Theo chân các cán bộ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên, chúng tôi vào khuôn viên nơi thờ bà Hoàng Thị Loan. Đi trên nền gạch tươi mát, bước qua hồ bán nguyệt, xung quanh là những tán cây xanh tươi tỏa bóng mát, căn nhà gỗ khang trang xây dựng theo lối kiến trúc cổ khiến ai cũng phải trầm trồ khen bàn tay thợ tài hoa.
Đón tiếp chúng tôi là ông Hoàng Nghĩa Hiệp, 67 tuổi, hậu nhân đời thứ 13 thuộc họ Hoàng ở thôn Vân Nội. Hơn 10 năm làm công tác trông nom, bảo vệ nhà thờ, cũng là ngần ấy thời gian ông Hiệp trở thành “hướng dẫn viên du lịch” cho các đoàn ghé thăm. Quyện trong khói hương bảng lảng, giọng ông Hiệp trầm ấm và rất đỗi tự hào giới thiệu: “Bà Hoàng Thị Loan (1868-1901), thân mẫu Bác Hồ, là con gái cả của cụ Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (Nghệ An). Theo gia phả họ Hoàng ở đây, cụ tổ của dòng họ Hoàng ở Nghệ An là Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587), người làng Vân Nội, xã Hồng Tiến, vốn là quan võ của nhà Lê. Năm 1557, cụ là quan Thái phó, đem quân vào Nghệ An dẹp quân nhà Mạc, sau đó cụ được phong chức Tổng binh và được giao trấn giữ Nghệ An”.
    |
 |
Ông Hoàng Nghĩa Hiệp (bên phải) giới thiệu chiếc khung cửi tại Đền thờ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: THÙY NGÂN. |
Giới thiệu với chúng tôi về chiếc khung cửi được phục dựng dựa trên nguyên mẫu đặt trang trọng tại vị trí trung tâm trưng bày của ngôi đền, ông Hiệp tự hào giới thiệu về người con gái của dòng tộc đã tảo tần, hy sinh tất cả cho chồng, cho con. Từ năm 1883 đến 1894, suốt 11 năm trong căn nhà tranh ba gian ở làng Hoàng Trù (Nghệ An), bà Hoàng Thị Loan một nắng hai sương lao động ngoài đồng ruộng, đêm đến lại miệt mài ngồi bên khung cửi dệt vải, ru con. Sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế học để dự kỳ thi Hội, bà Loan gửi người con gái Nguyễn Thị Thanh ở lại quê, rồi cùng hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung gồng gánh theo chồng vào Huế. Bà lại tiếp tục lấy nghề dệt vải để nuôi chồng đi thi, nuôi con khôn lớn. Tiếng thoi đưa dệt vải cùng những lời ru, những lời răn dạy đạo lý của bà chính là nguồn suối ngọt ngào nuôi dưỡng những người con ưu tú.
Tri ân người con của quê hương đã có công sinh thành, dưỡng dục vị lãnh tụ vĩ đại-Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ bà Hoàng Thị Loan tại quê nhà Hưng Yên được hoàn thành cuối năm 2005, xây dựng trên diện tích hơn 5.000m2. Kiến trúc đền thờ gồm phần đất nổi hơn 3.000m2 xây dựng nhà thờ 5 gian theo lối truyền thống bằng gỗ lim, lợp ngói. Chúng tôi khá bất ngờ vì tại đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật. Chính giữa đền thờ đặt đôi câu đối “Vạn lý sơn hà vọng cố hương” (Ở xa hàng vạn dặm, cách trở núi sông nhưng vẫn luôn nhớ đến quê cũ) và “Thiên thu phúc đức sinh minh thánh” (Nhờ có phúc đức từ ngàn năm nên đã sinh ra một vị minh thánh). Ngoài chiếc khung cửi như minh chứng công lao của bà Hoàng Thị Loan thì đền thờ cũng lưu lại rất nhiều hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 10 lần Người về thăm Hưng Yên. Ông Hiệp cho biết: “Sinh thời, Bác Hồ dành rất nhiều tình cảm cho quê hương Hưng Yên. Đặc biệt là ngày 16-9-1961, sau khi trao cờ “Làm thủy lợi khá nhất” cho tỉnh, Bác đã phát biểu: “Hưng Yên đã làm thủy lợi khá, vì vậy hôm nay Bác về thăm và chuyển đến đồng bào, bộ đội và cán bộ lời khen ngợi của Trung ương Đảng và Chính phủ... Mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Hưng Yên không ngừng cố gắng vượt mọi khó khăn... làm cho tỉnh nhà đứng vào hàng tỉnh khá nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”. Ngoài nhà thờ chính là các hạng mục công trình bao quanh như: Nhà đón khách, hệ thống sân vườn, cây cối, hồ sen hình bán nguyệt, cột cờ… tôn thêm vẻ đẹp cổ kính và tôn nghiêm của nhà thờ.
Bà Nguyễn Thị Cải, 56 tuổi, ở xã Hồng Tiến tâm sự: “Cứ đến mồng một, ngày rằm là tôi lại lên thắp nhang tưởng nhớ bà. Không chỉ tôi mà người dân quê tôi đều rất tự hào khi biết gốc tích của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Hiện nay họ Hoàng tại thôn Vân Nội có khoảng 50 hộ, đều có kinh tế khá, con cháu chăm ngoan, sống chuẩn mực, đạo đức”.
Việc khai thác, phát huy giá trị của di tích trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương. Ông Hiệp cho hay: “Từ ngày khánh thành nhà thờ đến nay, đã có hàng nghìn lượt khách từ Trung ương đến địa phương về dâng hương tưởng nhớ. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, rất đông học sinh, sinh viên các trường trong và ngoài tỉnh tổ chức về tham quan và học tập truyền thống”.
THỦY LÂM