Đi qua Truông Vên (Quỳnh Lưu, Nghệ An) để đến Lữ đoàn Pháo binh 16, trong lòng tôi bồi hồi những cảm xúc. 25 năm trước, năm 1999, tôi đã đến thực tế ở Lữ đoàn Pháo binh 16, còn gọi là Đoàn Pháo binh Thuận An. Tên của Lữ đoàn gắn liền với chiến công trong trận tập kích hỏa lực ở cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) tháng 3-1975. Trận này, Trung đoàn Pháo binh 16 (năm 1991 phát triển thành Lữ đoàn Pháo binh 16) sử dụng 32 khẩu pháo các loại, từ pháo 85mm đến pháo 152mm, bắn chìm 2 tàu chiến, phá hủy, làm tê liệt 7 khẩu pháo tự hành 175mm, hàng chục xe tăng, xe bọc thép và loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch.

Nếu tính từ khi thành lập Trung đoàn Pháo binh 16, ngày 13-4-1966, đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung đoàn đã đánh 155 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 5.800 tên địch, phá hủy 13 sở chỉ huy, hơn 350 máy bay, tàu chiến, xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới, pháo và hàng vạn tấn bom đạn, phương tiện chiến tranh khác của địch. Sau năm 1975, Trung đoàn Pháo binh 16 được điều động về đội hình Quân khu 4 và đứng chân ở vùng đất xứ Nghệ. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, năm 2005, Trung đoàn Pháo binh 16 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

leftcenterrightdel

 Đại tá Nguyễn Bá Thủy. Ảnh: HƯƠNG THU

Trở lại câu chuyện lần đầu đến Lữ đoàn Pháo binh 16, tôi được chỉ huy Lữ đoàn giới thiệu về Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 có thành tích xuất sắc, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Đại đội pháo binh huấn luyện giỏi”. Đại đội trưởng Đại đội 2 khi đó là Đại úy Nguyễn Bá Thủy. Anh trúng tuyển vào học Trường Sĩ quan Pháo binh năm 1987. Tốt nghiệp sĩ quan năm 1990, anh được phân công về Lữ đoàn Pháo binh 16, giữ chức Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, sau đó được bổ nhiệm Đại đội trưởng Đại đội 2.

Sau này, tôi còn gặp lại Nguyễn Bá Thủy trong các hội thao, hội thi cấp Quân khu và toàn quân, do Binh chủng Pháo binh tổ chức. Gần nhất là cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (TB-1) năm 2021, khi đó, Thượng tá Nguyễn Bá Thủy, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 16 được giao chỉ huy lực lượng hành quân cơ động với đội hình hơn 20 xe pháo, vượt quãng đường gần 1.000 cây số để tham gia diễn tập. Kết quả bắn của Lữ đoàn Pháo binh 16 được Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) và Binh chủng Pháo binh đánh giá rất cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối... 

Gặp lại Đại tá Nguyễn Bá Thủy khi anh là Lữ đoàn trưởng, tôi kể lại những kỷ niệm ấy. Anh nắm tay tôi thật chặt như đã thân quen từ lâu. Anh thổ lộ: “25 năm từ ngày nhà báo về đơn vị đến nay, Lữ đoàn đã thay đổi và phát triển vượt bậc. Ngày xưa là nhà tạm, đời sống sinh hoạt của bộ đội khó khăn, thiếu thốn, nay doanh trại của Lữ đoàn được xây dựng cơ bản, khang trang; cảnh quan, môi trường của đơn vị xanh, sạch, đẹp nhờ công sức bộ đội. Lữ đoàn duy trì nghiêm các chế độ công tác, hằng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đạt tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi” cấp toàn quân. Những năm gần đây, tham gia các hội thi, hội thao cấp toàn quân, quân khu, Lữ đoàn luôn giành giải cao, như: Hội thi sĩ quan pháo binh giỏi toàn quân giành giải nhì; giải nhất Hội thi bắn đạn thật cấp Quân khu 4; giải nhì toàn đoàn Hội thao thể dục-thể thao do Quân khu 4 tổ chức”...

leftcenterrightdel
 Đại tá Nguyễn Bá Thủy (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra Đài chỉ huy bắn của Lữ đoàn Pháo binh 16 trong diễn tập. Ảnh: VIÊT ANH

Những thành tích và sự phát triển, trưởng thành của Lữ đoàn Pháo binh 16 có sự đóng góp tích cực của Đại tá Nguyễn Bá Thủy. Anh không chỉ có hơn 30 năm gắn bó với Lữ đoàn mà còn là người duy nhất giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng của 3 tiểu đoàn trong tổng số 4 tiểu đoàn trực thuộc Lữ đoàn; hơn 6 năm giữ cương vị Phó tham mưu trưởng phụ trách huấn luyện của Lữ đoàn. “Là cán bộ chủ trì đơn vị và cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nên tôi thường xuyên được giao trực tiếp phụ trách, làm trưởng đoàn và tham gia các cuộc diễn tập, bắn đạn thật, hội thi, hội thao và phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy rừng trên địa bàn... Những công việc như thế rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi phải xác định tốt nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm và nỗ lực phấn đấu rất cao. Khi ở cương vị Tiểu đoàn trưởng, ngoài nắm vững chuyên môn, có biện pháp quản lý, chỉ huy đơn vị, tôi còn phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn và làm gương cho cấp dưới. Làm thủ trưởng cơ quan, một mặt phải nắm vững thực tế, tình hình đơn vị, tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; mặt khác phải quan tâm công tác kiểm tra, xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nội bộ đoàn kết, thống nhất”, Đại tá Nguyễn Bá Thủy cho biết.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Bá Thủy (thứ hai, từ phải sang) trao xe đạp tặng học sinh nghèo, học giỏi xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ảnh: VIỆT ANH

Trưởng thành từ đơn vị cơ sở, sâu sát bộ đội nên Đại tá Nguyễn Bá Thủy có nhiều kỷ niệm và kinh nghiệm trong công tác. Năm 2008, anh phụ trách lực lượng của Lữ đoàn tham gia kiểm tra bắn mục tiêu di động trên biển cho các đơn vị toàn quân tham quan ở vùng biển hai huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu (Nghệ An). Anh trực tiếp xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, bảo đảm chất lượng bắn đạt cao nhất, an toàn tuyệt đối. Năm 2010, anh chỉ huy lực lượng của Lữ đoàn tham gia cùng với các lực lượng trên địa bàn chữa cháy rừng ở Quỳnh Lưu.

Tháng 10-2022, trên cương vị Lữ đoàn trưởng, anh trực tiếp chỉ huy lực lượng của Lữ đoàn tham gia phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai. Anh thức trắng đêm cùng bộ đội và nhân dân chống sạt lở, cứu đập Đình Du ở xóm 4, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu). Đây là địa phương người dân chủ yếu theo đạo Thiên Chúa, bộ đội Lữ đoàn đã tạo được hình ảnh cao đẹp trước nhân dân. “Qua các hoạt động từ thực tiễn, tôi đã đúc rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức đơn vị huấn luyện sát thực tế, địa bàn, địa hình tác chiến; chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng cho bộ đội trong chiến đấu, xử lý các tình huống, nhất là trong huấn luyện, diễn tập, bắn đạn thật, hành quân cơ động, dã ngoại... Tôi quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ huấn luyện cho cán bộ các cấp; tổ chức huấn luyện theo chức vụ từ cấp tiểu đội, khẩu đội đến cấp tiểu đoàn; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo các trạng thái, địa hình, hành quân dã ngoại, hành quân xa, cơ động vũ khí, khí tài; làm tốt công tác bảo đảm mọi mặt cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn thực sự thực tế, kiểm tra hằng năm và định kỳ theo chế độ, kế hoạch chuyên ngành pháo binh, Lữ đoàn đều đạt cao, được Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 công nhận “Đơn vị huấn luyện giỏi” và có khả năng chiến đấu cao. 3 năm liên tục (2020-2023), Lữ đoàn được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và Quân khu 4; từ năm 2020 đến 2023, tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua”, Đại tá Nguyễn Bá Thủy cho biết.

- Đoàn Pháo binh Thuận An là đơn vị có truyền thống hào hùng, lập nhiều chiến công, vậy công tác giáo dục truyền thống của Lữ đoàn có những mô hình hoạt động và hiệu quả thế nào? tôi hỏi.

Đại tá Nguyễn Bá Thủy trả lời:

- Khi tôi công tác ở các đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn, tôi tích cực học tập, tham gia giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho bộ đội. Chúng tôi tổ chức cho bộ đội tham quan Nhà truyền thống, Bảo tàng Quân khu 4, các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn. Chúng tôi còn mời các cựu chiến binh của Lữ đoàn, nhất là các nhân chứng đã tham gia những trận tập kích cửa biển Thuận An, trận đánh căn cứ Tân Mỹ, trận đánh tàu địch trên sông Hương (Thừa Thiên Huế) để nói chuyện truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ trẻ; vận dụng những kinh nghiệm chiến đấu vào huấn luyện. Chúng tôi xây dựng và nhân rộng mô hình “3 cần, 2 tận dụng” (đó là: Cần kiệm trong chi tiêu ngân sách, kinh phí; cần kiệm trong sử dụng cơ sở vật chất, tài sản của đơn vị; cần kiệm trong chi tiêu sinh hoạt cá nhân; tận dụng nguyên vật liệu, vật tư công tác không để lãng phí; tận dụng thời gian làm việc, công tác) trong toàn Lữ đoàn. Từ mô hình trên, các đơn vị thuộc Lữ đoàn đã xây dựng được các sa bàn, đắp các mô hình trận địa Chiến dịch Điện Biên Phủ; Chiến dịch Hồ Chí Minh; những địa danh như Lũng Lô, Truông Bồn, Thuận An... Nhờ đó đã tạo cảm hứng tốt cho bộ đội học tập, huấn luyện, yêu mến đơn vị. Chúng tôi còn phát động phong trào sáng tạo trong cán bộ, chiến sĩ, làm các mô hình, đồ dùng huấn luyện, trong đó có nhiều mô hình phục vụ học tập chính trị, giáo dục truyền thống. Nhiều mô hình, sáng kiến đoạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, như: Mô hình trinh sát phát hiện mục tiêu ban đêm ứng dụng cho bộ đội pháo binh, do tôi là tác giả, được giải khuyến khích Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2002.

Đại tá Nguyễn Bá Thủy quê ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Anh xây dựng gia đình năm 1998 với chị Trần Thị Cường, nhân viên kế toán Trường Tiểu học xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu. “Tuy nhà riêng của tôi không cách xa đơn vị, nhưng tôi thường xuyên ở lại trực, bám nắm đơn vị, hai tuần mới về nhà tranh thủ. Mình gương mẫu chấp hành thì mới quản lý và giáo dục được bộ đội chấp hành nghiêm chế độ, quy định của Quân đội và đơn vị”, anh Thủy nói.

NGUYỄN CAO DƯƠNG AN