Năm nay đã hơn 82 tuổi, nhưng kỷ niệm với những người bạn Liên Xô luôn in đậm trong trái tim cựu chiến binh Mai Bá Quát. Ông nhớ lại: “Cuối năm 1961, tôi được phân công làm trưởng đoàn phụ trách 84 cán bộ sang Liên Xô học phi công. Đến nơi, sau khi kiểm tra sức khỏe, vì không đủ tiêu chuẩn nên tôi được điều chuyển sang học kỹ thuật không quân. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với những người bạn Nga là sự nhiệt tình và chu đáo. Chốn ăn, ở được cán bộ nước bạn lo lắng chuẩn bị đầy đủ. Đặc biệt, cô giáo tiếng Nga rất nhiệt tình giảng dạy và còn đề nghị chúng tôi dạy bà tiếng Việt để có thể giao tiếp với mọi người. Vì thế, khoảng cách và những bỡ ngỡ dần dần được xóa mờ”.
Năm 1965, Mai Bá Quát cùng gần 200 học viên kỹ thuật không quân tốt nghiệp ra trường và là nòng cốt của đội ngũ cán bộ kỹ thuật “phục vụ máy bay”. Thời gian đầu, ông đảm nhiệm chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 12, Tiểu đoàn Kỹ thuật, Trung đoàn 921. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật khi bắt đầu nhận nhiệm vụ còn thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa, điều kiện thời tiết khí hậu ở Việt Nam nóng ẩm, khác với khí hậu khô lạnh của Liên Xô nên những hỏng hóc cũng rất khác biệt.
|
|
Cựu chiến binh Mai Bá Quát. |
Chính vào những lúc khó khăn như vậy, các chuyên gia Liên Xô lại là những người thầy mẫn cán hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, cùng trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt là giúp đỡ tổ chức các xưởng bảo dưỡng kỹ thuật. Ví như: Do ẩm nên các thiết bị vô tuyến điện tử và ra-đa bị hư hỏng, các chuyên gia Liên Xô lại cẩn thận hướng dẫn cách sửa chữa. Nhờ vậy, cán bộ kỹ thuật của ta nhanh chóng nắm bắt sâu về nguyên nhân và làm chủ quy trình sửa chữa, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật không quân và có thể độc lập tác chiến. Năm 1969, Mai Bá Quát được giao nhiệm vụ làm Trạm trưởng Trạm Sửa chữa kỹ thuật máy bay của Trung đoàn 921. “Trong quá trình làm việc, có một máy bay chiến đấu hạ cánh, do hỏng hệ thống thả càng nên phải hạ cánh bằng bụng máy bay. Rất may máy bay không nổ nhưng vỏ bụng máy bay và nhiều thiết bị hư hỏng nặng. Các chuyên gia Liên Xô đánh giá điều kiện trang bị vật chất của trạm không thể sửa chữa và phục hồi chiếc máy bay này. Thế nhưng, với quyết tâm cao, sau khi kéo máy bay về xưởng, toàn thể cán bộ, chiến sĩ của trạm tổ chức sửa chữa (dưới sự theo dõi sát sao của các chuyên gia Liên Xô). Mọi chi tiết, máy móc của máy bay được tháo dỡ bảo dưỡng; thân máy bay được vá phục hồi. Sau đó, các chi tiết được lắp ráp, kiểm tra đo cân bằng và kiểm tra chất lượng bảo đảm để bay chiến đấu”-Đại tá Mai Bá Quát kể.
Tháng 10-1971, Mai Bá Quát được giao đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Kỹ thuật Trung đoàn 927. Từ khi nhận nhiệm vụ đến hết Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Tiểu đoàn Kỹ thuật luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào chiến công bắn rơi 43 máy bay (trong đó có 1 máy bay B-52). Sau Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Đại tá Mai Bá Quát kinh qua nhiều cương vị và được tiếp xúc với nhiều chuyên gia Liên Xô. Tuy tính chất và mức độ nhiệm vụ khác nhau, nhưng các chuyên gia luôn để lại hình ảnh “người bạn tận tình và trách nhiệm” trong lòng ông.
Bài và ảnh: NGỌC GIANG