Cuối tháng 10-2022, 50 năm sau khi bức ảnh được chụp, tác giả và nhân vật trong bức ảnh lần đầu tiên hội ngộ tại Hà Nội-thành phố vì hòa bình, để chia sẻ thêm thông tin về bức ảnh, vạch rõ tội ác của chiến tranh cũng như tác động của nó đối với tác giả và nhân vật.

Chia sẻ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam tối 31-10-2022, bà Kim Phúc cho biết, hồi đó, sau 14 tháng với hơn chục lần phẫu thuật đầy đau đớn, bà được trở về nhà. Bà tiết lộ: “Lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh “Em bé Napalm”, tôi thấy nó rất xấu. Tôi hỏi cha tôi là tại sao ông ta lại chụp con trần truồng mà chạy như thế. Trong suốt một thời gian rất dài, tôi không thích bức ảnh này”.

“Con còn ghét bức ảnh này không?”-nhà báo Nick Út hỏi Kim Phúc tại cuộc gặp.

“Bức hình được chụp lúc tôi 9 tuổi, khi đó tôi không được chọn lựa. Nhưng giờ là người mẹ, tôi luôn luôn có sự chọn lựa. Sự chọn lựa đó rất quan trọng cho cuộc sống của bản thân tôi, tương lai của con cái và các thế hệ sau này. Tôi đã chọn lựa, thay vì ghét bức hình thì tôi nhìn nó như một bài học, một quà tặng to lớn cho hòa bình. Từ đó, tôi chấp nhận mình là cô bé trong bức hình và rất quý bức hình đó”, bà Kim Phúc chia sẻ.

Bà cho rằng, có hai cách nhìn về bức ảnh đó. Thứ nhất, đó là sự khủng khiếp của chiến tranh. Thứ hai, đó là về hy vọng, tình yêu và sự tha thứ. Bà hiện định cư ở Canada. Vợ chồng bà có 2 con trai và 4 cháu nội.

Còn với Nick Út (Huỳnh Công Út), khi chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, ông mới 21 tuổi, đang là phóng viên cho Hãng thông tấn AP. Ông kể lại, ngày 8-6-1972, ông cùng nhiều nhà báo có mặt tại khu vực Trảng Bàng, Tây Ninh, chứng kiến hàng nghìn đồng bào chạy vào rừng để tránh bom từ sớm. Khi thấy hai chiếc phi cơ thả bom, ông không nghĩ khu vực này còn người ở đó, nhưng từ trong đám khói lại có rất nhiều đồng bào chạy ra.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Nick Út (thứ ba, từ trái sang) và bà Phan Thị Kim Phúc (thứ hai, từ trái sang) với bức ảnh “Em bé Napalm” ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội, tháng 10-2022.

Ông chia sẻ: “Quang cảnh rất thảm thương. Có người còn ẵm trên tay đứa trẻ đã chết. Chụp ảnh xong, tôi định đi về thì thấy một đám trẻ chạy ra tiếp, trong đó có một bé gái không mặc quần áo, cánh tay và lưng còn bốc khói nên chụp ngay. Sau đó tôi vội tháo các máy ảnh xuống, lấy bi đông nước tưới lên người cô bé. Lúc ấy, cánh báo chí và lính ngụy quyền Sài Gòn đã bỏ đi hết. Tôi ẵm cô bé lên xe. Cùng ngồi trên xe còn có nhiều trẻ em khác. Tất cả đều khóc. Kim Phúc cũng khóc và nói với anh trai là chắc cô bé sẽ chết. Tôi rất lo cho Kim Phúc vì da cháy tuột cả lưng cô bé. Sau hơn nửa giờ, xe chạy đến bệnh viện địa phương tại Củ Chi. Tại đây có nhiều y, bác sĩ và nhiều người dân bị thương. Một nữ bác sĩ nói với tôi là chắc chắn Kim Phúc không sống được. Ở bệnh viện này không có đủ thuốc men và đề nghị tôi chuyển cô bé về Bệnh viện Nhi Đồng. Nếu muốn đến đó thì phải mất gần hai giờ chạy xe. Như thế Kim Phúc không chịu nổi. Sau 3 lần thuyết phục bác sĩ không được, tôi giơ thẻ nhà báo và nói tôi làm cho Hãng thông tấn AP. Nếu bệnh viện không chữa cho cô bé thì ngay ngày mai, hình ảnh này sẽ được đưa lên trang nhất của nhiều tờ báo lớn. Lúc ấy họ mới chịu mang cáng ra”.

Sau khi lo cho Kim Phúc, Nick Út trở về cơ quan ở Sài Gòn và tráng phim ngay. “Khi in tấm hình, từ giám đốc đến các nhân viên của Hãng thông tấn AP đều sững sờ. Trụ sở Hãng thông tấn AP tại New York nhận được bức ảnh đã gọi ngay về văn phòng ở Sài Gòn, thông báo đây là hình ảnh tốt nhất về chiến tranh tại Việt Nam. Sau đó, nhiều đài truyền hình, báo chí trên thế giới đều hỏi để sử dụng bức hình này. Bức ảnh gây chấn động dư luận nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Sau đó, người dân ở nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam.

Đầu tháng 3-2024, Nick Út và Kim Phúc lại cùng nhau đến Hà Nội trong hành trình tàu du lịch biển vòng quanh thế giới. Tại Hà Nội cũng như trong suốt hành trình, họ lại có thời gian để kể cho du khách trên tàu và những người họ gặp về khát vọng hòa bình đó.

Bài và ảnh: NGỌC HƯNG