Những ngày này, gia đình NSNA Triệu Đại đang khẩn trương chuẩn bị cho triển lãm ảnh của ông nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo thông tin của ông Triệu Tuấn và Triệu Minh Chính (con cả và con thứ ba của NSNA Triệu Đại), triển lãm là tập hợp những bức ảnh NSNA Triệu Đại đã chụp từ Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Điện Biên Phủ.
NSNA Triệu Đại sinh tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. 21 tuổi, ông được cha cho đi học nghề nhiếp ảnh tại một trong những hiệu ảnh lớn của Hà Nội lúc đó. Ông gia nhập tự vệ Thành Hà Nội năm 1946. Khi Pháp trở lại chiếm đóng Hà Nội, ông sơ tán về Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Nội) và mở “Triệu Đại ảnh quán”. Đây cũng được xem là trụ sở hoạt động của ông cùng các đồng chí của mình. Năm 1947, ông vào Quân đội, làm phóng viên mặt trận và tham gia các Chiến dịch: Biên giới (1950), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952)...
|
|
Phóng viên Triệu Đại (ngoài cùng, bên phải) tại Điện Biên Phủ, năm 1954. |
Năm 1953, sau đợt tập huấn chỉnh quân, ông được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với lá thư tay của Bộ chỉ huy chiến dịch có nội dung: “Giới thiệu đồng chí Triệu Đại đi với Thê đội 1 để chụp ảnh chiến dịch, các đơn vị cần bảo vệ đồng chí Triệu Đại an toàn lúc thường cũng như lúc chiến đấu”, ông đã theo bước chân của các chiến sĩ, hăng say chụp lại toàn bộ hình ảnh về công tác chuẩn bị chiến trường cũng như những trận đánh ác liệt. Sau này, ông thường kể lại với các con rằng, vào trận đánh, khi người chiến sĩ cầm súng xông lên thì ông cũng cầm máy ảnh theo sát họ. Cho dù khói bom, đạn lửa vây xung quanh, cây đổ, người ngã xuống, nhưng người chiến sĩ cầm máy ảnh là ông không bao giờ chùn bước. Bằng chiếc máy ảnh Contax-là chiến lợi phẩm thu được của địch trong một trận đánh ở Chiến dịch Tây Bắc, phóng viên Triệu Đại đi theo các mũi xung kích mặt trận, ghi lại những hình ảnh sống động nhất. Đó là hình ảnh công binh mở đường, làm hầm pháo, bộ đội kéo pháo, tải thương, chiến đấu trên các chiến hào.
Theo ông Triệu Tuấn, trong những bức ảnh về Điện Biên Phủ của NSNA Triệu Đại, có một bức ảnh rất đặc biệt, đó là bức ảnh chụp toàn cảnh chiến trường khi vừa được giải phóng. “Nhìn bằng mắt thường chỉ thấy khung cảnh rộng lớn của lòng chảo Điện Biên Phủ vừa được giải phóng, nhưng ít ai biết để có được nó, cha tôi đã phải dùng kỹ thuật chụp chắp hình từ 7 lần bấm máy liên tục. Đây là kỹ thuật khó, bởi nguyên tắc khi chụp chắp hình thì các điểm nối phải khớp nhau, đòi hỏi người chụp phải có trình độ cao mới thành công được”, ông Triệu Tuấn cho biết. Kỹ thuật này cũng từng được NSNA Triệu Đại sử dụng trước đó khi chụp toàn cảnh Chiến thắng Him Lam, nhưng chỉ với 3 lần bấm máy liên tục. Ngoài ra, bức ảnh chụp Bộ chỉ huy chiến dịch họp trong hang Thẩm Púa cũng là một trong những bức ảnh tâm đắc của NSNA Triệu Đại. Hang Thẩm Púa là nơi có địa hình rất đặc biệt, ánh sáng trong hang rất yếu, không đủ điều kiện để cho ra những bức ảnh ưng ý. Khi ấy, NSNA Triệu Đại phải đốt pháo sáng lên để chụp. Ông đã bấm máy trong niềm xúc động dạt dào khi thấy những vị chỉ huy cao nhất của chiến dịch đang họp, bàn bạc căng thẳng để đưa ra những quyết định quan trọng của chiến dịch. Bức ảnh này cũng được chụp theo cách chắp hình từ 2 kiểu liên tục.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, NSNA Triệu Đại về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Ông vẫn là phóng viên ảnh xung kích, có mặt và chụp ảnh tại các chiến trường khốc liệt ở Quảng Bình, Quảng Trị... Năm 1969, bức ảnh bộ đội đang xung phong vượt qua đạn bom với tựa đề “Tiến lên giành toàn thắng” ông chụp tại Khe Sanh đã đoạt giải nhất trong một triển lãm ảnh. Đặc biệt, những bức ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Giới thiệu cùng bạn đọc một số bức ảnh do NSNA Triệu Đại chụp tại Điện Biên Phủ năm 1954.
|
|
Bộ đội công binh phá đá mở đường. |
|
|
Đọc Báo Quân đội nhân dân cho các thương binh. |
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui mừng cùng các cán bộ, chiến sĩ khi nhận được tin chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn. |
|
|
Đồng bào Điện Biên tặng quà bộ đội sau khi chiến dịch thắng lợi. Ảnh: TRIỆU ĐẠI |
KHÁNH AN