Đã về hưu nhiều năm nhưng ông vẫn nặng lòng ưu tư về việc nước, việc dân, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp và đời sống nông dân. Trước thềm năm mới, cũng là dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2 và đất nước vừa đi qua chặng đường 30 năm đổi mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông “xé rào” Đoàn Duy Thành…

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Phóng viên (PV): Tết đến, người ta hay “ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, “ôn cố tri tân”. Thế hệ trẻ ngày nay sinh ra sau chiến tranh, sau thời bao cấp, để hiểu về một thời gian khó của cả dân tộc trong “đêm trước đổi mới” thì cũng khó mà thấu đáo được. Là người “trong cuộc”, lại là một cán bộ cấp cao của thời kỳ đó, nghĩ về bối cảnh đất nước 30 năm trước, ông nhớ nhất hình ảnh gì?

Ông Đoàn Duy Thành: Trước đổi mới dân đói lắm. Khi là lãnh đạo Hải Phòng, tôi vô cùng day dứt khi chứng kiến người nghèo đến đầy trước nơi làm việc của thành ủy, ủy ban để xin ăn. Có lần, tôi xuống xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy (nay thuộc quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) chứng kiến 3 cháu nhỏ nằm đói lả trên giường. Hỏi bí thư, chủ tịch xã sao lại để tình hình như thế thì các anh ấy trả lời quẩn quanh là vì ruộng đồng kém năng suất, rồi lại đổ cho nông dân bỏ ruộng, lười lao động… Tôi nói tài xế của mình về nhà lấy gạo, nấu cơm ngay cho bọn trẻ. Cán bộ xã sợ quá, vội xin lấy gạo kho hợp tác xã để cứu đói cho dân.

Đói là vậy nhưng trên các cánh đồng hợp tác xã, dân chống cuốc đứng nhìn trời, nhìn đất và nhìn nhau. Người ta không muốn làm nên năng suất lúa cứ đì đẹt. Nhiều nơi, công điểm xã viên một ngày không nổi ba lạng lúa, dân đói tràn lan…

PV: Trước tình hình đó, Hải Phòng đã đi tiên phong trong việc khoán hộ, giao ruộng cho nông dân, là cơ sở thực tiễn để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (Khoán 100) vào đầu năm 1981. Sau đó 7 năm, Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp (Khoán 10), tạo ra bước phát triển đột biến về năng suất, sản lượng nông sản. Có thể nói, cùng với Vĩnh Phúc thời kỳ trước đó, Hải Phòng là một trong những nơi đi đầu đưa chủ trương “khoán quản trong sản xuất nông nghiệp” được hiện thực hóa…

Ông Đoàn Duy Thành: Việc khoán hộ, giao ruộng cho nông dân, tôi cũng đã suy nghĩ từ lâu. Sau sự việc Vĩnh Phúc tổ chức mô hình khoán bị phê phán, tôi vẫn về tỉnh này gặp Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc để tìm hiểu. Cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, tình hình lương thực ở Hải Phòng cũng như cả nước vô cùng căng thẳng. Tôi rất băn khoăn là trên đồng ruộng vựa thóc, một năm hai vụ chiêm mùa, xen một vụ màu mà sao cứ đói triền miên. Ban đầu tôi nghĩ nếu có cày bừa máy vào làm, có giống mới… chắc năng suất sẽ tăng. Nhưng rồi cày bừa máy, khoa học kỹ thuật, giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu… được đầu tư mà năng suất vẫn đi xuống. Tôi lại nhớ hồi nhỏ, nhà tôi ở Hải Dương cày cấy bình thường cũng được 100kg/sào, vậy mà giờ đây không được nổi 40kg/sào. Nguyên nhân cốt tử nào ở đây?

leftcenterrightdel

Ông Đoàn Duy Thành. Ảnh: Duy Đông 

Tôi đến kiểm tra tất cả huyện ngoại thành. Một xã tiêu biểu như Phục Lễ của huyện Thủy Nguyên, họp hợp tác xã, xã viên thường xuyên đến đủ 100%, đánh một hồi trống họp đảng bộ là 100% đảng viên có mặt. Thế nhưng năng suất cũng thất thường, ngày công cũng không khá. Xã viên cũng chỉ làm nhanh cho xong công việc của hợp tác xã, còn công sức tập trung vào ruộng 5% và đi bắt tôm cá ngoài sông, biển hoặc đi buôn bán lặt vặt. Kinh tế hợp tác xã chỉ cung cấp 20% cho cuộc sống gia đình họ, bởi vậy họ phải bươn chải bên ngoài là chính. Nhiều xã khi đó thiếu đói trầm trọng…

Vậy thì, vấn đề mấu chốt ở đây là do khâu quản lý. Chỉ có thay đổi cách quản lý nông nghiệp thì mới có thể làm chuyển biến tình hình. Tôi đem vấn đề này bàn với Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và được ông Tạo đồng tình, ủng hộ. Hai cán bộ chủ chốt trao đổi nhiều lần và dự thảo nghị quyết về “khoán sản” trong nông nghiệp. Tuy nhiên, “khoán” vẫn là vấn đề “tối kỵ” khi đó. Thành ủy nhiều lần họp nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao. Bí thư Bùi Quang Tạo và tôi chủ trương cùng với công tác vận động để tạo sự đồng thuận trong nội bộ, phải cho một huyện ra nghị quyết trước, để lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó Thành ủy sẽ ra nghị quyết chính thức. Chúng tôi quyết định chọn huyện Đồ Sơn để làm trước. Huyện này ra nghị quyết được 32 ngày thì Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8-1980. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên “mảnh ruộng của mình”. Khi đi cơ sở vào ngày Ba Mươi, Mồng Một Tết, tôi vẫn còn thấy bà con lao động trên cánh đồng. Một điều trước đây chưa từng xảy ra. Năng suất vì thế cũng tăng cao, trước đây cả năm cũng chỉ được 3,5 đến 3,8 tấn thóc/ha; ngay trong năm khoán đầu tiên đã tăng lên 4,5 đến 5 tấn thóc/ha. Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Lương thực coi như đã tự túc được cho cả phi nông nghiệp. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì. Hàng trăm đoàn của Trung ương và các địa phương trong cả nước kéo nhau về Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Hải Phòng trở thành mô hình phát triển kinh tế năng động của cả nước…

Làm cán bộ, chớ nghiêng ngả với dư luận thị phi

PV: Chuyện “khoán” ngày đó, như ông nói là vấn đề “tối kỵ”. Dám tiên phong “xé rào”, phải chăng Hải Phòng cũng được cấp trên “bật đèn xanh”?

Ông Đoàn Duy Thành: Chúng tôi bàn trong lãnh đạo chủ chốt là ngoài việc làm công tác vận động để nội bộ đồng thuận hơn, điều rất quan trọng là phải tranh thủ sự đồng tình của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Tôi đến nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn và báo cáo suốt 3 giờ về thực trạng nông nghiệp, nông dân và chủ trương “khoán” của Hải Phòng. Tổng Bí thư nghe rất kỹ và đồng tình. Anh ấy còn bảo: “Cứ về làm, tôi sẽ về xem các đồng chí làm thế nào”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng coi như đồng ý rồi. Với Chủ tịch Trường Chinh, tôi cũng báo cáo hai, ba lần. Để có thực tế thuyết phục, tôi đã bố trí để anh xuống cơ sở, cung cấp các số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống nhân dân, công chức. Cuối cùng, khi xin ý kiến về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở Hải Phòng, anh đã đồng tình.

leftcenterrightdel
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành xuống thăm công trường đào kênh Cái Tráp, năm 1984. Ảnh chụp lại 
PV: Sau 30 năm đổi mới, nếu tính từ thời kỳ khởi đầu manh nha khoán nông nghiệp đầu thập niên 1980 ở Hải Phòng đến nay cũng đã hơn 35 năm. Ngẫm lại thì điều gì làm ông tâm đắc nhất?

Ông Đoàn Duy Thành: Suy cho cùng, mọi cuộc đổi thay, đổi mới nào cũng xuất phát từ chính nhân dân, do nhân dân thúc đẩy. Đây là lúc cần phải soi rọi lại tất cả, gặt hái những cái đúng, nhận diện trung thực những cái sai, để tránh giẫm chân vào vết cũ. Mọi khó khăn đều sẽ vượt qua, tương lai sẽ tốt đẹp hơn, nếu thật sự biết lắng nghe tiếng lòng của nhân dân. Hồi còn ở tù Côn Đảo, tôi đã nghiền ngẫm Khổng Tử trong Kinh Xuân Thu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên” (Nước lấy dân làm gốc, người dân lấy ăn làm trước). Sau này, các cuộc cách mạng phương Tây đã nêu cao khẩu hiệu hợp lòng dân: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh bình đẳng”. Từ hồi còn làm Chủ tịch, Bí thư ở Hải Phòng, rồi về Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tôi luôn được gọi (lẫn bị gọi) là “người xé rào” với lời khen tiếng chê đều đủ cả. Nhưng đã làm cán bộ mà sợ tiếng đời, nghiêng ngả với dư luận thị phi thì làm sao dám “đứng mũi chịu sào” với dân, với nước được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG TIẾN - ĐÔNG TRANG (thực hiện)