QĐND - Đến những năm 1969-1970, nhiều đoạn đường mòn Hồ Chí Minh, trong đó có các đoạn xuyên qua đất Lào bị địch đánh phá rất ác liệt, hòng cắt đứt dòng máu giao thông chi viện vào Mặt trận miền Nam Việt Nam. Lúc đó, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam và Lào đều rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là về lương thực, thực phẩm. Các đơn vị phải tự túc và dựa vào dân để hoạt động. Nhân dân cũng đói ăn vì chiến tranh tàn phá, ruộng đất mùa màng bỏ hoang, nhiều gia đình phải ăn măng rừng hoặc củ mài...

Mẹ Hèm (Căn-chia) - người đã cứu sống bộ đội Việt Nam bằng dòng sữa của mình.  Ảnh: Khăm-sảo.

Nhớ lại thời kỳ ấy, mẹ Hèm (năm nay 68 tuổi) tên thật là Căn-chia, gọi theo tên con đầu lòng, là người dân tộc A-rắc, hiện sinh sống ở bản Mô, huyện Viêng-thong, tỉnh Xê-cong, Lào kể rằng: “... Hồi tuổi thanh niên tôi đã tham gia cách mạng và hoạt động trong tổ chức Nhu-văn-na-li và tổ chức Thanh niên xung phong của bản (tổ chức tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào và Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Lào hiện nay). Bạn trai của tôi cũng là bộ đội Pa thét Lào, phối hợp chiến đấu cùng với bộ đội Việt Nam trên đường Trường Sơn. Chúng tôi cưới nhau trong hoàn cảnh rất khó khăn và sống với nhau được một thời gian ngắn rồi anh ấy lại đi chiến đấu. Năm 1970, địch đánh bom và tàn phá nên gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong bản phải chạy vào rừng sâu thuộc huyện La Mam hiện nay. Chúng tôi đã làm một túp lều “hạnh phúc” sát gần một con suối nhỏ để sinh sống tạm thời. Cánh rừng ấy ở gần với một khu vực đóng quân của bộ đội Việt Nam mà người chỉ huy đơn vị đó tôi còn nhớ tên là anh Khiết. Lúc bấy giờ tôi đã sinh được con trai đầu lòng đặt tên là Hèm, nên người dân trong làng hay gọi tôi là: “Mẹ Hèm” cho đến bây giờ. Thằng Hèm con tôi đẻ và sống trong rừng, chỉ sống bằng sữa mẹ thôi, vẫn lớn khỏe bình thường. Một hôm tôi nhận được tin như sét đánh là chồng của tôi đã hy sinh trên mặt trận bảo vệ đường Trường Sơn. Anh không có cơ hội được thấy mặt con trai của mình...”.

Trong thời kỳ khó khăn ấy, mẹ Hèm còn có công hoạt động cách mạng ở địa phương, tham gia giúp đỡ, nuôi dưỡng bộ đội Việt Nam. Mẹ còn kể rằng, có lần, mẹ đã cho thương binh là bộ đội Việt Nam chính dòng sữa của mình trong nhiều ngày và cứu được tính mạng của chàng trai đó. Đó là ngày, một thương binh nặng từ chiến trường về đang điều trị ở bệnh xá của đơn vị bộ đội Việt Nam đóng quân ở gần bản người dân tộc A-rắc thuộc huyện Viêng-thong, tỉnh Sa-la-văn, Lào. Đối với thương binh này, bác sĩ yêu cầu ngoài chữa bệnh bằng thuốc, còn phải ăn uống có chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hồi phục vì sức khỏe của anh đã rất yếu. Bác sĩ yêu cầu đơn vị cho bệnh nhân được uống sữa bò, nhưng trong điều kiện khi ấy thì kiếm đâu được loại dinh dưỡng đó, sữa hộp, sữa bột cũng không có. Đồng chí Khiết, chỉ huy trưởng đơn vị đã đề xuất ý kiến rằng, trong làng  ấy có một phụ nữ tên là Căn-chia, chồng đang đi chiến trường, đang nuôi con nhỏ, cô mới đẻ con được khoảng 2 tháng nay, có lẽ nên xin cô vắt một ít sữa cho bệnh nhân. Được mọi người đồng ý, anh Khiết đã trực tiếp đến gặp Căn-chia. Đến nhà thấy người mẹ trẻ đang quay võng hát ru cho con ngủ, anh Khiết đã tự giới thiệu mình và nói:

- Các anh đến với em hôm nay có một chuyện cần em giúp đỡ. Ở bệnh xá có một bệnh nhân rất yếu cần phải được uống sữa để bồi dưỡng và hồi phục sức khỏe để đối kháng với vết thương, nếu không người lính đó rất khó qua khỏi. Đơn vị muốn em cho bệnh nhân mỗi ngày uống một ít sữa để cứu anh ấy.

- Được, em sẽ cho!

Căn-chia trả lời ngay lập tức, nhưng nói xong mặt cô đỏ hồng lên vì xấu hổ. Cô hỏi lại:

- Em vắt và đựng sữa bằng cách nào, có gì đựng sữa không các anh?

- Đựng bằng cốc thủy tinh này.

Anh Khiết đưa cốc thủy tinh cho cô. Mọi người ra khỏi nhà để cho Căn-chia khỏi xấu hổ và tự vắt lấy sữa của mình.

- Em đã cố lắm nhưng không quen nên chỉ vắt được từng này thôi. Ngày mai các anh đưa bệnh nhân đến nhà em nhé - Căn-chia mạnh dạn nói.

Ngày hôm sau, anh Khiết bảo các cô y tá đưa bệnh nhân đến xin sữa trực tiếp từ cô Căn-chia. Nhờ dòng sữa của người mẹ trẻ, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục. Gần tuần sau, anh tự ngồi dậy và đi lại được. Điều trị được khoảng một tháng, anh khỏi bệnh và ra chào tạm biệt cô Căn-chia đi chiến trường chiến đấu tiếp.

Sau  năm 1975 đất nước được giải phóng, gia đình mẹ Hèm (cô Căn-chia năm xưa) cũng như nhiều gia đình khác trong bản Mô đã trở về địa điểm làng cũ xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh.

Một hôm mẹ Hèm nhận được lá thư của một người gửi từ Việt Nam. Đó là thư của anh bộ đội đã được mẹ cứu sống từ chính dòng sữa của mình. Lời thư tha thiết bày tỏ lòng thương nhớ và biết ơn đối với người mẹ Lào...

Trung tá KHĂM-SẢO KEO-VI-SỆT gửi từ Viêng Chăn, nước CHDCND Lào