Những chiến công trên vùng đất võ

Đúng ngày kỷ niệm 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2-9-1965), Sư đoàn 3-Đoàn Sao Vàng được thành lập tại khu rừng Bà Bơi (nay thuộc xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định). Đây là sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 5, ra đời trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn quyết liệt nhất, trên địa bàn chiến lược trọng điểm.

Ngay sau khi thành lập, đơn vị đã đánh trận đầu tiên với Sư đoàn không vận số 1 của quân đội Mỹ tại vùng đất võ, khiến chúng kinh hồn bạt vía khi vừa đặt chân đến chiến trường Khu 5. Đại tá Nguyễn Văn Tích, nguyên cán bộ tuyên huấn Sư đoàn 3, hiện nay ở phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội hào hứng kể: “Trận đánh đầu tiên của đơn vị diễn ra ở thung lũng Thuận Ninh, khi đó tôi là chiến sĩ của sư đoàn. Ngày 18-9-1965, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 của Sư đoàn 3 đứng chân tại thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Hôm đó, Sư đoàn không vận số 1 Mỹ sử dụng lực lượng lớn cả về quân số và vũ khí trang bị hòng “hốt gọn” Tiểu đoàn 2.

Đúng 5 giờ 30 phút sáng, bầu trời Thuận Ninh lâm thâm mưa bụi, một máy bay trinh sát đã lượn lờ, nghiêng ngó, rồi bất ngờ thả đạn khói chỉ điểm. Một lúc sau, từng tốp máy bay phản lực địch kéo đến ào ào trút bom xuống thung lũng Thuận Ninh. Sau đợt giội bom khốc liệt là từng tốp máy bay lên thẳng nối đuôi nhau tới đổ quân xuống đây. Chớp thời cơ, quân ta nổ súng vào đội hình máy bay địch. Bị đánh phủ đầu choáng váng, bộ binh Mỹ dãn ra gọi máy bay phản lực tới ném bom. Cuộc chiến đấu kéo dài tới 21 giờ cùng ngày. Kết quả, trận Thuận Ninh, ta đã tiêu diệt 200 lính Mỹ, bắn rơi 11 máy bay, bắn hỏng hàng chục chiếc máy bay khác... Đây cũng là trận đầu tiên ra quân “quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ” của Đoàn Sao Vàng anh hùng...”.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 3 kiểm tra công tác chuẩn bị huấn luyện của Trung đoàn 12 (tháng 3-2023). Ảnh do đơn vị cung cấp 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đơn vị tiếp tục lập chiến công xuất sắc, đánh tan Lữ đoàn kỵ binh thiết giáp 173 của quân Mỹ ở Mỹ Trinh, Mỹ Lộc thuộc huyện Phù Mỹ (Bình Định), tiêu diệt gần 1.000 tên, bắn cháy và phá hủy gần 80 xe tăng, xe bọc thép, giáng một đòn thất bại nặng nề đối với Mỹ, ngụy. Chiến công nối tiếp chiến công, tháng 3-1975, Sư đoàn nhận nhiệm vụ đánh cắt Đường 19, góp phần vào chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời tiến công đập tan tuyến phòng thủ chiến lược Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn đảm nhiệm một hướng của Quân đoàn 2, tiến công giải phóng Bà Rịa và Vũng Tàu (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); cùng với Bộ đội Hải quân đưa hơn 5.000 chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...

Đại tá Nguyễn Công Khuê, Chính ủy Sư đoàn 3 xúc động cho hay: “Từ khi thành lập đến năm 1975, Sư đoàn trực tiếp và tham gia hơn 5.500 trận đánh, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, tiêu diệt và bắt sống hàng vạn tên địch, thu và phá hủy hàng nghìn tấn vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch. Ở vùng đất Bình Định nói riêng và những địa danh đơn vị đã tham gia chiến đấu, có thể nói từng thước đất, từng gốc cây, bờ tre, khóm dừa... đều thấm máu của hơn 2,2 vạn liệt sĩ và hơn 1 vạn thương binh, bệnh binh là cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Sao Vàng anh hùng. Toàn Sư đoàn có 19 tập thể, 17 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác”.

Tiên phong trong việc khó, hiểm nguy

Kể từ khi thành lập đến nay, Đoàn Sao Vàng luôn phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường; bám đất, bám dân; tự lực, tự cường; đoàn kết, chiến thắng”. Đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đồng thời tổ chức huấn luyện bám sát phương châm “cơ bản-thiết thực-vững chắc”, sát thực tế chiến đấu, địa hình và đối tượng tác chiến, chú trọng huấn luyện đánh đêm, đánh gần, đánh địch đổ bộ đường không, đánh địch ở đồng bằng, trung du và địa hình rừng núi. Sư đoàn còn tiên phong trong các nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, nguy hiểm. Điển hình là việc cán bộ, chiến sĩ đơn vị sẵn sàng lên đường vào nơi nguy hiểm để vận chuyển đồ ăn thức uống cho công dân cách ly phòng, chống dịch Covid-19, được thủ trưởng các cấp và lãnh đạo, chính quyền tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn biểu dương, khen thưởng.

 

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng), Quân khu 1 tại Lễ xuất quân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 (tháng 5-2021). Ảnh do đơn vị cung cấp  

Trung tá Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 3, người trực tiếp chỉ huy lực lượng bảo đảm hậu cần cho công dân cách ly nhớ lại: “Từ ngày 20-5 đến 19-7-2021, đơn vị đảm nhiệm cung cấp bữa ăn cho công dân cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 1-Bộ Quốc phòng tại Trường Sĩ quan Chính trị; Bệnh viện dã chiến số 2-Bộ Quốc phòng tại Trung đoàn 831, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang... Bình quân mỗi ngày 3 bữa, chúng tôi vận chuyển từ 3.000 đến 3.500 suất ăn tới các khu vực công dân cách ly. Để bảo đảm chuyển suất ăn từng bữa tới người dân, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần phải dậy sớm từ 3 giờ sáng để nấu cơm, chế biến thức ăn, ủ ấm các món ăn vừa bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa bảo đảm nghiêm ngặt quy định phòng dịch. Hằng ngày, tổ hậu cần cơ động có 5 cán bộ, chiến sĩ và 3 lái xe tới các địa điểm cách ly giao suất ăn đúng thời gian quy định, bảo đảm an toàn. Cùng với đó, đơn vị khai thác nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, ủng hộ 1.600kg rau, củ, quả các loại phục vụ nâng cao chất lượng bữa ăn cho công dân...”.   

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1 ủng hộ thực phẩm tới người dân tỉnh Bắc Giang (tháng 5-2021). Ảnh do đơn vị cung cấp

Nhắc tới những việc khó, nguy hiểm trong những năm gần đây, Thượng tá Đặng Minh Tuấn, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 3 cho biết: “Tháng 5-2022, trước tình hình mưa lũ, ngập úng, sạt lở đất, gây hậu quả nghiêm trọng ở thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, đơn vị đã nhanh chóng điều động gần 100 cán bộ, chiến sĩ lên đường tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; giải cứu thành công 8 người dân bị cô lập, mắc kẹt trên các nóc nhà và sơ tán 12 hộ gia đình bị cô lập trong mưa lũ đưa đến địa điểm an toàn... Gần đây, vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 26-2-2023, ở khu vực gần Kho K56, Cục Kỹ thuật, Quân khu 1, xảy ra cháy thực bì rừng. Nhận được tin báo và đề nghị của địa phương, Sư đoàn điều động 130 cán bộ, chiến sĩ, cùng 4 xe KAMAZ, một xe cứu thương và dụng cụ cứu hỏa đến chữa cháy, đồng thời vận chuyển, sơ tán vũ khí, đạn dược của Kho K56 đến khu an toàn...”.  

leftcenterrightdel
 Cán bộ Sư đoàn 3, Quân khu 1 kiểm tra chất lượng suất ăn phục vụ người dân cách ly ở các Bệnh viện dã chiến trong khu vực tỉnh Bắc Giang, tháng 5-2021. Ảnh do đơn vị cung cấp

“Từ năm 2021 đến nay, hưởng ứng Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và tham gia giúp đỡ chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội, Sư đoàn đã triển khai gần 1.400 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận trên địa bàn 26 xã của 6 huyện thuộc 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn; giúp nhân dân địa phương hơn 18.000 ngày công tu sửa, đổ bê tông 18km đường giao thông, vận chuyển gần 20.000m3 đất, đá, nạo vét 112km kênh mương... với tổng trị giá 3,5 tỷ đồng. Đồng thời, Sư đoàn thăm hỏi, tặng quà 132 lượt gia đình chính sách trên địa bàn đóng quân với số tiền gần 70 triệu đồng...”, Thượng tá Đặng Minh Tuấn cho biết thêm.

THÁI AN BÌNH