QĐND - Ông lấy trong túi áo ngực ra một chiếc hộp rất nhỏ rồi đưa cho tôi xem. Đó là một con dấu cá nhân của sĩ quan Trung Quốc. Trên dấu có khắc chữ “Kháng Mỹ, viện Triều” và tên người. Tôi lấy làm lạ. "Đó là dấu của đồng chí Tùy Minh, cố vấn Trung Quốc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tặng tôi trước khi về nước", Đại tá Đoàn Sự, nguyên cán bộ phiên dịch cho cố vấn Trung Quốc giải thích.
Ông kể: Sau Tết âm lịch, chúng ta chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, một quyết tâm sáng tạo, đúng đắn của Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc này, đoàn cố vấn Trung Quốc đã cử một số cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu ở Triều Tiên sang giúp ta. Tôi được giao làm phiên dịch cho đồng chí Tùy Minh, người được cử làm cố vấn cho Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Gặp đồng chí Tùy Minh lần đầu đã cho tôi một ấn tượng. Anh cao, gầy, đen, trên người còn mang nhiều vết thương từ cuộc chiến đấu ác liệt tại Triều Tiên. Tùy Minh rất ít nói, mới gặp đã yêu cầu giải thích tình hình và xuống đơn vị ngay.
|
Đại tá Đoàn Sự và vật kỷ niệm là con dấu của cố vấn Tùy Minh.
|
Khi sang giúp ta, đồng chí có mang theo cuốn sách “Chiến đấu ở Thượng Cam Lĩnh"-một cuốn sách nhỏ nói về cuộc chiến ác liệt của quân tình nguyện Trung Quốc ở Triều Tiên, trong đó có nói đến cách đánh bằng chiến hào, bao vây, đánh lấn… Cuốn sách được hai đồng chí Đỗ Thị Hồng và Nguyễn Thụy Ứng dịch ngay rồi in ra cho các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham khảo. Sau khi quan sát chiến trường, đồng chí Tùy Minh cùng với cán bộ trung đoàn đề xuất ý kiến. Đại ý nói: Các cứ điểm địch đã bố phòng rất mạnh, chắc chắn, hỏa lực dày đặc. Tuy công sự không phải là loại kiên cố chống trả được pháo lớn, nhưng địch có hỏa lực mạnh kết hợp không quân, pháo binh cùng nhiều lớp rào dày đặc trên cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng. Với điều kiện của ta, nếu không thay đổi cách đánh sẽ gặp khó khăn và thương vong. Vì vậy, không thể vận dụng cách đánh công kiên như trước đây và việc phải thay đổi cách đánh là chính xác.
Bộ đội ta đề xuất đào giao thông hào, đơn vị tổ chức thảo luận, nêu lên các phương án áp dụng rồi báo cáo Đại đoàn cho Trung đoàn 36 được tổ chức thí điểm. Ngay chiều hôm đó, đồng chí Tùy Minh xuống tận đơn vị hướng dẫn bộ đội thực hiện. Đồng chí hướng dẫn thêm cho mọi người thấy từ động tác nằm, đào dũi... và yêu cầu được trang bị: Mũ sắt, xẻng cán ngắn, cán dài, thuổng, cuốc...
Đêm hôm sau, đơn vị triển khai cho một bộ phận làm thử, kết quả thật tốt, nhưng ta bị địch phát hiện nên thương vong lớn. Ngay sáng hôm ấy, đồng chí lại tìm xuống đơn vị nghe các chiến sĩ phát biểu ý kiến. Tùy Minh đề xuất, làm các bao cát để che chắn cho bộ đội đào hầm và ngụy trang cho kỹ. Về xẻng phải có mũi nhọn và được mài sắc. Tối hôm sau, đơn vị tiến hành đào nhưng vẫn gặp khó khăn. Không thể dùng bao cát làm vật che đỡ vì khó di chuyển, lại bị hỏa lực địch bắn thủng… Bộ đội ta đề nghị, làm các khối chắn bằng rơm, bện thành các con lăn đặt tên là con “cúi”, mỗi con “cúi” dài 2m, dày 1,5m, có thể lăn được để làm khối chắn bảo vệ. Các chiến sĩ sẽ bám theo bò lên nấp sau các con “cúi” để đào. Cứ 15 phút đào sâu khoảng 10 phân lại rút về phía sau và đồng chí khác lên thay. Nhưng rồi các con “cúi” bị địch dùng đạn lửa bắn cháy, vì vậy phải tẩm nước ướt để địch không thể bắn cháy. Hào đào sâu l,5 đến l,7m, rộng l,2m, cứ cách l0 đến 20m lại đào rộng ra làm hầm ếch để có chỗ nghỉ và chứa thương binh. Mấy đêm liền, Tùy Minh liên tục xuống các đơn vị xem bộ đội đào. Buổi sáng, khi anh em về lại họp bàn rút kinh nghiệm.
Các đơn vị của trung đoàn sắp xếp lại lực lượng tổ chức đào suốt đêm, sáng ra mới rút về. Ban đầu địch phát hiện nên tập trung lực lượng cho xe tăng hỗ trợ rồi ra lấp lại. Ta đối phó lại bằng cách bố trí quân sự trong chiến hào dùng lực lượng bắn tỉa, ba-dô-ca và trung liên chặn địch ra phá. Lúc đầu ta còn ngụy trang nhưng khi đã đi sâu ra đồng bằng thì không thể ngụy trang hết đành hất đất sang hai bên, địch phát hiện nhưng không làm gì được.
Hằng ngày, đồng chí Tùy Minh nằm trong hầm dùng que tre dựng các cứ điểm địch, lấy chỉ làm hàng rào và chú ý quan sát, vạch các hướng đi đề xuất đào thêm đường hào trục và hào nhánh, tính toán thời gian và nhân lực, rồi lại cùng cơ quan tham mưu bàn cách phổ biến cho các đơn vị thực hiện. Nhiều đêm đồng chí không ngủ ngồi thao thức theo dõi việc đào, ban ngày lại xuống đơn vị nghe rút kinh nghiệm và đề xuất cách giải quyết khi gặp các tảng đá cứng, phải đào vòng hoặc khoét sâu chui qua, sau địch phát hiện bố trí hỏa lực bắn cạnh sườn, vì vậy phải làm nhiều con “cúi” đặt ở cạnh sườn để giảm thương vong.
Bộ đội ta đào suốt đêm, cực kỳ gian khổ, sáng về chỉ được vắt cơm nắm ăn với măng luộc và mắm cô, mỗi tối được phát một bi đông nước gạo rang, mỗi đơn vị chỉ có một tổ mang súng còn lại thì mang lựu đạn, dao, xẻng. Lúc này trời còn rất rét vậy mà anh em chỉ mặc quần đùi áo cổ vuông đi đào, đào suốt đêm thay phiên nhau. Chiếc xẻng mòn vẹt cả, có chiếc chỉ còn 1/3.
Ở cứ điểm 206 có đến 7 lớp hàng rào thép gai và có gài mìn, Tùy Minh đã hướng dẫn đào sâu ở mép ngoài rồi đào hầm luồn sâu qua hàng rào mà không cần phá, làm như vậy rất an toàn nhưng vất vả và chậm. Thế là lại phải rút kinh nghiệm, phát động thi đua: Đào nhanh, đào sâu, đúng yêu cầu. Các đơn vị triển khai rất tích cực, tạo thành một vành đai chiến hào dày đặc bao quanh cứ điểm địch như những mạng nhện. Trước đây, dự tính phải đào khoảng 100km, nhưng sau này tính toán lại ta đã đào đến 200km.
Suốt thời gian công tác ở đơn vị, đồng chí không nghỉ ngơi lúc nào, hễ rảnh lại xuống gặp anh em, bàn bạc và đề xuất hướng giải quyết. Thấy anh em mỗi buổi sáng rút về phờ phạc, mệt mỏi, nhem nhuốc, ăn uống quá khắc khổ, đồng chí rất buồn. Trung đoàn phải giải thích, lương thực, thực phẩm chỉ đủ cấp cho các bệnh viện và trại thương binh, vì vậy được như thế này đã khá lắm. Thấy anh em khi về chia nhau điếu thuốc lào, đồng chí quay về lấy tút thuốc lá duy nhất “Đại Tiền Môn” chia cho đơn vị, nhưng người đông, số thuốc quá ít, phải chia mỗi tổ 3 người 1 điếu.
Thấy đồng chí tận tình giúp đỡ, đơn vị rất cảm động. Biết đồng chí thích loại mũ nan bọc vải dù, đơn vị đã chọn một cái đẹp nhất để tặng. Trên vành mũ ta có dán khẩu hiệu “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm. Quyết tâm thắng trận Trần Đình”, đồng chí hỏi tôi và cũng xin được dán khẩu hiệu lên mũ.
Đêm 1-4, ta đánh chiếm được cứ điểm 26 phía tây sân bay. Đến 6-5 chúng ta đồng loạt đánh vào trung tâm và hoàn toàn giải phóng Điện Biên vào ngày 7-5. Sau chiến dịch 2 tháng, đồng chí lại trở về Triều Tiên tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Bài và ảnh: CẨM THỦY