Ngay trước cổng đình là tấm bia ghi: Ngày 16-12-1946, tại đình Quan Nhân, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Chiến khu 11 (Hà Nội) đã dự lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Vệ Quốc đoàn. Bên phải chính cung là nhà di tích ghi dấu câu chuyện, Đội tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội tổ chức phá kho thóc Nhật chia cho bà con nhân dân quanh vùng cứu đói. Anh Nguyễn Đình Phượng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Nhân Chính cho biết:
- Đầu những năm 1940, phát xít Nhật chiếm đình Quan Nhân để cải tạo thành kho thóc tích trữ lương thực từ chính sách thu thóc nhằm phục vụ chiến tranh. Vào năm 1942, xã Nhân Chính đã xây dựng được các tổ chức của Việt Minh như: Thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc… tuy quy mô nhỏ theo đơn vị làng, nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội. Tháng 4-1945, theo chủ trương phát triển đội tự vệ, tiếp tục xây dựng lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa, đoàn thanh niên cứu quốc 3 xã: Nhân Chính, Thượng Cát và Hạ Yên Quyết đã tổ chức thành một đội tự vệ.
    |
 |
Quang cảnh đình Quan Nhân. Ảnh: THÁI THANH. |
Sau khi thành lập, đội tự vệ đã tự tổ chức vũ trang bằng nhiều cách như: Lặn sông, đến các đồn bốt mò tìm vũ khí của lính Pháp vứt đi trên đường tháo chạy. Nhờ vậy, đội tự vệ đủ sức hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, bảo vệ thành công các cuộc mít tinh của nhân dân biểu tình chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai trên địa bàn. Cuối tháng 6-1945, đội tự vệ đã tổ chức quần chúng nhân dân đứng lên phá kho thóc Nhật ở đình Quan Nhân cứu đói. Thông tin Việt Minh phá kho thóc chia cho dân ở ngay sát nội thành Hà Nội làm địch hoang mang và quần chúng càng tin tưởng vào cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Tiểu đội trưởng du kích xã Nhân Chính (năm 1948) kể: Sau Cách mạng Tháng Tám, đình Quan Nhân là nơi chính quyền cách mạng hội họp, mở lớp “xóa giặc dốt” cho nhân dân quanh vùng và là điểm luyện tập võ nghệ, kỹ chiến thuật quân sự của LLVT. Từ sáng đến tối, sân đình vui như ngày hội. Nhân dân trong làng nếu không đi làm thì đều tụ hội ở đình để học tập, rèn luyện. Ngày 16-12-1946, nhân dân và các LLVT trang nghiêm, lặng im chứng kiến phút giây lịch sử của lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đến khi các chiến sĩ vệ quốc đoàn giơ tay xin thề thì mọi người dân đều giơ tay hưởng ứng.
“Cùng mây trời soi bóng liên trì, Quan Nhân khắc hình hào khí Đông A”, tự vệ và nhân dân đã đào hào quanh làng, đắp ụ chiến đấu chặn giặc ở đường Láng và Quốc lộ 6. Ngay trong đêm 19-12-1946, quân và dân Nhân Chính dưới sự chỉ đạo của ủy ban kháng chiến đã hăng hái tiếp đạn cho bộ đội ở Pháo đài Láng, nơi nổ súng - hiệu lệnh của Toàn quốc kháng chiến. Những ngày sau đó, quân và dân Nhân Chính phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, phối hợp với Tiểu đoàn 523, chia lửa với bộ đội Liên khu 1, kiên cường bám trụ, chiến đấu, kìm chân địch góp phần làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
NGUYỄN ĐĂNG ĐỎ