Tiếc rằng, di tích này đang dần bị mai một và xuống cấp nghiêm trọng.
Đỏ mắt... tìm thành cổ
Sau khi hỏi thăm đường đến thành cổ và nhận được những cái lắc đầu không biết của nhiều người dân TP Nam Định, chúng tôi may mắn được ông Nguyễn Xuân Ngọc, 70 tuổi, một cựu chiến binh (CCB) tình nguyện đưa đi tìm lại dấu tích thành cổ. Hóa ra, thành cổ không nơi đâu xa mà nằm ngay giữa lòng thành phố. Nhưng thời gian, cuộc sống đô thị đã khiến di tích này đứng bên bờ hoang phế. Dấu tích còn lại duy nhất của thành cổ Nam Định giờ chỉ là đoạn tường thành dài khoảng 220m, chạy theo hướng đông-tây thuộc phường Cửa Bắc (TP Nam Định) nằm xen lẫn những căn nhà cao tầng kiên cố.
Bà Giang Thị Bưởi, 72 tuổi, khi được hỏi về thành cổ đã đưa chúng tôi băng qua căn bếp, ra sau hồi nhà mình. Bức tường thành hiện ra trước mắt chúng tôi với những vết loang lổ của gạch, vữa, xi măng lẫn trong cỏ dại và rêu phong. Nhấc đống củi khô và tấm fibro xi măng sang bên cạnh, chúng tôi phát hiện những viên gạch hình chữ nhật có khắc chữ Hán bên trong con dấu hình bầu dục (sau này, khi đến Bảo tàng tỉnh Nam Định, cũng thấy lưu giữ hình ảnh những viên gạch có ghi chữ giống như trên, được dịch là: “Cổ kính”, “Trung kính”, “Mã Tiền”...-PV). Bà Giang Thị Bưởi cho biết: “Tôi không rõ bức tường này có từ bao giờ. Chỉ biết năm 1969, lúc tôi chuyển về đây thì đã có rồi. Nhiều người trong làng trát xi măng, quét vôi ve, tận dụng làm tường nhà để ở. Theo thời gian tường thành xuống cấp nhiều. Có lần tôi và vài người dân trong làng phát hiện một hộ dân phá thành, chúng tôi lên phường báo cáo. Nhiều cơ quan về lập biên bản nhưng rồi vẫn thế”. Theo quan sát của chúng tôi, cách đó vài chục mét, một gia đình còn đục lỗ, treo cọc thép lên tường thành làm nhà tạm nuôi gia súc. Hay tại ngõ 2, khu quân nhân A, mặt thành đã bị phá hỏng. Toàn bộ bức tường thành dài 9,5m, cao khoảng 1,5m được một số hộ dân tận dụng xây bếp và công trình phụ, tường thành bị trát vữa phủ kín. Hầu hết đoạn tường thành còn lại trong khu vực phường Cửa Bắc đều bị xâm lấn.
|
|
Thành cổ Nam Định xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: THÙY NGÂN. |
Bà Phạm Thị Mận, 60 tuổi, một người dân sống trong di tích cho biết: “Chúng tôi thấy có nhiều đoàn về đo đạc, kiểm tra rồi hứa hẹn nhưng chờ mãi vẫn không thấy có dự án nào về bảo tồn hay phát huy di tích. Chúng tôi là người dân sống trong di tích, cũng rất mong muốn được chính quyền quan tâm, trùng tu, tôn tạo, tạo cơ hội cho khách trong và ngoài địa phương về tham quan, hiểu thêm giá trị lịch sử đất và con người thành Nam. Không nên để nhếch nhác như thế này”.
Đừng lãng quên di tích
Tại sao một công trình kiến trúc quân sự mang đậm giá trị lịch sử đang dần bị mai một nhưng lại chưa được quan tâm? Đó là câu hỏi khiến chúng tôi trăn trở khi chứng kiến thực trạng tại Di tích thành cổ Nam Định. Mang theo những tâm sự này, chúng tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh Nam Định. Trao đổi với lãnh đạo đơn vị, chúng tôi được biết, bảo tàng vừa tiến hành khảo sát thực trạng di tích thành cổ.
Theo những khảo cổ do Bảo tàng tỉnh Nam Định thực hiện và hiện vật còn được lưu giữ, thành cổ Nam Định được xây dưới thời vua Minh Mạng, theo kiến trúc vô băng, tường thành chạy theo đường gãy khúc, nhưng tổng thể có hình vuông, chu vi 830 trượng 7 thước 3 tấc (3.324m). Thành có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. Trên mỗi cửa thành có xây lầu, còn gọi là thú lâu. Phía ngoài cửa thành có xây một đoạn tường hình chữ V (gọi là Dương Mã thành), dài 5m, cao 3m. Tường thành cao từ 1,7m đến 3,35m; mặt rộng 1m-1,3m, chân thành rộng 4,5m. Tường thành được xây bằng gạch đỏ.
|
|
Thành Nam Định đầu thế kỷ 19. Ảnh tư liệu |
Thành cổ Nam Định là chứng tích của những trận chiến đấu ác liệt, quả cảm của quân, dân thành Nam chống thực dân Pháp xâm lược trong các năm 1873, 1883. Chúng tôi được nghe câu chuyện về bà Nguyễn Thị Trinh là con gái của quan Vệ úy coi kho lương thành Nam là Nguyễn Kế Hưng. Ngày 11-12-1873, khi quân Pháp đánh chiếm thành Nam Định, quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng mang binh lính đến giữ kỳ đài. Quân Pháp bao vây kỳ đài, bà Nguyễn Thị Trinh lúc đó mới ngoài 20 tuổi đã tổ chức một lực lượng ở lại trấn giữ kho lương rồi dẫn đầu một đội quân đến kỳ đài đánh giải vây cho quân ta. Nhiều tướng sĩ bảo vệ kỳ đài hy sinh, trong đó có bà Nguyễn Thị Trinh. Nhân dân thành Nam đã an táng bà và các tướng sĩ ngay tại khu vực kỳ đài. Vua Tự Đức xét công lao những người có công chống Pháp đã phong cho bà Nguyễn Thị Trinh là “Giám thương công chúa” (công chúa coi kho) và cho xây dựng miếu thờ ngay tại kỳ đài. Năm 1891, vua Thành Thái truy phong bà 4 chữ “Tiết, liệt, anh, phong”. Bà còn được nhân dân thành Nam tôn là Bà chúa Bản tỉnh hay Bà chúa cột cờ.
Trong số các hiện vật còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định còn có tấm bản đồ do tướng Pháp Henri Laurent Rivière vẽ ngày 27-3-1883. Tấm bản đồ hiển thị nhiều hạng mục quan trọng trong khu vực thành cổ Nam Định như dinh tổng đốc, kho bạc, kho lương, dinh án sát, nhà lao, chuồng voi ngựa và cột cờ. Điều này càng khẳng định thành Nam Định vừa là trung tâm hành chính của vùng, vừa là công trình quân sự kiên cố.
Bà Nguyễn Vân Anh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách đầu tư khôi phục và xây dựng các điểm di tích lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết nguồn kinh phí để bảo vệ, tôn tạo các di tích là từ ngân sách nhà nước nên rất eo hẹp. Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích nói chung và di tích lịch sử cách mạng kháng chiến nói riêng cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa để nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử cách mạng kháng chiến”.
PHẠM KIÊN