Căn nhà lá nhỏ đơn sơ. Cây râm bụt Bác trồng trải qua bao nhiêu năm tháng, dẫu thân cây gầy khẳng khiu vẫn trổ hoa. Cây bưởi Đoan Hùng dưới chân đồi Bác trồng vẫn tươi tốt, mùa mùa vẫn trĩu quả. Tỉn Keo là địa bàn hoạt động của Bác, mảnh đất này kín dấu chân Người.

Hướng dẫn viên của chúng tôi là chị Lý Thị Chiên, ngày ấy chị là Phó trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử, sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Chị nhìn chúng tôi, những người đồng môn, ai cũng trang nghiêm trong bộ quân phục nhưng có người mới lần đầu tiên đặt chân đến lán Tỉn Keo. Như đọc được ý nghĩ của những người mới đến lần đầu còn bỡ ngỡ trước một địa thế núi rừng hùng vĩ Bác đã chọn là nơi làm việc, chị đọc: Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/ Tiện đường sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo, kín mái/ Gần dân, không gần đường. Chỉ bằng mấy câu thơ khái quát tư tưởng chọn nơi làm việc của Bác, chúng tôi thêm một lần nữa nhận ra ở Người tầm nhìn của một vị lãnh tụ thiên tài, chính trị, quân sự song toàn.

leftcenterrightdel
 Cây phượng tím trên Đèo De, trồng ngày 10-5-2010.

Như bị hút theo lời hướng dẫn viên, Tỉn Keo hiện ra trước mắt chúng tôi, nguyên sơ nơi những ngày Bác và Bộ Chính trị chỉ đạo kháng chiến. Tỉn Keo bây giờ vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều hiện vật chứng kiến những thời khắc lịch sử. Nơi đây, ngày 6-12-1953, Bác Hồ đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tham mưu báo cáo quyết tâm tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Và cũng chính từ Tỉn Keo này, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một quyết định hết sức quan trọng mang tính lịch sử, một quyết định liên quan đến vận mệnh dân tộc.

Tôi lùi lại sau những bước chân của đồng đội. An toàn khu, Tỉn Keo… không phải là lần đầu tôi đến, mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này là mỗi lần cảm giác lâng lâng khó tả. Người hướng dẫn viên cho chúng tôi hôm ấy có dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, có giọng nói thuyết phục và đầy tự tin. Chị là người dân tộc Tày, tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hình như tôi có nhiều duyên may gặp chị. Ngày tôi còn công tác ở Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi thường xuyên lên thôn Khau Diều, xã Định Biên-nơi đặt Bia di tích địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, ở đâu có di tích, ở đâu di tích còn “ngủ quên”, chị thuộc như lòng bàn tay. Cũng từ ý tưởng của chị, chị đã hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi sưu tầm một bộ hồ sơ đầy ắp tư liệu lịch sử nơi đặt Nhà máy in và in số báo Quân đội nhân dân đầu tiên. Ngày 18-10-2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nơi ra số báo Quân đội nhân dân đầu tiên là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hôm nay đến ATK, di tích ấy đã trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ngày đón nhận Bằng Di tích lịch sử, bà con thôn Khau Diều tề tựu như ngày hội của chính mình. Thắp một nén hương trước bia tưởng niệm, lòng tôi rưng rưng. Một thế hệ đầu tiên của báo đã đi qua, đã ghi tên mình vào lịch sử báo chí, văn học, nghệ thuật của nước nhà. Đó là những Trần Cư, Lê Bách, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Trúc Kỳ, Mai Văn Hiến, Vũ Tú Nam, Dương Bích Liên… Đó là những liệt sĩ Trần Đăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm… Cảm ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng tờ báo những ngày còn trứng nước, chúng tôi đã quyên góp và vận động các nhà tài trợ xây dựng tại thôn Khau Diều một nhà văn hóa, một chiếc cầu bê tông bền vững nối liền các thôn của xã Định Biên. Ngày khánh thành chiếc cầu Vằng Chương, đồng chí Bí thư Huyện ủy Định Hóa nói rằng: “Cầu Vằng Chương là ước mơ bao đời nay của bà con xã Định Biên”.

Buổi sáng, trước giờ hẹn đến lán Tỉn Keo, chúng tôi hòa vào dòng người lên thắp hương Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De. Dòng người hôm ấy hầu hết từ phương Nam ra, già có, trẻ có. Tôi đỡ tay một cụ bà dò dẫm bước. Ở tuổi tám mươi, cụ Huỳnh Thị Út từng bước, từng bước, vậy mà đi lên 194 bậc không nghỉ chân. Từ Bến Tre ra, cụ bảo với tôi, có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng có thể là lần cuối cùng cụ đến với Bác Hồ ở ATK.

Đèo De bây giờ đã rợp bóng cây xanh mát. Mỗi cây xanh đều lưu dấu bàn tay người trồng. Ai đặt chân đến Đèo De cũng muốn trồng một cây quý, nhiều người trồng cây đã thành một rừng cây quý! Ngày Báo Quân đội nhân dân chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày ra số báo đầu tiên tại thôn Khau Diều (20-10-1950/20-10-2010), chúng tôi đã tìm được một cây phượng tím mang lên trồng góp vào rừng cây quanh khu nhà tưởng niệm Bác. Cây phượng tím chúng tôi trồng bén đất ATK lớn nhanh như thổi. Mới 4 năm, tán lá đã phủ kín một góc sườn đồi. Tôi cuốc nhát đầu tiên đặt cây phượng tím là ngày 10-5-2010, chỉ 5 tháng trước ngày truyền thống của Báo Quân đội nhân dân…

Tháng 4 về, tôi bỗng nhớ ATK đến nao lòng. Nhớ ATK, nhớ Tỉn Keo, nhớ những năm tháng đầy cam go của đất nước… Tỉn Keo nơi ấy, vâng lệnh Đảng, Bác Hồ, có một người lính đã đi ra mặt trận và làm nên “Điện Biên chấn động địa cầu”. Và bây giờ mỗi dịp hoa ban nở, đón chào kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù đi đâu, ở đâu, người người vẫn hướng về Vũng Chùa. Hôm nay trên con đường xuyên Việt, Vũng Chùa đã trở thành điểm hẹn. Cái giây phút đứng dưới lán Tỉn Keo, tôi thấy những Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm đang ôm ấp Vũng Chùa. Đất Mẹ đã sinh ra một vị tướng của nhân dân và bây giờ vị tướng của nhân dân đang đằm mình trong lời ru của đất Mẹ.

Bài và ảnh: Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG