Mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Trọng Tiến, Phó chính ủy Sư đoàn 363 cho biết: “Ngày 11-7-1965, một tốp 4 chiếc máy bay F-104 xâm phạm vùng trời TP Hải Phòng, bay về phía trận địa Đại đội 114 (nay là Đại đội 171, Trung đoàn 240), đơn vị đã bắn rơi một chiếc F-104 ở ngoài khơi Đồ Sơn. Đó là chiến công đánh dấu sự nỗ lực vượt bậc của Sư đoàn kể từ khi thành lập ngày 19-5-1965...”.
Trong câu chuyện, Đại tá Nguyễn Trọng Tiến tâm đắc về những nét độc đáo của các đơn vị thuộc Sư đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là ngày 17-9-1967, tại trận địa Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh, Quảng Trị), kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 (nay thuộc Sư đoàn 363) đã bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên trên chiến trường miền Bắc. Chiến công này đã khẳng định, chúng ta có khả năng đánh thắng các cuộc tập kích đường không bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 của địch. Trung đoàn 238 đã lập nên huyền thoại một thời “vào hang bắt cọp” để chiến đấu, nghiên cứu cách đánh và đúc rút kinh nghiệm, góp phần xây dựng nên tài liệu cách đánh B-52-“cẩm nang bìa đỏ”. Đến tháng 9-1972, Quân chủng PK-KQ chính thức xây dựng được phương án đánh máy bay B-52. Trên cơ sở tài liệu này, ngày 31-10-1972, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức hội nghị cán bộ để thảo luận, thông qua “Cách đánh B-52” của bộ đội tên lửa, sau đó tổ chức huấn luyện cho các kíp chiến đấu...
Theo giới thiệu của đơn vị, chúng tôi tới thăm gia đình Đại tá Đoàn Mạnh Dũng, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363, hiện trú tại phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Ông Dũng kể: “Tháng 5-1972, tôi trên cương vị là Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 238 chỉ huy bộ đội chiến đấu ở phía Nam TP Hải Phòng. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các loại nhiễu và thủ đoạn gây nhiễu của địch không chỉ làm biến dạng tín hiệu của máy bay khi phản xạ dội về màn sóng radar của ta; làm mất khả năng xác định mục tiêu, đội hình bay, số lượng mục tiêu trên màn hiện sóng; làm rối loạn thị giác, lóa mắt, gây căng thẳng cho các trắc thủ mà còn tạo những tín hiệu giả mục tiêu, tạo mục tiêu ảo để ngụy trang, nghi binh, che giấu đội hình máy bay thật. Tôi trực tiếp xuống các tiểu đoàn giúp bộ đội cách phân biệt máy bay thật và máy bay giả; xác định dải nhiễu thật, dải nhiễu giả, phần tử mục tiêu, thời cơ phóng đạn khi có tín hiệu mục tiêu...”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/12/13/phamthuthuy/kipchiendautieudoan66 trungdoanrada295thuchanhnoidungdoinguchienthuattronghoithaokcdtieudoancolchugadoquanchungtochucnam2022236530116pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 66, Trung đoàn Radar 295, Sư đoàn 363 triển khai khí tài, năm 2022. Ảnh: Hữu Nghị
|
Sư đoàn 363 còn có đơn vị đầu tiên và duy nhất của Quân chủng PK-KQ sử dụng pháo phòng không 100mm bắn rơi máy bay B-52 trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 tại Hải Phòng. Đại tá Nguyễn Trọng Tiến tự hào kể: “Đó là Đại đội 174, Trung đoàn 252, lúc 22 giờ 34 phút ngày 26-12-1972, tại trận địa xóm Bắc (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đại đội đã sử dụng pháo 100mm bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ. Cũng trong đội hình sư đoàn hiện nay, Trạm radar 45, Trung đoàn 295 được tiếp nối truyền thống Đại đội Radar 45, Trung đoàn 291 trước đây, đơn vị đầu tiên phát hiện máy bay B-52 bay ra đánh phá Hà Nội tối 18-12-1972 và kịp thời báo cáo cấp trên, qua đó giúp Quân chủng PK-KQ chuyển cấp chiến đấu sớm. Đặc biệt, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 (Sư đoàn 363) tại trận địa Đại Chu (Yên Phong, Bắc Ninh) đêm 27-12-1972 đã bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 khi chưa kịp cắt bom gây tội ác trên bầu trời Hà Nội. Xác chiếc B-52 này rơi xuống hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Hà Nội)”...
Để tiếp nối truyền thống, theo Đại tá Nguyễn Trọng Tiến, thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục lịch sử truyền thống, coi trọng phát huy nhân tố con người; tích cực, chủ động trong nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cấp, nâng cao độ tin cậy, làm chủ vũ khí, khí tài mới, hiện đại; bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, sát đối tượng, cách đánh của Bộ đội PK-KQ trong điều kiện tác chiến mới, lấy huấn luyện kíp chiến đấu là trọng tâm, huấn luyện cán bộ là then chốt; quyết tâm xây dựng Sư đoàn “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới...
THÁI PHÚC BÌNH