Theo thư tịch, bia ký và ghi chép của sử cũ, đất An Sinh xưa (nay thuộc Đông Triều) là quê gốc của nhà Trần, sau tổ tiên dời xuống vùng đất Long Hưng (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định) sinh sống. Do vậy, nhà Trần đã chọn vùng đất này để xây dựng lăng mộ cho các vị hoàng đế sau khi băng hà. Hệ thống lăng tẩm các vua Trần gồm 7 lăng: Lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị các vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, Thái Lăng là lăng vua Trần Anh Tông và hoàng hậu Thuận Thánh, Mục Lăng là lăng vua Trần Minh Tông, Ngải Sơn Lăng (hay An Lăng) của vua Trần Hiến Tông, Phụ Sơn Lăng của vua Trần Dụ Tông, Nguyên Lăng của vua Trần Nghệ Tông và Hy Lăng của vua Trần Duệ Tông. Đông Triều có một hệ thống chùa tháp dày đặc, phân bố rộng khắp từ vùng núi cao đến đồng bằng, 3 trong số các chùa tháp đó nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Chùa-am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.
Thông tin do ông Đỗ Thành Hưng, Phó trưởng ban quản lý Khu di tích nhà Trần cho biết, khu di tích hiện nay là một quần thể các điểm di tích, gồm khu lăng tẩm, chùa tháp, quán đạo... Trong đó, đền An Sinh nằm ở vị trí trung tâm của khu di tích và là nơi thờ các vua Trần. Đền An Sinh (thời Trần vốn là điện An Sinh) thuộc thôn Trại Lốc 1, xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Đền tọa lạc trên một quả đồi thấp, có non bình, thủy tụ. Đền được xây dựng năm 1381, ban đầu là nơi thờ các vị hoàng đế: Anh Tông, Minh Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và An Sinh vương Trần Liễu. Đến thời Lê, Nguyễn, đền An Sinh thờ An Sinh vương Trần Liễu và 8 vị tiên đế triều Trần. Để bảo tồn và phát huy di tích đền An Sinh, thị xã Đông Triều đã huy động nguồn lực xã hội hóa tổ chức tu bổ, tôn tạo lại di tích đền trên khu vực nền điện cũ, với cấu trúc hình chữ công.
Để thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ công lao và những đóng góp to lớn của vương triều Trần đối với lịch sử dân tộc, hằng năm, vào ngày 20-8 âm lịch, đền An Sinh khai hội. Lễ hội bao gồm hai phần: Phần lễ gồm lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức của các vị vua Trần tại đền và các lăng của vua Trần, tế lễ của nhân dân các xã xung quanh khu vực đền; phần hội gồm các mục diễn xướng văn hóa văn nghệ, kèm theo đó là các trò chơi dân gian như: Kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, đập niêu... Theo ông Nguyễn Văn Lợi, thủ từ đền An Sinh, lễ hội này diễn ra trong 3 ngày, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham dự, dâng hương tưởng niệm các vua Trần. Vào những ngày thường, Ban quản lý Khu di tích lịch sử nhà Trần thị xã Đông Triều thường xuyên phối hợp với ban giám hiệu các trường học trong và ngoài thị xã đưa học sinh đến tham quan và tìm hiểu lịch sử nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và góp phần quảng bá sâu rộng về giá trị lịch sử khu di tích.
Mới đây, đoàn giáo viên và 300 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã tới dâng hương tại đền. Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Động, chia sẻ: “Hằng năm, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa để giáo viên, phụ huynh và các em học sinh tham quan các khu di tích lịch sử tìm hiểu truyền thống của dân tộc. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi biết đến lịch sử và chọn đền An Sinh là điểm tham quan lần này. Buổi ngoại khóa đã diễn ra tốt đẹp, các em học sinh rất thích thú với những kiến thức lịch sử học được”.
Cách đền An Sinh khoảng 3km, Thái Miếu hay còn gọi là đền Thái được xây dựng trên một quả đồi thấp, thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Thái Miếu do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng. Năm 2014, chính quyền và nhân dân địa phương đã trùng tu, tôn tạo Thái Miếu trên diện tích 2,6ha, theo 3 khu vực: Khu vực Nghi Môn, khu vực bảo tồn Thái Miếu từ thời Trần và khu vực Thái Miếu mới. Công trình Thái Miếu mới được xây dựng ở phía sau khu trung tâm của Thái Miếu thời Trần, trên cùng một trục với Thái Miếu cũ, lấy núi Bảo Đài làm hậu chẩm, mặt hướng về cánh đồng phía nam, nơi vốn là vùng trũng nước, nay còn lại dấu vết hai mắt rồng là điểm hội thủy, tạo thế minh đường cho toàn bộ khu Thái Miếu. Đây là nơi thờ tự tổ tiên của nhà Trần, các vị vua Trần cùng với vương hầu thân thần và văn võ công thần nhà Trần. Lễ hội Thái Miếu được phục dựng, tổ chức lại lần đầu vào ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019 và được duy trì hằng năm.
Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg công nhận Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều là di tích Quốc gia đặc biệt.
DUY QUANG