Từ thành phố Thái Bình, theo Tỉnh lộ 223 qua những làng quê yên bình, những cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt đang thì con gái, chúng tôi đặt chân đến Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Phạm Văn Đát, người trông coi khu lưu niệm hồ hởi cho biết: Giữa lúc đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nhưng nghe tin Thái Bình sản xuất giỏi, Bác đã về thăm. Nhân dân thôn Đại Đồng vinh dự được đón Bác nghỉ lại đây vào đêm 31-12-1966. Đây là lần thứ 5, cũng là lần cuối cùng Bác về thăm “quê hương năm tấn”.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Văn Đát giới thiệu những hiện vật tại khu lưu niệm.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1986. Nơi đây ghi dấu những tình cảm thiêng liêng của Hồ Chủ tịch dành cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình lúc sinh thời. Khu lưu niệm được xây dựng làm ba phân khu công trình: Nhà trưng bày, khu nhà lá và khu nhà khách, trên tổng diện tích 2.700m2.

Những hình ảnh, hiện vật của 5 lần Bác về thăm Thái Bình được treo trang trọng trên tường, đặt trong những tủ kính tại nhà trưng bày. Chúng tôi ấn tượng khi thấy một con thuyền được trưng bày tại đây-con thuyền đã đưa Bác qua sông khi ca nô bị mắc cạn giữa dòng Trà Lý tối 31-12-1966 để sang huyện Thư Trì (Vũ Thư ngày nay). Càng xúc động hơn khi thấy bộ ấm chén, chiếc phích, cái gạt tàn thuốc lá..., những hiện vật Bác đã sử dụng trong đêm cuối năm ấy như vẫn còn hơi ấm của Người.

Từ khu nhà trưng bày xuống căn nhà lá 6 gian-nơi những năm 1966-1967 là khu nhà làm việc và sinh hoạt của cán bộ cơ quan Tỉnh ủy Thái Bình khi sơ tán về đây, chúng tôi nhẹ bước trên con đường lát gạch nâu thẫm. Không khí trong lành, hương hoa nhài, hoa đại... thơm ngát trong làn gió nhẹ. Ngắm nhìn chiếc bàn gỗ, giường gỗ đơn sơ, chiếc hầm bê tông tránh bom lặng im trong căn phòng nhỏ, chúng tôi như thấy phảng phất bóng hình của Bác đâu đây...

“Khi Bác về đến nơi đã hơn 20 giờ. Lần trở lại thăm Thái Bình này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhận thấy Bác đã yếu hơn trước nhiều. Ai cũng lo cho sức khỏe của Bác. Nhưng Bác nói chỉ cần nghỉ ngơi một chút cho lại sức. Khoảng 15 phút sau, các đồng chí phục vụ đã chuẩn bị cơm nước xong, Bác tươi cười mời mọi người cùng ăn cơm. Bác mời đồng chí Ngô Duy Đông-Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lê Thị Định cùng ngồi bên Bác. Mọi người đều ăn cơm nấu. Riêng Bác vẫn ăn cơm nắm-nắm cơm giản dị là “tiêu chuẩn” của Người khi đi công tác. Mặc dù đồng chí Định khẩn khoản mời, Bác vẫn không ăn cơm nấu. Bác nói: “Bác ăn cơm nắm quen rồi!”... Lời kể của ông Phạm Văn Đát khiến chúng tôi xúc động. Bác Hồ của chúng ta là vậy! Đây là ý thức chấp hành hết sức nghiêm túc nguyên tắc tài chính và cũng là tác phong vô cùng giản dị của Người. Đi đến đâu, về thăm tỉnh nào Bác cũng dặn không được đón tiếp rình rang, không cho phép bày vẽ ăn uống tốn kém. Chẳng thế mà có lần về thăm tỉnh nọ, lãnh đạo địa phương bày biện ăn uống linh đình, biết chuyện, Người nghiêm khắc phê bình: “Các chú làm thế này thì lần sau dân không ai mong Bác về nữa!”.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa ( Vũ Thư, Thái Bình). Ảnh: KHÁNH AN.

Đêm đó, Bác làm việc tới tận 1 giờ sáng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải mời Bác đi ngủ. Thế mà sáng hôm sau, Bác đã dậy rất sớm, xách đèn bão đi chúc Tết mọi người: “Năm mới, Bác chúc Tết các đồng chí!”. Chiếc đèn bão cùng chiếc mũ, đôi dép cao su Bác đi hiện vẫn được lưu giữ tại đây.

Ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa không giấu được tự hào khi kể về quê hương mình: “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhân dân trong tỉnh. Khi Bác về thăm, trò chuyện với nhân dân, Bác mong đồng chí, đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho “Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Thực hiện mong ước của Bác, ngay sau đó, Đảng bộ xã Tân Hòa đã phát động phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, toàn dân, ra sức lao động sản xuất, công tác, học tập đạt thành tích cao nhất. Tân Hòa đã giành thắng lợi toàn diện trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, chi viện cho miền Nam, cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

PHẠM THU THỦY