Gặp ông trong chuyến về nguồn tại Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, chúng tôi được nghe ông hồi tưởng về khí thế cách mạng trên vùng Đất thép và cả TP Sài Gòn hơn 40 năm trước.
Ông Sáu kể:
- Đầu tháng 2-1975, quân đội chính quyền Sài Gòn điều một số đơn vị tăng cường cho vành đai phòng thủ Sài Gòn. Chúng đưa 2 tiểu đoàn dù về đóng ở Lộ 8 Củ Chi và Lộ 9 Đức Hòa; 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến về đứng chân ở Liên trường Thủ Đức và nống ra vùng Bưng 6 xã (quận 9 ngày nay)... Với ý đồ giành lại quyền kiểm soát ở địa phương, địch liên tục mở các cuộc tập kích vào những nơi chúng nghi ngờ có quân ta trú ém. Thế nhưng tất cả những hành động trên không ngăn nổi sức tấn công ngày càng quyết liệt của quân, dân Sài Gòn-Gia Định. Lực lượng biệt động chúng tôi chia nhau nắm chắc các tổ trợ chiến (hơn 300 quần chúng có vũ trang và khoảng 30.000 quần chúng sẵn sàng nổi dậy), đồng thời gấp rút triển khai lực lượng tỏa đi khắp nơi để thu thập tình hình; phối hợp với bộ đội địa phương và du kích không ngừng gia tăng tần suất hoạt động, mở rộng địa bàn tác chiến gây cho địch nhiều thiệt hại.
Du khách tham quan nghe giới thiệu về phong trào nổi dậy ở Củ Chi năm 1975.
Các đơn vị đóng quân ở vùng ven cũng được lệnh sẵn sàng tiến vào nội đô. Nhân dân ra sức chuẩn bị hậu cần bảo đảm cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định bất chấp hiểm nguy và sự đàn áp của tụi lính bảo an. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị của Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, các LLVT vùng ven liên tục nổ súng tiến công chi khu Trung Hòa, bốt Bình Đông, bốt Cây Trôm, bốt Cây Bài, phân chi khu Tân Thạnh Đông…; đồng thời tăng cường đánh địch trên các tuyến giao thông quan trọng, đánh sập một số cầu làm hạn chế khả năng cơ động của địch.
Bà Lê Thị Sương (Năm Sương), ngụ tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, nguyên Chính trị viên Đội nữ Du kích Củ Chi kể lại trận đơn vị bà tham gia cùng Tiểu đoàn Quyết Thắng phục kích tiêu diệt đoàn xe quân sự của Quân đoàn 3 ngụy trên Quốc lộ 1, đoạn Bàu Tre-Cây Trôm: Hôm ấy là ngày 20-3-1975, đơn vị bí mật cơ động, chọn nơi hiểm yếu và địa hình che chắn có lợi tổ chức thành đội hình chặn, cắt. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, đoàn xe quân sự của địch gần như bị xóa sổ, gây thanh thế lớn trên chiến trường. Nhân cơ hội đó, đồng bào ở khu vực Trung Hòa, Trung Lập và tuyến lộ 2 nổi dậy vây ép các đồn bốt địch. Nhân dân các ấp chiến lược Thái Mỹ, Tân An Hội, Phước Hiệp, Phú Hòa Đông ồ ạt rải truyền đơn, hạ cờ ngụy, treo cờ giải phóng, đấu tranh đòi giải tán lực lượng phòng vệ dân sự của địch ở khu dân cư…
Lực lượng nổi dậy của quần chúng ngày một đông đảo, rộng khắp tại các huyện vùng ven tích cực chuẩn bị cho ngày toàn thắng. Những ngày đó, đi tới đâu cũng thấy bà con tham gia in tài liệu, truyền đơn, may cờ Tổ quốc… Nhiều hộ khá giả còn chuẩn bị cả xe gắn máy để tiến hành phát thanh lưu động tuyên truyền cổ vũ khí thế cách mạng. Số thanh niên, dân quân du kích thì làm liên lạc, dẫn đường cho bộ đội chủ lực. Các mẹ, các chị tới tận đồn địch làm công tác địch vận, lôi kéo, hù dọa lực lượng kìm kẹp tại chỗ khiến nhiều tên vứt bỏ vũ khí, trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, rời bỏ hàng ngũ trở về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu.
Khí thế từ vùng Đất thép lan rộng sang các huyện ngoại thành và vùng lân cận, được Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo đẩy mạnh tạo thành phong trào bùng phát trên khắp địa bàn thành phố. Bộ đội tiến công tạo đà cho nhân dân nổi dậy. Ở Hóc Môn, Tiểu đoàn 4 Gia Định đánh tiêu diệt chi khu cảnh sát đặc biệt và Phân chi khu Thới Tam Thôn diệt 3 ban tề ấp, bắt một số tên phòng vệ dân sự, kêu gọi binh lính địch ở Tân Thạnh Đông bỏ đồn bốt ra hàng. Bà con nhân cơ hội phá sạch đồn bốt, thu giấy tờ của địch. Ở Bình Chánh, LLVT địa phương tập kích gây thiệt hại sở chỉ huy Tiểu đoàn 86 biệt động quân đóng tại ấp 5 xã Tân Nhựt, đánh bốt Chôi Ký và đẩy mạnh hoạt động ở Hưng Long, Quy Đức, Đa Phước. Đồng bào Tân Quý Tây, Chợ Đệm, Tân Tạo phối hợp với du kích tước súng và giải tán phòng vệ dân sự, rải truyền đơn trên trục lộ 5, bao vây địch trong bốt Chợ Đệm, tháo dỡ khẩu hiệu địch, tấn công trụ sở tề và phân chi khu Bình Trị... Sức mạnh nổi dậy của nhân dân tại các địa phương khiến quân địch như cây bị rung gốc…
Chỉ trong tháng 3 và đầu tháng 4-1975, quân và dân vùng ven Sài Gòn-Gia Định đã tiến hành đồng thời các cuộc tiến công vũ trang kết hợp với sự nổi dậy của nhân dân chiếm phá đồn bốt, tuyên truyền, binh địch vận tạo nên sức mạnh to lớn chuẩn bị cho thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: YẾN LONG