QĐND - Hành trình vượt chặng đường gần 100km đến thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thăm Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Trưởng phòng Điều tra hình sự, Bộ đội Biên phòng đã trở nên vô cùng ý nghĩa với chúng tôi bởi những câu chuyện xúc động mà người cán bộ lão thành cách mạng đã ở tuổi bách niên chia sẻ. Trong đó, hình ảnh đồng chí Long Văn Mần (bí danh Ngọc Trình), một người gan dạ trong chiến đấu và hy sinh ngoan cường khi cùng các lực lượng của Liên khu 1 (nay là Quân khu 1) thực hiện nhiệm vụ quốc tế dù gần 70 năm đã qua vẫn vẹn nguyên trong ông...
|
Đại tá Hoàng Long Xuyên. Ảnh: Song Thanh.
|
Cuối tháng 4-1949, thực hiện thỏa thuận giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 1 tham gia chiến dịch mang tên Thập Vạn Đại Sơn để “giúp Giải phóng quân Trung Quốc xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung Long-Khâm Liên giáp biên giới Đông Bắc của ta thông ra biển, tạo điều kiện để khuếch trương lực lượng, đón đại quân tiến xuống phía Nam, đồng thời hoạt động ở Đông
Theo thông tin do anh Bế Hoàng Nhất, cán bộ chính sách xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, gia đình liệt sĩ Ngọc Trình đã được hưởng các chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ theo quy định của Nhà nước. Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam vừa qua, Ban CHQS huyện Văn Lãng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cải tạo, nâng cấp nhà ở cho gia đình liệt sĩ Ngọc Trình với tổng số tiền 130 triệu đồng. Tiếc rằng vợ và con trai liệt sĩ đã mất. Hiện nay con dâu và cháu gái liệt sĩ đang sinh sống tại thôn Mê, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
|
Bắc để mở rộng khu tự do của ta ra sát biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế của bạn”. Chiến dịch diễn ra trên hai mặt trận, Mặt trận Điền Quế (Vân Nam-Quảng Tây-Trung Quốc) do đồng chí Nam Long làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Bình làm Chỉ huy phó; Mặt trận Tả Giang-Long Châu do đồng chí Thanh Phong-Phó tư lệnh Liên khu làm Tư lệnh. Tôi lúc bấy giờ là Trung đoàn phó Trung đoàn 28 làm Phó tư lệnh cùng với đồng chí Chu Huy Mân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74. Tôi nghĩ, đây là nhiệm vụ nặng nề và khó khăn bởi lúc này ta đang bận đánh Pháp trên các tuyến nhưng cũng rất vinh dự được làm nhiệm vụ quốc tế nên chúng tôi động viên anh em quyết tâm hoàn thành.
Tôi phụ trách Trung đoàn 28 đưa sang biên giới hai đại đội địa phương của huyện Văn Uyên và Thoát Lãng (nay là Văn Lãng, Lạng Sơn). Đại đội Thoát Lãng do đồng chí Ngọc Trình (người dân tộc Nùng, Cao Bằng)-một trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm Đại đội trưởng, được chọn là đại đội xung kích, có nhiệm vụ vây điểm diệt viện. Tôi và anh Ngọc Trình vốn đã có quen biết từ trước nên hiệp đồng khá ăn ý. Anh Ngọc Trình có dáng người nhỏ, nhanh nhẹn và rất dũng cảm, lại có năng khiếu địch vận. Tôi nhớ khoảng hai năm sau ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, khi lực lượng vũ trang của ta đang dần trưởng thành, cấp trên đã giao cho anh Ngọc Trình làm Trung đội trưởng trung đội thuộc Đại đội độc lập địa phương ở huyện Thoát Lãng. Lúc bấy giờ, dọc Đường số 4 quân Pháp đặt đồn bốt dày đặc để cai trị. Các lực lượng của ta dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh Liên khu 1 không vì thế mà e sợ, đã nhiều phen khiến cho quân địch khốn đốn. Trong đó có trận đánh chiếm đồn Chè Cáy, trên Đường số 4 đoạn Đồng Đăng-Na Sầm do Ngọc Trình chỉ huy. Đồn này đóng ở khu vực gần sông Kỳ Cùng nên bọn lính trong đồn thường hay ra sông bơi lội, bắt cá thư giãn. Vốn có năng khiếu bơi lội và khả năng vận động, hằng ngày Ngọc Trình cũng ra khu vực bọn lính ngụy hay tụ tập lân la làm quen. Lâu ngày bọn lính quen với sự có mặt của anh nên chủ quan, chúng nói cho anh rất nhiều thông tin về lực lượng và cách bố trí trong đồn. Một đêm, khi đã nắm chắc tình hình địch, anh Ngọc Trình dẫn theo một tiểu đội xung phong vào chiếm đồn. Do bị bất ngờ, địch không kịp trở tay. Cả đồn có 30 tay súng, trong đó có một tên quan Pháp đều bị bắt gọn, thu toàn bộ vũ khí. Sau chiến thắng Chè Cáy, Ngọc Trình được đề bạt lên làm Đại đội trưởng Đại đội độc lập huyện Thoát Lãng, thay đồng chí Đinh Giang lên tỉnh để xây dựng, tổ chức đơn vị mới.
|
Đại tá Hoàng Long Xuyên (ngoài cùng, bên trái) thắp hương bên mộ đồng chí Ngọc Trình năm 1987. Ảnh chụp lại.
|
Với tinh thần quốc tế vô sản, coi giúp bạn cũng là tự giúp mình, lực lượng sang phối hợp hoạt động trên đất Trung Quốc trong đó có Đại đội trưởng Ngọc Trình sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đêm 12-5-1949, mũi từ Lạng Sơn do tôi chỉ huy vượt biên giới. Ngày 13-6, đánh đồn Hạ Đống. Quân Tưởng ban đầu chống trả quyết liệt nhưng trước khí thế của ta và Quân Giải phóng Trung Quốc buộc phải tan rã và tháo chạy. Một vùng đất đai rộng lớn, từ Thủy Khẩu, Bằng Tường xuống Ninh Minh (đối diện dọc biên giới ta từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn) được quân ta giải phóng. Bộ đội Liên khu 1 đã chiến đấu anh dũng. Riêng đồng chí Ngọc Trình tung hoành dũng cảm, dẫn đầu đơn vị đuổi đánh địch từ Ải Nam Quan (nay là Cửa khẩu Hữu Nghị) đến Bằng Tường, không may bị một viên đạn trung liên bắn trúng giữa ngực, hy sinh trên đất bạn. Hình ảnh anh cầm cây ba-toong chỉ huy anh em cùng tiến lên vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Thi hài anh được an táng ở chân núi Phai Luông (hoặc Pò Luông), Bằng Tường, Trung Quốc, cách đường cái quan khoảng 50m.
Lúc hy sinh, Ngọc Trình đã có vợ là người dân tộc Tày đang mang thai được khoảng ba tháng. Mãi sau này tôi mới tìm đến thăm chị và biết cậu con trai tên là Long Văn Đăm vừa học xong một trường của quân đội, đang chờ phân công công tác. Câu chuyện và sự hy sinh của anh Ngọc Trình tôi cũng đã báo cáo trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịp Đại tướng lên thăm bộ đội Quân khu 1. Đại tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách cho gia đình anh Ngọc Trình. Riêng tôi được tổ chức tạo điều kiện trở lại thăm mộ anh trên đất bạn năm 1987. Thật vui vì mộ anh đã được nhân dân nơi đây quý trọng, xây dựng khang trang. Hằng năm vào dịp 3-3, theo truyền thống là dịp lễ quan trọng trong năm, thường có rất đông bà con đến viếng mộ người lính Việt Nam đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
TUẤN TÚ (*)
(*) Ghi theo lời kể của Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Phó tư lệnh Mặt trận Tả Giang-Long Châu trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.