Chồng mẹ Dư là ông Tô Văn Duy, trước ngày đi Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kịp để lại cho vợ một giọt máu, đây là người con thứ tư của hai ông bà. Nhưng đến ngày đại thắng ông đã ở lại mãi mãi với mảnh đất lịch sử ấy. Mẹ Dư như thân tre trước gió, oằn mình mà chống đỡ cho măng đâm chồi tỏa lá. Nỗi đau mất mát lớn cũng dần nguôi ngoai, mẹ Dư phải chu toàn để lo cho các con nên người. Cải cách ruộng đất đem lại cho mẹ mấy sào ruộng, rồi công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp cuốn mẹ vào làm ăn tập thể. Điều làm cho mẹ phiền muộn là người con thứ ba, Tô Văn Quang, bị mắc chứng tâm thần khiến gánh nặng trên vai mẹ Dư tăng lên gấp bội. Nhưng mẹ cưu mang tất cả cho các con được ăn học. Thù nhà, nợ nước mẹ luôn nhen nhóm trong lòng các con của mẹ: “Lớn nhanh mà đi bộ đội trả thù cho bố, góp phần giải phóng miền Nam”. Được sự động viên, khuyến khích của mẹ, cũng như hầu hết thanh niên thời ấy, các con mẹ đến tuổi trưởng thành đều lần lượt lên đường tòng quân vào Nam đánh giặc.

Người con cả Tô Văn Du, nguồn động viên lớn nhất của mẹ, cũng là người xúm tay xúm chân giúp mẹ được nhiều việc. Mẹ đã lo cưới vợ cho anh-chị Nguyễn Thị Hằng-người con gái đẹp người đẹp nết, hăng hái hoạt động công tác xã hội. Nhưng Du mang cái gen của bố, không chịu ổn định một nơi, lúc ra Quảng Ninh dạy cấy thẳng hàng, khi ra Nam Định công tác. Năm 1962, anh nhập ngũ, để lại cho người vợ trẻ đứa con trai bé bỏng. Trước khi vào Nam chiến đấu, từ Nghi Lộc, Nghệ An, anh tranh thủ về thăm gia đình và người vợ lại mang thai-cháu Tô Văn Thứ. Năm 1969, nghe tin đơn vị của Du “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, nhân Mỹ tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc để thương lượng ở Hội nghị Paris về Việt Nam, mấy mẹ con bà cháu quyết định đi thăm anh Du. Chị Hằng có đôi hoa tai kỷ niệm ngày cưới đành bán đi lấy tiền lộ phí. Tàu xe vất vả, phải nằm chờ ở ga Vinh một tuần mới có chuyến chạy vào, đúng lúc đơn vị anh Du chuẩn bị vào B2 chiến đấu. Bé gái Tô Quảng Bình ra đời từ chuyến gặp gỡ ở nơi tuyến lửa ấy.

Năm 1965, người con trai thứ hai Tô Điểm Xuân đến tuổi trưởng thành, mẹ Dư dọn buồng chuẩn bị cho anh cưới cô Ất, cô gái xinh đẹp nhất nhì trong xã, nhưng Xuân xin mẹ tạm gác lại để lên đường vào Nam đánh giặc. Đến năm 1970, con trai út Tô Điểm Xuyên-lúc này 17 tuổi, đã khai tăng một tuổi để xin mẹ tòng quân. Bố hy sinh ở Điện Biên Phủ, hai anh đã nhập ngũ, anh thứ ba Tô Văn Quang bị tâm thần, nay Xuyên lại đi thì gia đình trở nên trống vắng. Chị Hằng nói với em mà nước mắt lưng tròng:

- Đấy chú xem, mẹ già rồi, tôi một tay hai con nhỏ lại sắp sinh cháu thứ ba, chú đi thì lấy ai bảo ban các cháu, ai giúp đỡ mẹ.

Mẹ Dư suy nghĩ một lát rồi khảng khái nói, tuy không khuyến khích mà như khuyến khích:

- Anh có trách nhiệm của anh, em có trách nhiệm của em, chị Hằng nói như rứa, con nghĩ sao thì nghĩ.

Xuyên không nói gì, đi đâu một lát rồi đem về một cây vông trồng ngay ở đầu ngõ rồi vào nói với mẹ và chị dâu:

- Mẹ và chị chăm sóc giúp con, sau này có thể sẽ là cây có ích cho mẹ lúc về già.

Thế là mẹ và chị đã hiểu tất cả, chú út đã quyết và còn lo cho mẹ lúc về già. Mẹ và chị không ý kiến gì nữa, chuẩn bị chu đáo cho chú út lên đường mà không rơi nước mắt.

Xuyên đi rồi, cảnh nhà lại như xưa, một mẹ già, một cô con dâu, một con trai bệnh tật, một đàn cháu nhỏ trong mái nhà tranh. Chị Hằng sinh bé Bình được 3 tháng thì có thư chú Xuyên từ Quảng Bình gửi về với mấy câu ngắn gọn: “Mẹ ơi, chị ơi, anh Du của con đã đi xa. Mẹ và chị phải bình tâm giữ gìn sức khỏe để nuôi anh Quang và 3 cháu nhỏ được ăn học”.

Trong căn nhà tranh bé nhỏ ấy, hai người đàn bà, mẹ chồng và nàng dâu-hai người vợ liệt sĩ trụ cột của một gia đình 6 miệng ăn trong thời kỳ khó khăn đã nương tựa vào nhau như hai mẹ con ruột, như chị em ruột, như đôi bạn chí thân, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Mẹ Dư tắm, chị Hằng xách nước, kỳ lưng cho mẹ; chị Hằng tắm, mẹ Dư xách nước, kỳ lưng cho chị. Một trong hai người ốm, người kia phải đảm đương tất cả, từ cơm cháo, thuốc thang cho đến giặt giũ. Chị Hằng nói với mẹ chồng:

- Mẹ ơi, nhỡ cả hai mẹ con cùng ốm thì chú Quang và 3 đứa nhỏ ai lo?

Mẹ Dư thân hình nhỏ bé, ngồi lặng đi, nhai trầu bỏm bẻm và nuốt nước mắt, nhìn ra đám vườn trước nhà rồi thư thả nói:

- Chị đừng quá lo mà nghĩ quẩn, nghĩ dại. Thời buổi ngày nay đâu phải như ngày xưa, rồi ra sẽ có hợp tác xã, sẽ có xóm làng, rồi còn chính sách hậu phương quân đội.

Mẹ nói cho con dâu yên tâm, nhưng trong lòng mẹ cũng rối bời. Đất nghèo có thể nuôi những anh hùng, nhưng cưu mang những người tàn phế và những đứa trẻ bé bỏng trong lúc ai cũng nghèo túng thì khó lắm.

Chiến tranh không ở đâu xa mà đã tràn đến quê mẹ. Nơi đây có đường, có cầu, có các nhà máy, có các đoàn thuyền chở lương thực, vũ khí ra tiền tuyến. Giặc Mỹ đã nhiều lần đến ném bom như gieo mạ. Đêm đêm máy bay B-52 thả bom tọa độ. Hậu phương đã thế, chiến trường biết ác liệt đến nhường nào? Hai mẹ con đang tâm trạng rối bời thì có giấy báo tử liệt sĩ Tô Văn Du đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Dù đã được biết trước nhưng hai mẹ con không thể không xót xa, đau đớn, mặc dù cán bộ, bà con dân làng đến chia buồn động viên.

Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút nhưng ngụy chưa nhào. Miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất, hai người con của mẹ còn phải chiến đấu. Mẹ thầm mong ngóng hai con trai của mẹ trở về, lấy vợ, lập gia đình để mẹ được trông cậy khi về già. Ngôi nhà tre được dựng lại, không to như nhà người ta thì cũng có mái ngói, tường gạch để khỏi vất vả khi mưa gió, bão lụt không phải vất vả che chống.

Và rồi, điều mẹ không mong đợi đã đến. Lần này không chỉ một mà cả hai, nỗi đau mất người con trưởng mới tạm vơi đi bây giờ nhân lên gấp bội. Tháng 10-1974, mẹ nhận hai giấy báo Thượng sĩ Tô Điểm Xuân và Trung đội trưởng Tô Điểm Xuyên đã anh dũng hy sinh ở mặt trận phía Nam!

 Người mẹ nhỏ bé, mảnh mai nhưng không còm cõi. Bên cạnh mẹ là chị Hằng-người con dâu, chưa già lắm nhưng so với mẹ cũng chỉ đằng chín đằng mười vì lo toan vất vả. Mẹ gọi chị bằng bà vì chị cũng đã có cháu nội, đó là các chắt Tuấn, Duyên, Lý, Yến luôn quấn quanh bên cụ. Chị cũng gọi mẹ là bà thay cho các con. Hai mẹ con trò chuyện với nhau như đôi bạn thân tình. Nhưng chị Hằng luôn giữ đúng tư cách con dâu, mỗi lời mẹ nói chị đều một dạ, hai vâng. Cháu nội bà là Tô Văn Thu đã làm được gian nhà ngói để “tứ đại đồng đường”. Trước nhà là cái ao khoảng năm chục mét vuông, cá quẫy từng đàn đớp mồi thật vui mắt; hai sào vườn, được bao bằng bờ tre đang độ phát triển, trong vườn là các cây ăn quả, những cành táo la đà quả chi chít như cà phê Đắc Lắc, những cây ổi lai, rồi dừa, chanh, bưởi… Mảnh vườn ấy thật hợp với cảnh người già và các cháu nhỏ.

Mẹ Trương Thị Dư đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngay đợt đầu tiên. Ngày kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm ấy, trong ý kiến phát biểu, mẹ đã nói: “Mất chồng, mất con, nhưng không mất nước”...

TRẦN HIỆP