QĐND - Trở về Đức Bản, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân, Hà Nam), nghe những nhân chứng sống kể về sự kiên trung của nhân dân nơi đây, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 32 cụ già và thanh, thiếu niên trong trận càn Am-phi-bi để giữ bí mật cho gần 200 cán bộ, chiến sĩ và gần 200 thương binh cách đây hơn 60 năm làm chúng tôi lặng người, xúc động...

Ông Nguyễn Trọng Khước (thứ hai, từ trái qua) giới thiệu nơi đào hầm đã từng che giấu thương binh năm 1952.

Những con đường quanh co, uốn lượn ôm sát những cánh đồng lúa đang trổ bông đưa chúng tôi về thôn Đức Bản, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân, Hà Nam). Trước mắt chúng tôi là một vùng quê thanh bình đang từng ngày “thay da đổi thịt” theo sự phát triển chung của đất nước. Ít ai nghĩ rằng, cách đây hơn 60 năm về trước, Đức Bản là vùng quê kháng chiến kiên cường, thường xuyên bị giặc Pháp khủng bố, tàn phá ác liệt. Đặc biệt, ngày 9-3-1952, địch mở trận càn lớn nhất từ trước đến thời điểm đó mang tên Am-phi-bi trên đất Hà Nam. Chúng huy động tới 15 tiểu đoàn (cả bộ binh, lính thủy đánh bộ, lính dù) thuộc các binh đoàn cơ động số 1, 2, 4, 7 khoảng 5.000 tên, cùng 30 đại bác, 150 xe cơ giới, 20 xe lội nước do tên tướng Béc-su chỉ huy, tập trung càn các khu du kích ven sông Hồng thuộc hai huyện Lý Nhân, Duy Tiên và các xã phía nam huyện Bình Lục. Trên địa bàn huyện Lý Nhân, địch tổ chức càn quét ở nhiều nơi, đặc biệt là thôn Đức Bản, xã Nhân Nghĩa. Ông Nguyễn Trọng Khước (sinh năm 1934), thôn Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa-nhân chứng sống nhớ lại: Vào năm 1952, Đức Bản nằm giữa nhiều đồn bốt của giặc (Cống Nha, Cầu Không, Muồn, Thượng Vĩ), lại là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, với 175 hộ gia đình đều đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, có nhà đào tới 6 hầm, hơn 20 gia đình nuôi và bảo vệ các cơ quan, nên trở thành trung tâm càn quét của giặc Pháp.

Nhớ lại những ngày giặc càn quét trong thôn, ông Nguyễn Xuân Điểm, sinh năm 1945, Bí thư chi bộ thôn Đức Bản Ngoại cho biết: Lúc đó mới 9 tuổi, tôi với mẹ bị giặc Pháp bắt cùng với dân làng. Suốt cả một ngày, địch dùng các biện pháp hèn hạ, khi thì mua chuộc, khi thì đánh đập, rồi bắt mọi người đi vòng quanh làng để chỉ hầm bí mật, nhưng mọi người chỉ nói “không biết”.  Đến chiều 14-3-1952, giặc Pháp tách riêng những người là nam giới dồn vào nhà ông Dụ, còn phụ nữ bị dồn vào nhà bà Chác. Ở nhà ông Dụ, chúng bắt các cụ ông và thanh, thiếu niên ngồi thành hàng ngang, rồi điên cuồng dùng súng liên thanh bắn hết loạt đạn này đến loạt khác. Sau khi giết xong chúng còn giẫm lên xác từng người xem còn ai sống sót, rồi phủ rơm lên đốt.

Sau khi giết chết các cụ và các em nhỏ, thực dân Pháp tiếp tục lùng sục khắp nơi để tìm nơi ẩn náu của cán bộ, nhưng không thấy. Trong cơn điên cuồng, giặc tiếp tục đánh đập dã man và bắn giết các cụ khác. Biết không thể khuất phục được nhân dân Đức Bản, đến ngày 16-3-1952, giặc Pháp rút khỏi Nhân Nghĩa đem theo cả bọn lính Cống Nha. Không một chiếc hầm bị lộ, không một cán bộ, bộ đội bị bắt, không một khẩu súng, viên đạn lọt vào tay quân thù. Ngày 23-3-1952, cuộc càn quét Am-phi-bi kết thúc. Sau 15 ngày chống càn quyết liệt, quân dân ta đã làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp, trong chiến công chung đó, có sự đóng góp to lớn của nhân dân Đức Bản.

Tấm gương hy sinh của các cụ già và thanh, thiếu niên Đức Bản trong cuộc chiến chống trận càn của thực dân Pháp đã có tiếng vang lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 7-1954, Bác Hồ đã viết bài báo “Không biết” ca ngợi các cụ già và thanh, thiếu niên thôn Đức Bản, đăng trên Báo Cứu quốc số 8631 ngày 8-7-1954. Bài báo nói rõ: “Tuy rất vắn tắt, hai tiếng “không biết” ấy đã tỏ rõ lòng nồng nàn yêu nước và gan vàng dạ sắt của các cụ. Nó là đại biểu tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Hai tiếng “không biết” ấy đã làm cho trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc, nó đã cứu sống nhiều chiến sĩ ta và đưa nhiều giặc đến chỗ chết... Hai tiếng “không biết” ấy còn nêu cao cái gương hy sinh anh dũng để giữ bí mật cho cán bộ và bộ đội ta-Cái gương giữ bí mật mà mọi người Việt Nam yêu nước phải noi theo”.

Ghi nhận những cống hiến của cán bộ và nhân dân địa phương, Nhà nước đã truy tặng “Huân chương Kháng chiến hạng ba” và suy tôn liệt sĩ cho 32 cụ già và thanh, thiếu niên thôn Đức Bản. Theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân huyện Lý Nhân và nhân dân tỉnh Hà Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương đang hoàn thiện các thủ tục để tiến hành xây dựng Khu tưởng niệm ghi nhận sự kiện lịch sử các cụ già và thanh, thiếu niên đã hy sinh để che giấu bộ đội. Đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa và giáo dục sâu sắc, là hành động tri ân đối với những người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Bài và ảnh: GIA ĐỒNG