào miệng. Cậu Do, Phó chủ nhiệm Công binh sư đoàn nhanh nhảu cầm chiếc bi-đông lộn ngược rồi chỉ vào bụng. Ông cụ
hiểu ý, vẫy tay, tôi cho ba chiến sĩ trinh sát theo cụ vào bản. Khoảng 30 phút sau, các chiến sĩ khệ nệ mang về nào nước, cá trắng, rau, củ, quả...
Đêm biên cương giữa mùa xuân trên đất nước Triệu voi, hơi nước từ các tụ thủy gặp đá cuội tạo nên làn sương mỏng phả lên mái tăng ni-lông nghe tí tách. Mọi người hít mùi cá nướng rồi phân công nhau người cảnh giới, người thưởng thức. Bất ngờ, ông cụ xách ra ba trái bầu khô đựng rượu Lào và ngồi xuống bên tôi. Cụ cầm trái bầu đưa lên miệng tu một hơi rồi bảo: “Kin nậm” (uống rượu). Tôi cảm động trước tấm lòng của cụ và bập bẹ: “Khọt chay! Khọt chay!” (Cảm ơn! Cảm ơn!). Cứ thế, mọi thành viên của đoàn chuyền tay nhau để cụ vui lòng, nhưng cụ đâu có ngờ ba trái bầu đựng rượu quý của cụ vẫn theo chúng tôi về đến hậu cứ sư đoàn.
Mỗi khi Tết đến, tôi lại nhớ tới sự cưu mang đùm bọc của nhân dân các bộ tộc Lào ở tỉnh Chăm Pa Sắc với bộ đội Việt Nam mùa xuân năm ấy.
Thiếu tướng TRẦN MINH HÙNG