Tấm lòng của chuyên gia nước bạn
Đại tá Ngô Trung Đông, Chính ủy Lữ đoàn 490 đón chúng tôi tại khuôn viên khang trang của đơn vị. Anh cho biết, Lữ đoàn được thành lập tháng 5-1982, để đơn vị có được cảnh quan như hiện nay là quá trình nỗ lực vượt khó vươn lên vừa xây dựng, củng cố doanh trại vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tổ chức tiếp nhận, chuyển giao các trang bị kỹ thuật từ chuyên gia nước bạn.
Để tìm hiểu thêm về buổi đầu gian khó ấy, chúng tôi tìm gặp Đại tá Phùng Quốc Tuấn, nguyên Phó lữ đoàn trưởng về quân sự Lữ đoàn 490 hiện nghỉ hưu tại phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Là người có 30 năm gắn bó với Lữ đoàn nên Đại tá Phùng Quốc Tuấn có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Ông nhớ lại: “Ngày ấy, doanh trại đa phần là nhà cấp bốn. Đơn vị lại đóng quân ở vùng đất trũng nên cứ mưa là ngập. Nước chủ yếu lấy từ giếng khơi, nhưng có khi anh em đang tắm thì hết nước hoặc đục quá không thể dùng. Chúng tôi phải chờ đến đêm mới ra múc đưa vào bình, chờ lắng xuống để ngày mai đánh răng, rửa mặt. Gian khổ là vậy nhưng tinh thần luyện tập của anh em rất hăng say”.
Với tinh thần tích cực, khẩn trương, ham học hỏi cùng ý chí quyết tâm, tháng 6-1984, Lữ đoàn đã bước vào diễn tập có phóng tên lửa chiến đấu. Ngay “trận đầu ra quân” đó, 3 đại đội phóng của Lữ đoàn đã đạt kết quả loại giỏi là niềm khích lệ rất lớn với cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Theo ông Tuấn, kết quả đạt được ấy là do có sự giúp đỡ chí tình của những người bạn Liên Xô.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 490 và vũ khí, khí tài của đơn vị tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: QUANG QUÝ |
Đại tá Phùng Quốc Tuấn cho biết: “Vũ khí, trang bị kỹ thuật của đơn vị vốn được Liên Xô viện trợ cho ta và đơn vị được giao tiếp nhận, bảo quản từ tháng 9-1983. Ngay từ buổi đầu, chuyên gia bạn huấn luyện rất sát sao, bài bản. Với mỗi công đoạn, nếu mình chưa hiểu, bạn sẽ dạy đến khi nào hiểu rõ mới thôi. Khi bước vào giờ huấn luyện, bao giờ chuyên gia bạn cũng mở đầu bằng những quy tắc an toàn, những lỗi thông thường và trừ điểm rất nặng nếu bộ đội ta vi phạm. Với những lỗi lớn hơn có thể phải sinh hoạt kiểm điểm rút kinh nghiệm toàn đơn vị. Thế nên, bước vào giờ huấn luyện với khí tài là anh em bảo nhau phải tập trung cao độ để không phạm lỗi”.
Đại tá Phùng Quốc Tuấn vẫn không thể quên hình ảnh đồng chí Đại đội trưởng phóng Karacop hay sĩ quan dẫn hướng Andrei trong công việc rất nghiêm khắc, nhưng trong sinh hoạt lại rất vui vẻ, hài hước. “Dù khu nhà ở của chuyên gia tách riêng nhưng ngoài giờ là các bạn lại sang giao lưu văn hóa, thể thao với chiến sĩ ta. Karacop và Andrei đều rất thích chuối tiêu của ta nên chúng tôi cũng hay để dành mời bạn. Cuộc sống ngày ấy tuy kham khổ nhưng bạn không bao giờ nề hà mà luôn dành cho chúng tôi những tình cảm trân quý nhất”, Đại tá Phùng Quốc Tuấn chia sẻ.
“Trải qua quá trình phát triển, những người bạn Liên bang Nga (Liên Xô trước đây) vẫn luôn gắn bó và đồng hành với Lữ đoàn trong quá trình huấn luyện, tăng hạn tên lửa hay các nhiệm vụ khác”, Thượng tá Phạm Mạnh Thắng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 490 tiếp nối câu chuyện với chúng tôi. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh năm 1998 rồi về Lữ đoàn công tác, Thượng tá Phạm Mạnh Thắng đã có 26 năm gắn bó ở đây nên hai lần chuyên gia Nga sang hỗ trợ đơn vị trong các năm 2004 và 2010, anh đều được tham gia.
Sang giúp ta năm 2004 thì bạn thực hành, ta chỉ quan sát và ghi chép lại. Nhưng đến năm 2010 thì bạn là người quan sát và chúng ta làm tất cả công đoạn, từ thay mới đến nâng cấp các trang bị. Bạn quan sát và khi phát hiện những lỗi cần sửa thì rút kinh nghiệm ngay. Vẫn giữ tác phong làm việc nghiêm túc và tỉ mỉ, bạn đã truyền thụ cho cán bộ của đơn vị những kinh nghiệm rất hữu ích trong quá trình bảo quản vũ khí, trang bị và huấn luyện tên lửa.
Chủ động, sáng tạo trong nhiệm vụ
“Những năm qua, Lữ đoàn đã có nhiều đổi mới trong công tác huấn luyện. Bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, các cấp luôn coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính, khai thác sử dụng làm chủ tổ hợp phóng tên lửa”, Đại tá Ngô Trung Đông cho biết.
Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm, Lữ đoàn đều đạt khá, giỏi, diễn tập cuối năm đều đạt khá trở lên, kiểm tra, phúc tra công tác huấn luyện của Binh chủng và Bộ Quốc phòng đều đạt khá, giỏi. Hằng năm, Lữ đoàn có từ 8 đến 10 đại đội, 2 đến 3 tiểu đoàn và Lữ đoàn thường xuyên đạt “Đơn vị Pháo binh huấn luyện giỏi”.
Thượng tá Phạm Mạnh Thắng cho biết, một trong những “bí quyết” giành thành tích cao trong huấn huyện của đơn vị chính là cách “chuyên môn hóa” nhiệm vụ. Anh Thắng giải thích, với khí tài tên lửa thì khó nhất vẫn là công việc của sĩ quan phóng, bởi phải xử lý trong buồng phóng nhỏ, thao tác khó vì có rất nhiều nút bấm. Ví như chỉ một bài kiểm tra thiết bị điện tử phóng đã có đến hơn 200 thao tác và mất đến 6 tháng đào tạo. Do đó, Lữ đoàn đã chuyên nghiệp hóa đội ngũ này bằng cách lựa chọn các đồng chí là nhân viên chuyên môn kỹ thuật, lái xe còn trẻ để bồi dưỡng, huấn luyện làm sĩ quan phóng.
Trò chuyện với Đại úy QNCN Phạm Văn Thủy, sĩ quan phóng ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 490, chúng tôi hiểu thêm những điều anh Thắng chia sẻ. Vốn được đào tạo là nhân viên kế toán phần tử bắn, sau khi về Lữ đoàn công tác, năm 2010, Phạm Văn Thủy được đơn vị cử đi học thêm chuyên môn về tên lửa và sĩ quan phóng. Anh cho biết: “Đối với thao tác trên buồng phóng, có một quy tắc bất di bất dịch là không được phép sai, bởi sẽ liên quan đến tuổi thọ của khí tài. Với hàng trăm thao tác vừa khó nhớ, lại dễ nhầm lẫn nên sẽ gây mất bình tĩnh, căng thẳng trong xử lý. Vì thế, phải tập trung cao độ và thật chăm chỉ là cách để nắm được hết các yếu lĩnh trong động tác”.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 490 thực hành triển khai tổ hợp tên lửa. |
Nói thì đơn giản vậy nhưng với Phạm Văn Thủy là quá trình nỗ lực vươn lên, chứng tỏ năng lực và vượt qua chính mình. Phạm Văn Thủy cũng phải tự học thêm tiếng Anh, tiếng Nga để có thể làm chủ trang bị, khí tài. Vốn không phải là người có lợi thế về ngoại ngữ, tiếng Nga lại rất khó nhớ các ký tự, anh tìm cách học theo bảng chữ cái rồi viết ra tên tiếng Việt để dễ thuộc. Có thời gian, đi đâu anh cũng cầm theo cuốn sổ tay để ghi nhớ các ký tự trên buồng phóng. Đến nay, sau gần 15 năm, anh đã trở thành một “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình khi ghi nhớ hàng trăm nút bấm cũng như thao tác trên buồng phóng. Giờ đây, anh lại tiếp tục trao truyền kinh nghiệm của mình cho những sĩ quan trẻ ở đơn vị trong các giờ huấn luyện tại buồng phóng.
“Quan điểm của chúng tôi là để người có kinh nghiệm truyền thụ cho người chưa có kinh nghiệm, lớp trước truyền thụ cho lớp sau. Huấn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, huấn luyện sâu theo chuyên ngành... là những giải pháp để đơn vị chúng tôi liên tục đạt đơn vị huấn luyện giỏi”, Đại tá Ngô Trung Đông nhấn mạnh.
KHÁNH AN