Tuy địch đã bị mất những ngọn đồi rất quan trọng ở đông Mường Thanh và sinh lực của tập đoàn cứ điểm đã bị diệt tới 2/5 quân số, song lực lượng địch vẫn còn hơn 1 vạn tên, lại được tăng viện thêm một tiểu đoàn dù thiện chiến. Qua những trận đánh ác liệt giành đi giật lại một số cao điểm trọng yếu nhất, địch vẫn giữ được 2/3 cao điểm A1 và 1/2 đồi C1 cùng các cao điểm phụ cận A3, C3. Sân bay Mường Thanh đã bị các trận địa đánh lấn của quân ta cắt ngang hoàn toàn, song địch vẫn còn khả năng tăng viện và tiếp tế bằng dù. Ở phía nam của Mường Thanh, khu phòng thủ
Hồng Cúm vẫn còn khả năng chi viện cho khu trung tâm bằng hỏa lực pháo binh và lực lượng cơ động bộ binh cùng xe tăng, mặc dù những hoạt động đó của chúng đang ngày càng thêm khó khăn vì phạm vi đóng quân của chúng mỗi chiều chỉ còn không quá 2.000m.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/13/2021/03/11/thanhhuong/1.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Dấu tích còn lại từ khối thuốc nổ gần 1.000kg ở đồi A1 (tháng 5-1954), nay là điểm tham quan của du khách khi đến thăm quần thể di tích Điện Biên Phủ. |
Sau một đợt vận động, giáo dục chính trị sâu sắc trong tất cả các đơn vị chiến đấu, bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến dịch, quyết tâm chiến đấu và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận đã được đề cao. Tất cả đều tích cực chuẩn bị cho đợt tấn công quyết định để tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ. Từ đêm 1-5-1954, đợt tiến công thứ ba bắt đầu. Quân ta nhanh chóng tiêu diệt địch còn bám trụ ở 1/2 ngọn đồi C1 và lần lượt đánh chiếm hết các điểm tựa ở chân các ngọn đồi phía đông, bao gồm: Điểm tựa 505, 505A, 506 cũng như các điểm tựa ở phía tây Mường Thanh như: 311A, 311B, 310... Đồng thời, quân ta mở cuộc tấn công quyết định vào cao điểm A1, là vị trí phòng thủ mạnh nhất còn lại của địch, trực tiếp bảo vệ cho sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm.
Để phối hợp và hỗ trợ cho cuộc tiến công của các đơn vị bộ binh của Trung đoàn 174 vào cao điểm A1, ngay từ giữa tháng 4-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao cho Đại đoàn 316 sử dụng công binh của đại đoàn bí mật đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng ngọn đồi A1 và bố trí một khối lượng thuốc nổ chừng 1.000kg để đến đúng giờ G cho nổ, nhằm đánh sập hầm cố thủ của địch ở đồi A1 cùng một số lô cốt trên sườn phía tây và tây nam của vị trí đó. Hành động này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đại đội bộ binh đánh chiếm nhanh gọn các mục tiêu còn lại trong tung thâm phòng thủ của địch trên cao điểm A1.
Đường hầm phải được bí mật tuyệt đối đào xuyên từ chân đồi phía tây là khu vực ta kiểm soát, đi sâu vào giữa lòng đồi A1 và làm một buồng chứa được khối thuốc nổ cực mạnh nặng khoảng 1.000kg. Chiều dài đường hầm phải vào sâu được hơn 40m so với đỉnh đồi để cho địch không thể nào phát hiện được. Thời hạn phải hoàn thành đường hầm và bố trí xong khối thuốc nổ là trước ngày 6-5-1954. Trong quá trình đào đường hầm này, ta phải giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, khống chế quân địch, không để chúng phát hiện và phá hoại được công trình đào xuyên vào lòng quả đồi mà chúng còn chiếm đóng 2/3. Thứ hai, đất đào ra đổ đi đâu và bằng cách nào cho khỏi lộ vị trí cửa hầm. Đồng thời luôn luôn giữ đúng được hướng đào của đường hầm. Thứ ba-thiết yếu nhất là làm sao bảo đảm cho các chiến sĩ đào hầm có thể thay phiên nhau đào liên tục không bị ngạt thở khi đào sâu vào trong lòng đồi.
Phương án được thực hiện đó là, để thường xuyên bảo vệ được cửa đào vào lòng đồi và phân đội công binh tác nghiệp trong đường hầm, trung đoàn bộ binh có nhiệm vụ tiến công vị trí A1 lần này đã giao cho một đơn vị bộ binh phải kiên quyết đánh địch, giữ nguyên sườn đồi mà ta đã làm chủ. Đồng thời dùng hỏa lực tiêu diệt các ụ vệ tinh của địch lấn về phía đó. Đất đào ở đường hầm ra được đổ vào các túi vải, ni lông do trung đoàn huy động các đơn vị làm cho và chuyển dần ra cửa hầm đưa ra ngoài. Càng vào sâu, đất càng rắn. Có lúc gặp phải những tảng đá rất cứng chặn ngang hướng đào, phải vòng qua rồi lấy lại hướng đào tiếp. Việc định hướng chỉ dùng một chiếc la bàn nhỏ, quan sát bằng ánh sáng như con đom đóm của ngọn đèn pin đã bịt gần kín mặt kính. Để bảo đảm thông hơi trong đường hầm, bộ đội ta đã thường xuyên dùng quạt nan thay nhau quạt từ trong ra để đổi không khí. Đồng thời luôn giữ thật nghiêm đội hình đào cũng như chuyển đất ra, nằm, ngồi hàng dọc theo đường ống để giữ cho việc thông hơi không lúc nào bị gián đoạn.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/13/2021/03/11/thanhhuong/2.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Các em học sinh “hành quân” lên thăm di tích đồi A1. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG |
Khi đường hầm đã đào xong, chúng tôi-cán bộ cơ quan tham mưu chiến dịch cùng cán bộ của binh chủng công binh đến tại chỗ đo đạc lại và tính toán, thấy đường có bị chệch hướng mất khoảng chừng 35m so với đỉnh đồi-là chỗ tập trung nhất của tổ chức phòng thủ địch. Song, căn cứ vào những số liệu kỹ thuật về đường kính công phá của một khối thuốc nổ loại cực mạnh dùng vào việc này và bố trí theo phương thức nổ om (nghĩa là nổ sâu trong lòng đất) thì vẫn đủ khả năng đánh sạt một phần của cụm lô cốt và hầm cố thủ của địch về hướng tây và tây nam trong đồi A1.
Chúng tôi báo cáo tình hình đó lên Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái và được đồng chí đồng ý cho tiếp tục đưa thuốc nổ vào thiết kế buồng thuốc nổ ở cuối đường hầm. Tổng cộng gồm 54 gói. Lượng thuốc nổ lớn này một phần do trung đoàn công binh của mặt trận điều đến, một phần là tháo gỡ từ những quả bom còn đeo ở cánh của chiếc máy bay phóng pháo B-24 bị pháo cao xạ ta bắn rơi cuối tháng 4-1954 ở khu bản Hồng Lếch, cách nơi đào đường hầm chừng 3km về phía tây bắc.
Để bảo đảm thật chắc chắn việc gây nổ đối với toàn bộ khối lượng thuốc nổ, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cán bộ phụ trách gây nổ, ta đã dùng song song hai phương án, đó là dùng trạm truyền nổ có dây truyền dài 80m, nối từ khối thuốc nổ ra ngoài cửa hầm đến công sự bảo vệ người giật nụ xòe. Điểm hỏa bằng kíp nổ điện cũng do một cán bộ ngồi trong công sự phòng hộ ở ngoài 100m phụ trách. Ngoài ra còn dự tính, nếu hai cách gây nổ trên không kết quả thì chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ nhỏ nặng khoảng 3kg đưa đến sát khối thuốc nổ lớn và dùng dây cháy chậm với nụ xòe để gây nổ. Chiều dài dây cháy chậm đã được tính để khi giật nụ xòe xong còn đủ thời gian ra khỏi hầm và chạy đến công sự phòng hộ ở ngoài cách cửa hầm 20m.
Mọi việc chuẩn bị đúng như tính toán và đã được kiểm tra đi kiểm tra lại thật kỹ lưỡng từng khâu công tác. Sau đó, chúng tôi báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch và đại đoàn theo phân cấp. Bộ chỉ huy chiến dịch quy định 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954 là thời gian phát khởi tổng công kích cho toàn thể các đơn vị trên Mặt trận Điện Biên Phủ, khối thuốc nổ đã được gây nổ đồng thời bằng hai phương pháp nói trên. Hiệu quả ra sao đã được lịch sử ghi nhận, nay hồi tưởng lại, tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Những năm ấy, xét về tương quan lực lượng hai bên, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là chiến thắng của ý chí, khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam!
NGUYỄN BỘI GIONG (*)
(*) Nguyên Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiêm phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.