Đã 47 năm trôi qua, ông Điệp luôn cảm thấy day dứt vì chưa tìm được mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn và bàn giao bức ảnh chân dung của liệt sĩ về với gia đình. Cầm bức ảnh được giữ gìn cẩn thận, ông Điệp cho biết: “Tôi lúc đó là Đội trưởng Đội Trinh sát kỹ thuật, được chỉ huy Trung đoàn 88, trực thuộc Quân khu 8 (nay là Quân khu 9) điều động xuống tăng cường cho Tiểu đoàn 7 (ngày đó gọi là K7). Nhiệm vụ của Đội Trinh sát kỹ thuật chúng tôi là chặn, nghe thông tin liên lạc của địch. Ở đây, tôi đã quen biết đồng chí Nguyễn Văn Uẩn, lúc đó là Phó đại đội trưởng Đại đội Đặc công 26. Vì là người cùng quê Thái Bình nên chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau”.

leftcenterrightdel
Bức ảnh chân dung mà đồng chí Nguyễn Văn Uẩn tặng cựu chiến binh Nguyễn Thế Điệp.

Đầu tháng 2-1972, đồng chí Nguyễn Văn Uẩn được chỉ huy Tiểu đoàn 7 giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đánh đồn Cây Sung ở trên kênh 28 thuộc địa phận xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Chiều 21-2-1972, đồng chí Nguyễn Văn Uẩn được chỉ huy tiểu đoàn gọi lên báo cáo kế hoạch chiến đấu lần cuối. Sau khi báo cáo xong, trên đường trở về, đồng chí Nguyễn Văn Uẩn qua hầm của ông Điệp xin thuốc hút. Ông Điệp xúc động nhớ lại: “Ngày ấy thuốc lá hiếm nên tôi phải nhặt vài mẩu thuốc hút dở để mời anh. Anh Uẩn bảo tôi: “Đêm nay diệt đồn, tôi mang thuốc về cho ông hút thoải mái, mà là thuốc thơm chứ không phải thuốc rê khét lẹt này”. Hai anh em vừa hút thuốc, vừa nói chuyện vui vẻ. Trước khi ra về, anh Uẩn lấy trong túi áo ra bức ảnh chân dung của mình và bất ngờ dùng kéo cắt một góc. Thấy vậy tôi vội hỏi anh: “Sao cắt đi?”. Anh Uẩn vừa đưa cho tôi tấm hình vừa cười và nói: “Ông cầm lấy để mỗi khi nhìn nó ông nhớ là tôi cắt, vậy là chẳng bao giờ ông quên được tôi”.

Sau vài phút im lặng vì xúc động khi nhớ tới đồng đội đã hy sinh, ông Điệp kể tiếp: “Đêm hôm đó, anh Uẩn chỉ huy 7 anh em trong đơn vị đánh đồn Cây Sung. Gần sáng, 7 anh em về cả, chỉ còn anh Uẩn chưa thấy. Tôi rất lo vì qua theo dõi thông tin liên lạc của địch, tôi biết ta làm chủ hoàn toàn trận đánh, địch bị thua nên chúng sử dụng pháo binh bắn trùm vào đồn. Đến sáng hôm sau địch vào giải tỏa, chúng báo cáo về Chi khu Quân sự Giáo Đức (ngày đó địch gọi huyện Cái Bè là quận Giáo Đức) có một xác Việt cộng. Đi thăm dò thông tin tôi biết được người cộng sản hy sinh ấy chính là anh Nguyễn Văn Uẩn. Phải 5 ngày sau, nhân dân trong vùng mới lấy được xác của anh để mang về mai táng”.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Thế Điệp xúc động khi xem lại bức ảnh chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn.

Trở về sau chiến tranh, việc đầu tiên ông Điệp làm là đến huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình để tìm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn. Do chỉ biết quê liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn ở huyện Quỳnh Phụ chứ không biết rõ ở xã nào nên rất nhiều lần ông Điệp về Thái Bình mà vẫn không tìm được thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn. Vì vậy, ông Điệp chuyển sang tìm mộ liệt sĩ. Với ý nghĩ thấy mộ thì sẽ tìm được người thân, ông Điệp đến từng nghĩa trang trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ để tìm nhưng vẫn không có phần mộ liệt sĩ tên là Nguyễn Văn Uẩn.

Ông Điệp lại nghĩ: “Có lẽ phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn chưa được quy tập ra ngoài Bắc”. Vậy là từ năm 2004 đến nay, năm nào ông Điệp cũng trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội. Ông Điệp tâm sự: “Có lần tôi về Nghĩa trang huyện Cái Bè (nằm trên địa phận xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè), tôi đi lần lượt từng ngôi mộ và đếm được ở đây có hơn 4.000 ngôi mộ liệt sĩ nhưng có tới hơn 3.000 là mộ liệt sĩ chưa biết tên, một số ngôi mộ chỉ ghi tên đơn vị liệt sĩ trước khi hy sinh. Có lẽ bạn tôi là một trong số đó”. 

Giờ đây, tuy đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu nhưng ông Điệp vẫn không từ bỏ ý định đi tìm mộ và người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn để bàn giao bức ảnh về với gia đình.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG