Bức tượng đồng và nghĩa cử tri ân

Đầu tháng 8-2014, tôi nhận được cuộc gọi của doanh nhân Trần Thu Hồng, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, một người chị thân quen của tôi: “Chị muốn hiến tặng bức tượng đồng chân dung cô Bảy Huệ (bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh-PV) cho Bảo tàng, em đi cùng chị liên hệ được không?”. Chị Trần Thu Hồng quê ở Điện Bàn, Quảng Nam; là nữ tù binh nhỏ tuổi nhất Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chị tham gia kháng chiến từ nhỏ, bị địch bắt, lưu đày qua nhiều nhà tù ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ từ năm 13 tuổi. Truyền thống gia đình cách mạng và ký ức một thời con gái tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, tù ngục khiến chị trân quý những giá trị anh hùng, nhân văn của cuộc kháng chiến của dân tộc. Chị đặt vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh đúc bức tượng chân dung cô Bảy Huệ bằng đồng. Tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa tri ân này được chị rất tâm huyết, trân quý. “Chị đặt đúc bức tượng này khi cô Bảy Huệ còn khỏe mạnh. Nay chị muốn đưa vào Bảo tàng làm hiện vật giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”-chị Hồng chia sẻ.

Nói về quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật từ nguyên mẫu cô Bảy Huệ theo tâm huyết của chị Trần Thu Hồng, nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh cho biết: Nhận được lời đề nghị của chị Hồng, vợ chồng tôi rất phấn chấn. Trước khi đến gặp cô Bảy Huệ trình bày nguyện vọng, chúng tôi dành thời gian nghiên cứu các tư liệu lịch sử và cảm thấy vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ nhân vật của mình. Cô Bảy Huệ là một trong những cán bộ nữ xuất sắc của Đảng ở Nam Bộ, là phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Một người con gái trẻ tuổi được tổ chức tín nhiệm giao lãnh đạo phong trào khởi nghĩa ở tỉnh Vĩnh Long phải thực sự là người có bản lĩnh, có tài, có tầm ảnh hưởng lớn. Đó là chi tiết rất quan trọng để chúng tôi nắm bắt thần thái của nhân vật. Khi tiếp xúc với cô Bảy Huệ, chúng tôi phác thảo chân dung rất nhanh, chỉ một lần thực hiện là đã thành công.

leftcenterrightdel

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tiếp nhận tượng đồng chân dung bà Bảy Huệ năm 2014. Ảnh: HỒNG GIANG 

Tôi đi cùng chị Hồng và vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh đến gặp chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Chị Thắm rất vui mừng, cảm động trước nghĩa cử thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chị Hồng, nhưng chị băn khoăn là đưa tượng của một người đang sống vào Bảo tàng, liệu có kiêng cữ gì không? Thế là chị Thắm cùng chúng tôi đến gặp cô Bảy Huệ ở nhà riêng. Cô Bảy Huệ đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút nhưng trí tuệ vẫn rất mẫn tiệp. Nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng, cô nói: “Cô sống đến tuổi này rồi, không có gì phải kiêng cữ cả. Nếu việc đó giúp ích cho công tác của Bảo tàng thì các cháu cứ làm!”. Thế là bức tượng đồng chân dung người cán bộ nữ của Đảng, lãnh đạo phong trào khởi nghĩa ở Vĩnh Long trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ được đưa vào Bảo tàng. Buổi lễ hiến tặng được tổ chức ở quy mô nhỏ, gọn nhưng rất trang trọng, ấm áp, cảm động.

Nữ thủ lĩnh tuổi đôi mươi

Trong những cuộc tiếp xúc rất đáng nhớ với cô Bảy Huệ lúc đó, chúng tôi được nghe cô hồi tưởng về thời gian hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết và sôi nổi. Cô Bảy nói rằng, mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện liên quan đến kháng chiến đều là những kỷ niệm không thể quên trong đời, nhưng dấu ấn sâu sắc nhất là những ngày tháng lãnh đạo đồng bào Vĩnh Long khởi nghĩa. Màu cờ đỏ sao vàng trong Nam Kỳ khởi nghĩa như ánh mặt trời bừng thức, xé toang màn đêm đen của đoạn trường nô lệ dưới gót giày thực dân, khởi nguồn cho những cao trào tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Cô Bảy kể: Khi Nam Kỳ khởi nghĩa, cô mới bước vào tuổi 22. Là một cô gái trẻ tuổi giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, cô thấy áp lực nhưng rất đỗi tự hào. Cô tự hứa với lòng mình sẵn sàng hy sinh tất cả để đi theo lý tưởng của Đảng, góp sức đánh đuổi thực dân. Cô được Tỉnh ủy Vĩnh Long phân công lãnh đạo, trực tiếp chỉ huy phong trào khởi nghĩa trong tỉnh, với ngòi nổ là ở trung tâm Vĩnh Long. Đang trong quá trình gấp rút chuẩn bị thì kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ. Thực dân Pháp huy động lực lượng, vũ khí phong tỏa nghiêm ngặt các hướng ra vào thị xã nên lực lượng khởi nghĩa của ta với vũ khí thô sơ không thể tấn công trực diện được. Cô quyết định phải chuyển hướng chiến thuật, đánh vu hồi, tập kích các đồn, bốt vùng ngoại ô, thị trấn Long Hồ. Ta thay đổi chiến thuật để buộc địch phải lui quân về chi viện giữ đồn. Lúc đó, ta thừa cơ bao vây, tấn công thọc sâu vào làm chủ trung tâm thị xã. Ý định triển khai chiến thuật là vậy nhưng thực tế khi khởi nghĩa nổ ra, ta chỉ giữ thế chủ động được một thời gian ngắn. Địch phản công dữ dội, huy động lực lượng bao vây, bố ráp, đàn áp phong trào rất dã man.

leftcenterrightdel

Bà Bảy Huệ sau Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh tư liệu 

Phong trào khởi nghĩa chưa thành công. Nữ thủ lĩnh Bảy Huệ và nhiều đồng chí của mình bị địch bắt. Chúng giam giữ, tra tấn rất tàn khốc, dã man nhưng không thể khuất phục được tinh thần kiên trung của cô và các chiến sĩ cộng sản. Sau một năm bị giam giữ, cô Bảy Huệ được trả tự do. Ra tù, cô tiếp tục móc nối với tổ chức, gây dựng lại cơ sở cách mạng, lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp và tiếp tục bị địch bắt lần thứ hai vào năm 1942. Chúng giam cô ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo, trải qua nhiều trận tra tấn thập tử nhất sinh. Giữa năm 1945, cô được các đồng chí của mình tổ chức vượt ngục trở về, tham gia lãnh đạo phong trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bạc Liêu...

Di sản trường tồn

Cuộc đời hoạt động cách mạng của cô Bảy Huệ trải qua nhiều thăng trầm, gian khổ, hy sinh theo chiều dài lịch sử kháng chiến ở vùng đất Nam Bộ. Dấu ấn sâu sắc trong Nam Kỳ khởi nghĩa là một mốc son chói lọi. Hình ảnh người nữ cán bộ mới 22 tuổi thể hiện uy tín, niềm tin trước dân, trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã gieo vào lòng đồng chí, đồng bào quê hương Vĩnh Long sự cảm phục sâu sắc. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng của đời mình, cô Bảy Huệ rất trân quý sự hy sinh cao đẹp của các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ trên mảnh đất thành đồng Tổ quốc. Cô là người có công khai mở, xây dựng ý tưởng và thực hiện những phần việc đầu tiên cho sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ- nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa cao đẹp của phụ nữ Nam Bộ, phụ nữ Việt Nam...

Chị Nguyễn Thị Thắm bày tỏ xúc động: “Cô Bảy Huệ là một biểu tượng của người phụ nữ Nam Bộ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Việc cô đồng ý cho Bảo tàng trưng bày tượng mình trong khi còn sống là trường hợp rất hiếm có. Chúng ta mãi trân quý công lao đóng góp to lớn của cô cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước...”.

Bây giờ thì cô Bảy Huệ đã an nghỉ vĩnh hằng ở miền mây trắng. Cô về với thế giới người hiền vào ngày 5-6-2022, đại thọ 104 tuổi. Bức tượng cô Bảy Huệ trong Bảo tàng là một trong những hiện vật lịch sử vô giá, trưng bày trang trọng bên cạnh những nữ cán bộ lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở nhiều địa phương như: Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Bảy (1912-1941), Tỉnh ủy viên Chợ Lớn, Bí thư Quận ủy Cần Giuộc (Long An), thủ lĩnh chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại Cần Giuộc; Nguyễn Thị Thập (1908-1996), thủ lĩnh chỉ huy đánh chiếm đồn Tam Hiệp tại tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang); Hà Thị Lan (1909-1992), Tỉnh ủy viên Vĩnh Long, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, thủ lĩnh chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Vũng Liêm... Những nữ cán bộ ưu tú của Đảng giữ vai trò thủ lĩnh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ ở các địa phương đều đã lần lượt đi theo Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ về thế giới vĩnh hằng.

Hơn 8 thập kỷ trôi qua, hào khí và những bài học lịch sử từ Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn vẹn nguyên trong cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta. Trong bầu không khí tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong sự kiện lịch sử có ý nghĩa như một mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng 82 năm trước, chúng ta không thể nào quên hình ảnh của những thủ lĩnh tóc dài. Khí phách của các má, các cô đã hòa vào linh khí quốc gia, là di sản trường tồn...

PHI LOAN