QĐND - En-xtơ Phrây (Ernst Frey), một người Áo, có tên Việt Nam là Nguyễn Dân và Hồ Chí Dân, từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

En-xtơ Phrây-trước khi vĩnh biệt cuộc đời này, đã kịp kể lại những chặng đường chiến đấu ở Việt Nam trong cuốn “Việt Nam tình yêu của tôi” với dòng phụ đề màu đỏ “Một người Do Thái thành Viên phục vụ Hồ Chí Minh”. Trong hồi ký, ông cho biết: Trong một trại giam của Nhật đặt tại Hà Nội, ông và các đồng chí của mình lần đầu tiên nghe tới Chính phủ Hồ Chí Minh, về vị lãnh tụ tối cao của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Cảm động biết bao khi được biết rõ “đồng chí Phong”-người vẫn tiếp xúc với họ trong thời kỳ bí mật chính là đồng chí Trường Chinh. Họ cũng được gặp các nhà lãnh đạo khác như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và chính thức nhận công tác mà Đảng giao cho. Lúc đầu, Phrây và 4 người nữa có nhiệm vụ xuất bản một tạp chí cho người Pháp, tờ Le Peuple (Nhân dân), để họ biết rằng, Chính phủ Việt Nam không phải là những kẻ phiến loạn mà là một tổ chức công khai, dân chủ. Bất cứ hành vi nào nhằm trở lại xâm chiếm đất nước này, đều là vi phạm nhân quyền.

Chứng minh thư đặc biệt của Bộ Quốc phòng cấp cho “Đại tá Nguyễn Dân”.

Rồi một ngày, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp gọi Phrây đến, nói rằng, anh hãy nhập vào Nam Bộ chiến đấu với tư cách một người lính và như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều là chỉ viết bình luận. Nụ cười của Bộ trưởng Giáp tỏa sáng trên gương mặt: “Chính tôi từ lâu muốn trao đổi với anh về điều ấy. Anh biết đấy, quân đội chúng ta chưa được đào tạo gì. Không những hiếm thời gian mà cũng không có điều kiện để mở các khóa đào tạo. Chúng ta sẽ phải hỏi chính mình. Có những sĩ quan và hạ sĩ quan được đào tạo ít nhiều hay là chẳng có gì hết, thế nào hơn? Tôi muốn rằng, anh Phrây ạ, anh sẽ dạy cho họ những gì mà họ chưa biết!”. Đối với Phrây, câu sau cùng của Bộ trưởng Giáp đâu chỉ là nguyện vọng mà rõ ràng là một mệnh lệnh. Anh xin phép được suy nghĩ kỹ rồi sẽ trả lời Bộ trưởng. Theo anh, trong tình hình hiện tại, mở một trường quân sự với các khóa ngắn ngày là thích hợp nhất. Có điều, phần lớn các chiến sĩ giải phóng quân chưa nắm được những kiến thức quân sự cần thiết. Anh hỏi Bộ trưởng: “Tôi sẽ bắt đầu từ số không, có được không?”. Bộ trưởng mỉm cười: “Được!”.

Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Nguyễn Dân. Ảnh tư liệu.

Ngay lập tức, Phrây lao vào việc thảo chương trình đào tạo. Điều lo lắng trước hết là không có vũ khí. Bộ trưởng Giáp cung cấp cho anh một danh mục gồm tất cả những vũ khí mà quân đội Việt Minh có được và giao nhiệm vụ là làm thế nào sau 70 ngày phải biến một người thường dân thành một sĩ quan! Ban lãnh đạo khóa đào tạo này gồm có Vương Thừa Vũ và En-xtơ Phrây. Hai người bàn bạc về toàn bộ lịch đào tạo. Trường mở tại một địa điểm cách Thái Nguyên chừng 40 cây số về phía bắc, gần Phú Lương. Dịp này, theo gợi ý của Tổng Bí thư Trường Chinh, Phrây đặt một bí danh để tình báo Pháp không “đánh hơi” được lai lịch của anh. Chính Bộ trưởng Giáp gợi ý anh lấy tên là “Dân”. Và từ đây, anh có tên Việt Nam là Nguyễn Dân. Khi Vương Thừa Vũ và Nguyễn Dân đến khu vực đào tạo, một người đàn ông bước ra niềm nở chào, ôm hôn Phrây, người đó chính là Túc, từng tiếp xúc với Phrây từ thời kỳ bí mật.

Khóa đào tạo được khai mạc với sự tham dự của ngót 200 người. Vốn tiếng Việt của Phrây hồi này còn rất hạn chế, nhưng được Túc giúp phiên dịch qua tiếng Pháp nên công việc nhẹ đi nhiều. Thời gian trôi hối hả, dường như Phrây không một phút nghỉ ngơi. Anh được giao phụ trách toàn bộ chương trình vũ khí. Học viên rất chịu khó học tập, rèn luyện, họ sống rất lạc quan, bất chấp gian truân, thiếu thốn mọi bề. Dù phải rút ngắn thời gian, các học viên phải tập luyện hết sức căng thẳng, họ vẫn hoàn thành chương trình, trở thành những cán bộ quân sự có thể chỉ huy chiến đấu. Đấy là bước đầu, Đảng giao cho họ những nhiệm vụ tiếp theo. Cùng với Vương Thừa Vũ, Phrây trao chứng chỉ cho mọi người.

Sau Tổng tuyển cử, chấp nhận đề nghị của tướng Nguyễn Sơn, Phrây tháp tùng ông lên đường vào Quảng Ngãi rồi trở thành “phó” cho vị tướng tài năng này. Trong thời gian ở Khu 4, Phrây được tướng Nguyễn Sơn giao nhiệm vụ chỉ huy quân ta chặn quân Pháp không tiếp tục vượt quá trung tâm cao nguyên đã lọt vào tay chúng. Từ Plei-cu đến đèo An Khê là một đoạn đường dài 120 cây số. Đây là cơ may cuối cùng của quân ta bắt chúng phải dừng chân tại đây. Phrây chỉ huy 500 chiến sĩ, được tập hợp từ một tiểu đoàn và hai đại đội ở Bình Khê. Tướng Nguyễn Sơn chúc mừng Phrây về thắng lợi này và chuyển lời khen ngợi của Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đồng thời thông báo việc phong hàm Đại tá cho Nguyễn Dân và Trung tá cho một người bạn của ông là người Đức. Nhận quyết định này, Phrây rất xúc động, không nói nên lời. Lúc này, ông ở tuổi 31, là một trong những đại tá đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948 (Nguyễn Dân đội mũ, đứng thứ 6 từ phải sang).

Sau đó, ông còn được giao nhiều nhiệm vụ khác, trong đó có thời gian làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Trung ương quyết định lập thêm Khu 9 trong vùng ATK với nhiệm vụ quân sự hàng đầu là bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, Nguyễn Dân-tức En-xtơ Phrây được Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp bổ nhiệm là Khu trưởng Khu 9, hay gọi khác đi: Chỉ huy trưởng các đơn vị bảo vệ khu căn cứ Trung ương. Khu 9 có diện tích khoảng 40.000km2, chạy từ Hải Phòng đến toàn bộ khu vực phía Bắc giáp Trung Quốc. Một phái đoàn từ Nam Bộ, được cử ra Trung ương để trao đổi ý kiến nhằm tăng cường ý chí thống nhất của dân tộc. Nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của cuộc gặp này, một ủy ban đón tiếp được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đứng đầu. En-xtơ Phrây vinh dự được tham dự cuộc đón tiếp này. Ông hồi hộp chờ đợi ngày đó. Hầu hết các thành viên Hội đồng Chính phủ đều có mặt trong cuộc đón tiếp. Đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam có Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ và En-xtơ Phrây.  Cuộc gặp diễn ra trong một căn cứ bí mật. Võ Nguyên Giáp khoác tay Phrây và cùng đi tới một túp lều tranh đơn sơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở đó. Vừa thấy khách, Người thu dọn lại chồng giấy tờ rồi bước lại thân mật bắt tay đồng chí người châu Âu. Phrây cảm thấy xúc động được nắm chặt tay vị lãnh tụ tối cao. Dần dần trấn tĩnh lại, Phrây nhận thấy gương mặt Người hệt như trên những bức chân dung mà ông đã thấy. Hôm nay, Người mặc bộ quần áo nâu như một lão nông, chân đi dép cao su. 58 tuổi rồi, nhưng dáng Người vẫn rất nhanh nhẹn. Đôi mắt Người thật sáng, toát ra một tầm cao trí tuệ. Người hỏi Phrây bằng tiếng Pháp: “Chú có hút thuốc không?”. Không đợi câu trả lời, Người rút ra cho Phrây một điếu Camel. Phrây nhận ngay ra hai ngón tay nhuộm sẫm màu vàng do hút thuốc lâu ngày. Người châm xong điếu thuốc, rồi thong thả nói: “Các đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đã kể chuyện tôi nghe về chú. Tôi rất vui được biết chú cùng gánh vác công việc với chúng tôi”.

Mùa hè năm 1948, En-xtơ Phrây theo yêu cầu của tình hình chiến sự, lại nhận nhiệm vụ mới trở về Khu 4, tiếp tục làm “phó” cho Tư lệnh Nguyễn Sơn. Sau 3 năm trời vật lộn với gian khổ, bệnh tật, thiếu thốn, với giặc ngoại xâm, ông được triệu tập ra Việt Bắc dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II. Ông là người nước ngoài duy nhất được tham dự đại hội với tư cách một đại biểu chính thức. Không những thế, ông còn được phát biểu ý kiến. Về đại hội này, Nguyễn Dân còn giữ được nhiều tấm hình quý giá. Cũng quý giá như vậy là bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ông bằng tiếng Pháp vào một ngày trước khi ông hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam để trở về nước Áo quê hương ông: “Đồng chí Nguyễn Dân thân mến, tôi rất tiếc là không thể đến bắt tay đồng chí trước khi đồng chí ra đi. Dù ở đây hay ở nơi nào khác, tôi chắc rằng đồng chí sẽ đem hết khả năng của mình phục vụ cho sự nghiệp của chúng ta”.

TRẦN ĐƯƠNG