Hội thảo khẳng định sự cấp thiết đề nghị công nhận bến đò A Sanh là di tích lịch sử cấp tỉnh, nhằm tôn vinh những người lái đò huyền thoại trên dòng sông Pô Cô nói chung và Anh hùng LLVT nhân dân Puih San nói riêng.
“Con rái cá” Puih San
Ngày 1-5-1964, Bộ Chính trị quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng và LLVT nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên đây là chiến trường chưa được chuẩn bị cho tác chiến lớn với muôn vàn khó khăn, việc bảo đảm vũ khí, đạn dược và lực lượng cho các đơn vị luôn đặt ra yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, nhiều đơn vị vận tải bộ của Đoàn 559 và Khu 5 được bổ sung, tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên. Hình thành nhiều bến đò trên tuyến hành lang Bắc-Nam, dọc hai bờ sông Pô Cô, Sê San trải dài từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Gia Lai và sang Campuchia để vận chuyển vũ khí, hàng hóa, đưa đón bộ đội qua lại. Thuyền độc mộc của người dân được quân đội huy động để phục vụ công tác vận tải; đồng bào các dân tộc dọc bờ sông Pô Cô, Sê San đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, chủ động tham gia các hoạt động quân sự, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng với quân và dân Tây Nguyên lập nên những chiến công vang dội.
Puih San hay còn gọi là A Sanh, người dân tộc Gia Rai, sinh ra và lớn lên tại làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Năm 1961, ông nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ vận tải trên tuyến hành lang bí mật. Kể từ đó, “con rái cá” Puih San không chỉ trung thành, gan dạ, mưu trí mà còn có “đôi bàn tay cứng như sắt” chèo đò đưa bộ đội, hàng hóa qua sông Pô Cô. Có những đêm Puih San và đồng đội chở hơn 30 chuyến đò, đưa hàng trăm lượt người cùng hàng hóa qua sông an toàn. Puih San-A Sanh trở thành hình tượng trong thi ca, cổ vũ bộ đội và nhân dân anh dũng chiến đấu trên mọi chiến trường.
    |
 |
Nhân chứng và lãnh đạo địa phương khảo sát bến đò |
Cựu chiến binh Rơ Châm Klơt ở làng Jăng Krăi (xã Ia Khai)-người từng chèo thuyền cùng với Puih San nhớ lại: “Việc chèo đò vận chuyển bộ đội, hàng hóa chủ yếu làm vào ban đêm, ban ngày phải giấu thuyền dưới nước để tránh địch phát hiện. Mùa mưa, nước sông Pô Cô chảy cuồn cuộn, địch đánh phá liên tục, đêm thì chúng thả pháo sáng, tung biệt kích, thám báo lùng sục tìm lực lượng của ta. Địch đánh bến này chúng tôi lại di dời đến bến khác, có đêm phải di chuyển bến vượt 4 đến 5 lần với quyết tâm đưa hết bộ đội, vũ khí và hàng hóa qua sông trước khi trời sáng”.
Giá trị lịch sử, văn hóa của bến đò A Sanh
Di tích lịch sử bến đò A Sanh tại làng Nú là một minh chứng sống động về lòng dũng cảm, mưu trí, hy sinh của quân và dân Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà Anh hùng LLVT nhân dân Puih San là tấm gương tiêu biểu. Phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị của bến đò A Sanh không chỉ là sự tri ân thế hệ đi trước mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Cựu chiến binh Lê Xuân Miện ở số nhà 21 (phố Nam Cao, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sau khi thăm lại bến đò xưa-nơi ông và đồng đội hằng đêm vượt qua mưa bom bão đạn chèo thuyền đưa bộ đội và vũ khí, hàng hóa qua sông Pô Cô xúc động nói: “Việc khôi phục lại bến đò A Sanh là hết sức cần thiết và ý nghĩa. Vì một thời gian nữa, những người lái đò huyền thoại trên dòng sông Pô Cô sẽ không còn ai, khi đó những bến đò oanh liệt một thời sẽ bị xóa nhòa. Nếu điều đó xảy ra thì thật đáng trách và đáng tiếc cho hậu thế”.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của Huyện ủy, UBND huyện Ia Grai và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai trong khôi phục, bảo tồn, đề nghị công nhận bến đò A Sanh là di tích lịch sử cấp tỉnh. Các cơ quan chức năng của huyện và sở đã tìm gặp nhân chứng, lập hồ sơ, tổ chức hội thảo chặt chẽ, nghiêm túc, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của bến đò A Sanh. UBND huyện Ia Grai cũng đã xây dựng Đề án quy hoạch các điểm du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, kêu gọi đầu tư vào 5 điểm du lịch: Khu du lịch sinh thái thác 9 tầng, Khu du lịch sinh thái lòng hồ Sê San 4, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thác Mơ, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé và Khu di tích lịch sử bến đò A Sanh với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 100 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ liên kết thành tua du lịch văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng để thu hút du khách đến với huyện Ia Grai-quê hương của Anh hùng Puih San.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN