QĐND - Đó là “ngôi nhà Tây” (kiến trúc Pháp) 4 tầng, tôn tạo năm 1942, trên cơ sở một ngôi nhà mà trước đấy chỉ có 2 tầng, mang biển hiệu cửa hàng vải lụa Phúc Lợi, số nhà 48, phố Hàng Ngang, TP Hà Nội.

Xưa, nơi này thuộc phường Diên Hưng (tổng Hữu Túc, sau đổi là Đông Thọ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội). Chủ nhân ngôi nhà là cụ Trịnh Phúc Lợi-chủ hãng buôn tơ lụa vải sợi nổi tiếng vào hàng lớn nhất Hà thành hồi đầu thế kỷ XX, là dòng dõi Khánh Quận công Trịnh Kiều (con thứ của An Đô vương Trịnh Cương), quê gốc làng Đông Hoàng (nay thuộc xã Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Cụ Trịnh Phúc Lợi sinh được 3 người con. Trịnh Thị Thục là gái lớn; Trịnh Văn Bính là trai thứ (được cho đi du học ở Pháp, sau trở về làm Thứ trưởng Bộ Tài chính nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) và Trịnh Văn Bô là trai út.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Hà Thu.

Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, học hết “Tú tài Tây”, lập gia đình năm 1932 cùng bà Hoàng Thị Minh Hồ, con gái cụ Hoàng Đạo Phương, cử nhân Nho học, thuộc dòng họ Hoàng “danh gia vọng tộc” ở làng Kim Lũ (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ được cụ Trịnh Phúc Lợi chọn làm người kế nghiệp, cho thừa hưởng ngôi nhà-cửa hàng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang. Đến năm 1942, ngôi nhà được tôn tạo thành tòa nhà 4 tầng, dạng hình “nhà ống” (dài và sâu), mặt trước mở ra phố Hàng Ngang, mặt sau trông ra phố Hàng Cân (mang số nhà 35). Nhà gồm 3 khối, nối thông nhau bằng 2 “giếng trời”. Tầng 1 làm cửa hàng buôn bán vải lụa; tầng 2 và 3 gồm nhiều phòng, dùng làm các phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn… của gia đình; tầng 4 là kho chứa hàng và “sân thượng”.

Đây là ngôi nhà trước sau hai mặt phố, ở giữa khu buôn bán, đi lại tấp nập, rất thuận tiện cho việc ra vào, chiều cao nhất nhì khu vực, càng tốt cho việc quan sát động tĩnh bốn chung quanh. Từ tầng 2, tầng 3 bước qua được nóc các nhà bên cạnh mà không cần phải đi cầu thang, xuống đường, dễ dàng thoát hiểm mỗi khi “có động”. Cửa ngõ trước sau đều bằng sắt, thuận tiện cho việc bảo vệ.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông bà Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ đã được đồng chí Khuất Duy Tiến, cán bộ Thành ủy Hà Nội (sau là Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch thành phố) bắt liên lạc, giác ngộ. Sẵn “triết lý kinh doanh” là: Buôn bán lờ lãi được 10 đồng thì chỉ giữ lại 7, còn 3 đem giúp người nghèo làm phúc đức, vợ chồng chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang, khi đã tham gia và trở thành Việt Minh, càng tích cực, sẵn sàng cống hiến tất cả cho cách mạng.

Sau ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thành công, từ ngày 21-8-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đã từ Chiến khu về đến Hà Nội.

Được đồng chí Khuất Duy Tiến và Thành ủy Hà Nội giới thiệu, được đồng chí Trường Chinh quyết định chọn lựa, trong những ngày cuối tháng 8 năm 1945, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành cơ sở sinh hoạt và làm việc của Trung ương, đặc biệt là nơi đón Hồ Chủ tịch từ Chiến khu về.

Ngày 23-8-1945, Hồ Chủ tịch từ Tân Trào về đến ngoại thành Hà Nội, ở nhà cụ Nguyễn Thị An tại Phú Gia (Phú Thượng, Từ Liêm, nay thuộc quận Tây Hồ).

Ngày 25-8-1945, xe ô tô đưa Bác về nhà 48 Hàng Ngang, nhưng dừng xe ở địa chỉ 35 Hàng Cân, để Bác bí mật theo cửa sau, vào nhà, lên gác. Đối với những người giúp việc trong nhà và hàng xóm thì đây là “ông cụ ở dưới quê lên chơi”. Bà Hoàng Thị Minh Hồ hồi tưởng: “Cụ lưu lại từ ngày 25-8 đến ngày 2-9. Quả thật trong thời gian này, chúng tôi không hề biết “ông cụ” đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Bác Hồ. Đến ngày 2-9, khi đi dự lễ Quốc khánh, chúng tôi mới biết và thấy tự hào vô cùng”.

Bác vừa về hôm trước thì ngay hôm sau, ngày 26-8, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã thành địa điểm lịch sử của những sự kiện trọng đại.

Tại gian phòng trên tầng 2, Bác đã nghe các đồng chí Thường vụ Trung ương báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các nơi trên toàn quốc.

Cũng tại phiên họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng tại Hà Nội này, Hồ Chủ tịch đã đề nghị chính thức cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (thành lập ở Chiến khu Tân Trào ngày 16-8-1945) thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, theo hướng rút bớt thành phần là lãnh đạo Đảng và Mặt trận Việt Minh, mở rộng thành phần là nhân sĩ-trí thức ngoài Đảng. Với sự tự nguyện rút lui của nhiều đồng chí, như: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng… được Bác đánh giá “là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”, một Chính phủ gồm 15 thành viên đã được Bác tổ chức gặp mặt vào ngày 27-8, và đến ngày 28-8 thì danh sách được công bố rộng rãi trên báo chí.

Vẫn là vào ngày hôm ấy, tại nhà số 48 Hàng Ngang, một sự kiện đối ngoại nhiều ý nghĩa đã diễn ra. Bà Minh Hồ nhớ lại: “Sáng ngày 26-8-1945, tôi nhớ có 3 người đàn ông ngoại quốc, nói là người Mỹ, đến hiệu vải Phúc Lợi, hỏi tôi: “Ông Hồ Chí Minh có ở đây không?”. Do đã được căn dặn giữ bí mật tuyệt đối cho “ông cụ”, nên tôi không trả lời họ ngay, mà lập tức gọi điện báo cáo anh Võ Nguyên Giáp. Anh Giáp nói với tôi: Hẹn họ 10 giờ sáng quay trở lại…”.

Đó là nhóm người thuộc Cơ quan phục vụ chiến lược OSS (Office of Strategic Service) Mỹ, do Thiếu tá Tình báo L.A.Pát-ti (L.A.Patti) cầm đầu. 11 giờ 35 phút ngày 22-8, 12 nhân viên OSS đã đáp chiếc máy bay C47 số hiệu 5908 rời Côn Minh (Trung Quốc), hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội) lúc 14 giờ 10 phút. Cùng đi còn có 4 người Pháp thuộc Phái bộ 5 (Cinquième Mission) do Xanh-tơ-ni (Sainteny), sau là Cao ủy Pháp ở Đông Dương dẫn đầu. Cũng vào thời gian này, những đơn vị quân Trung Hoa Quốc dân đảng đầu tiên của tướng Long Vân, có Phó tư lệnh là Tiêu Văn và Cố vấn chính trị là Lư Hán, đã bắt đầu vượt biên giới vào Việt Nam để thực hiện Hiệp ước Pốt-xđam, giải giáp quân đội phát xít Nhật.

Tình hình đối ngoại và đối nội đều đang chuyển biến rất gấp gáp và phức tạp. Vì thế, tiếp xúc với L.A.Pát-ti và mời cơm trưa thân mật ở nhà 48 Hàng Ngang xong, Hồ Chủ tịch cùng Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định phải sớm tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay. Trong đó, việc hệ trọng đặc biệt là: Soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Bác đã dành trọn 3 ngày sau hôm 27-8 gặp mặt Chính phủ lâm thời vừa cải tổ, tức là từ ngày 28-8 đến ngày 30-8, để hoàn thành công trình lịch sử này, ở tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang, bằng chiếc máy chữ mang theo từ Tân Trào về. Sau khi đưa Thường vụ Trung ương thông qua, thì đem ra cuộc họp của các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời vừa mới thành lập, để nhận sự góp ý.

Luật gia Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, sau này viết hồi ký về cuộc họp đặc biệt này:

“Hồ Chủ tịch vào phòng họp. Tất cả các Bộ trưởng đều đứng dậy, kính cẩn. Người thoăn thoắt, ung dung, dang hai cánh tay, mời tất cả ngồi xuống, rồi cất lời chào, chúc sức khỏe các Bộ trưởng. Và bắt đầu làm việc ngay. Người nói: “Thời gian gấp rút, tôi đề nghị đầu tháng 9, Chính phủ ta ra mắt quốc dân và đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tôi đã chuẩn bị. Xin đưa bản thảo để các vị xét duyệt. Đề nghị duyệt kỹ. Vì ta sẽ đọc, không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ và nhân dân Pháp, cho cả các nước Đồng Minh nghe”. Thật là ngắn gọn và gợi ý đầy đủ. Một cán bộ văn phòng chuyển đến các bản đánh máy, đặt từng bản trước mặt mọi người. Chúng tôi chăm chú xem từng câu, từng chữ, rồi suy nghĩ… Ai cũng thấy hay quá! Sáng sủa, chắc nịch, đơn giản mà hùng hồn, đanh thép! Chỉ thêm bớt vài ý nhỏ, sửa mấy chữ lặt vặt. Sau đó, mọi người ký vào bản của mình, theo yêu cầu của Hồ Chủ tịch”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã ra đời như thế đó.

Tại Quảng trường Ba Đình, trước hơn nửa triệu đồng bào, vào hồi 14 giờ ngày 2-9-1945 đầy nắng thu vàng, Tuyên ngôn Độc lập đã được Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên đọc, kèm với câu: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”, chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong tiếng hô “Thề độc lập” vang động đất trời.

Vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, văn bản lịch sử Tuyên ngôn Độc lập, cùng các hình ảnh, tài liệu và hiện vật liên quan, lại hiển hiện ở ngay chính nơi ra đời: Nhà 48 Hàng Ngang, trang trọng và đầy ý nghĩa, trong cuộc “Trưng bày bổ sung di tích ngôi nhà 48 Hàng Ngang-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập”, do Ban Quản lý Di tích Danh thắng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) thực hiện.

GS LÊ VĂN LAN