Thực hiện quyết tâm tiến công tiêu diệt tàn quân địch trong chiến dịch mùa khô năm 1983-1984 trên tuyến biên giới, Sư đoàn 2, Quân khu 5 được điều trở lại chiến trường Đông Bắc Campuchia, cùng Sư đoàn 307 và các đơn vị bạn tham gia chiến dịch có mật danh C84 nhằm tiến công cứ điểm 547 của tàn quân Pol Pot-Ieng Sary, cứ điểm mà từ sau ngày Campuchia được giải phóng (7-1-1979), qua 3 lần tấn công ta vẫn chưa dứt điểm được.

Trung đoàn 94 thuộc Sư đoàn 307 có nhiệm vụ luồn sâu phía sau bình độ 600 thực hiện tác chiến chia cắt địch với lực lượng từ bên kia biên giới sang chi viện. Đúng 4 giờ 45 phút ngày 25-4-1984, các lực lượng đã chiếm lĩnh trận địa, xuất phát tiến công theo đúng kế hoạch. Trung đoàn 94 đánh tiêu diệt Z9, Z10. Trung đoàn 95 tạo thành thế vây cắt chiến dịch. 7 giờ cùng ngày, bộ đội ta trên các hướng đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt địch. Có sự yểm trợ của pháo binh Sư đoàn 2, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia) nhanh chóng đánh chiếm Z6, tiếp tục làm chủ các căn cứ của địch; Z1a, Z1b, Z1 và Z12. 

Trên xe chỉ huy của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 có tôi-phóng viên Báo Quân khu 5, nhà văn Nguyễn Chí Trung-cán bộ của Tổng cục Chính trị cùng Chính trị viên Trần Nguyên Hải (người Hải Dương) của Đại đội Tăng thiết giáp. Khi Tiểu đoàn 3, Đoàn Ba Gia tạo cửa mở, quân địch chỉ chống cự yếu ớt rồi rút chạy vào rừng sâu. Chỉ huy Tiểu đoàn 3 điện cho Đại úy Nguyễn Văn Đồng, Đại đội trưởng Đại đội Tăng thiết giáp là đơn vị đã làm chủ trận địa. Nhà văn Nguyễn Chí Trung nói vui: “Tiếc quá, không đến phần cánh tăng mình rồi”.

leftcenterrightdel

 Bộ đội Trung đoàn 575, Quân khu 5 bảo đảm thông tin tại Campuchia, năm 1984.

Nhưng chỉ sau 15 phút, Tiểu đoàn 3 đã có điện gọi lực lượng tăng thiết giáp đến ứng cứu. Khi chúng tôi đến nơi mới biết: Tất cả các ụ mối, gốc cây, địch đều cài mìn. Bộ đội ta mải truy kích nên đã gặp thương vong, ảnh hưởng tới sức tiến công. Khi tăng thiết giáp của ta tràn vào giữa cửa mở thì hỏa lực của địch từ trên các cứ điểm đua nhau giội xuống đội hình ta. Chiếc xe tăng chỉ huy bị trục trặc kỹ thuật không chuyển bánh được, không kịp vượt lên để chỉ huy đơn vị diệt địch. Đại úy Nguyễn Văn Đồng liền nhảy xuống để đón xe khác cho kịp chỉ huy đơn vị chiến đấu. Không ngờ vừa tiếp đất, đồng chí Đồng bị trúng đạn và hy sinh...

Trên nóc xe chỉ huy, tôi đứng sau lưng Chính trị viên Trần Nguyên Hải chụp lại những khoảnh khắc bộ đội ta tiến công. Không ngờ một mảnh đạn của địch chém vào chân phải sát háng của Trần Nguyên Hải, máu đổ ra đầm đìa. Tôi và nhà văn Nguyễn Chí Trung khẩn trương đưa Hải vào trong xe băng bó, ga rô để cầm máu. Nhưng vết thương nằm sát háng nên ga rô mãi mà không thể cầm máu được. Chỉ sau 20 phút, Trần Nguyên Hải hy sinh.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung ôm chặt Trần Nguyên Hải vào lòng khóc nức nở. Lại thêm một đồng đội nữa ra đi. Tôi vẫn nhớ như in trước ngày ra trận, đêm hôm đó, tôi mắc võng nằm nghỉ bên bờ suối trong một cánh rừng già. Đồng và Hải mang đến một thau sữa đã pha sẵn mời tôi cùng uống. Hải thổ lộ: “Em có hai con gái xinh lắm! Em đã sắm đầy đủ quần áo mới cho cả hai. Sau chiến dịch này, em sẽ xin về phép thăm vợ con anh ạ!”. Gương mặt Hải sung sướng, phấn khích lắm. Còn Đại đội trưởng, Đại úy Nguyễn Văn Đồng xen vào: “Sau chiến dịch này, em cũng xin nghỉ phép để cùng gia đình mừng thọ bố em tuổi 90”.

Đồng đội của các anh đã biến đau thương thành hành động. Khoảng 20 ngày sau, họ đã nhổ được ung nhọt cuối cùng của bọn diệt chủng trên đất bạn, nhổ sạch cứ điểm 547 trên ngã ba biên giới. Thời điểm này, tôi đang bám theo đội hình bộ binh để kịp chớp được những pha tiến công dũng mãnh của Tiểu đoàn 3. Không ngờ trong đợt tấn công cuối cùng, tôi bị vỡ đầu gối, mất gần nửa xương bánh chè từ một mảnh pháo của địch. Tôi được chuyển vào một chiếc xe thiết giáp M-113 băng bó rồi đưa về đội phẫu của mặt trận, sau đó cùng một số anh em về nước trên chuyên cơ Mi-8, rồi về điều trị ở Bệnh viện Quân y 17 (Quân khu 5). Thời gian điều trị ở Bệnh viện Quân y 17, tôi không khỏi lo lắng vì chỉ nhận được chiếc ba lô cùng một bộ quần áo dính đầy đất đỏ bazan, còn toàn bộ phim tư liệu quý tôi chụp được ở mặt trận và chiếc máy ảnh Canon bị thất lạc.

Năm 1986, tôi chuyển vùng về Báo Quân khu 4 một thời gian rồi về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Mấy năm trước, anh Lê Bá Dương, nguyên phóng viên Báo Quân khu 5 ra Hà Nội đã trao cho tôi hơn 100 bức ảnh chiến trường đã được anh dày công in tráng từ các cuộn phim tôi chụp. Anh Dương bảo: “Đây là số phim và ảnh bạn chụp ở Campuchia. Bác Đặng Anh Vinh (nguyên Trợ lý văn hóa Phòng Tuyên huấn Quân khu 5) khuyên mình nên tráng thành phim rồi chuyển tận tay tác giả. Nếu không tráng thì những cuộn phim sẽ hỏng, tiếc lắm. Đây là tư liệu quý đấy!”. Tôi nắm chặt tay anh Dương, trân trọng biết ơn anh và bác Vinh, những đồng đội trân quý đã giữ gìn tư liệu quý về một thời trận mạc.

Bài và ảnh: THUẬN THẮNG