Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Mỹ sinh năm 1954, quê ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1966, Trương Thị Mỹ sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động tổ chức đoàn Chim Việt (thuộc Tỉnh đoàn Cà Mau). Năm 13 tuổi, Chín Mỹ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Năm 1969, Chín Mỹ nhập ngũ vào Đội Vận tải thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9. Mỗi tuần một chuyến, cô dùng ghe hai lườn trọng tải hai tấn ngụy trang, cất giấu tài liệu, tiền, vũ khí từ các bến của Đoàn tàu không số để phân phối về các đơn vị...
Những chuyến đầu tiên Chín Mỹ đi với cậu ruột cho quen địa bàn sông nước và vị trí các đồn, bốt của địch. Khi đến nơi, đơn vị sắp xếp cho chỗ nghỉ rồi lên hàng nhưng cô không biết vận chuyển gì. Mấy chuyến sau lén trốn cậu đi xem thử, từ đó cô mới biết mình chở vũ khí cho bộ đội. Khi đã quen việc, tổ chức phân công cô cùng vài đồng đội đi nhận hàng, nhưng để tiện bề hoạt động, không bị lộ, Chín Mỹ tìm cách thuyết phục má (bà Nguyễn Thị Thuyền) và em trai út cùng tham gia với mình. Vậy là 3 mẹ con lênh đênh sông nước vận chuyển vũ khí cho cách mạng với vỏ bọc là thương lái thu mua nông sản để bán kiếm lời. Lúc đầu, cấp trên sắp xếp cho cô sử dụng ghe hai tấn, vận chuyển được một thời gian đã quen việc nên cô xin đổi ghe lớn hơn. Chín Mỹ nói với cấp trên bằng sự quyết tâm: “Đã chở hàng thì ghe nhỏ cũng chết, ghe lớn cũng chết nên tôi xin được đi ghe lớn để chở nhiều vũ khí hơn. Mỗi chuyến đi là hành trình khó khăn, nhưng đồng chí, đồng đội tôi còn thiếu thốn đủ thứ”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/11/11/phamthuthuy/1tai40541002pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Mỹ.
|
Từ một cô gái nhút nhát, Chín Mỹ dần trở nên bản lĩnh, lanh lợi khi đối mặt với kẻ thù để có những chuyến đi an toàn. Cô Mỹ kể: “Có lần tôi nhận vũ khí ở bến Rạch Giá (Kiên Giang), ghe đang di chuyển thì địch cho tàu cập mạn để kiểm tra. Biết ý đồ của chúng chỉ muốn “kiếm ăn”, tôi đưa một ít tiền và mấy túi trái cây. Thế nhưng do tàu của chúng lớn nên khi cập mạn đã làm bình dầu phụ rớt xuống sông. Tôi nói: “Các ông làm hỏng máy ở đây đâu có phụ tùng mà thay, hay là nhờ các ông kéo ghe tôi đến chỗ sửa”. Không ngờ chúng đồng ý ngay và kéo ghe đi chừng 20km mới có chỗ sửa. Vừa đi mà tim tôi cứ đập thình thịch, bởi trên ghe đang có hàng tấn vũ khí, lỡ chúng phát hiện thì coi như xong”.
Từ năm 1972 đến 1973, Mỹ-ngụy cho quân khóa chặt biên giới Việt Nam-Campuchia nhằm chặn đường tiếp tế từ ngoài vào trong nước cũng như ngăn chặn lực lượng của ta xây dựng căn cứ ở nước bạn. Vì vậy, việc vận chuyển tiền, lương thực lên cho lực lượng của ta trên hướng biên giới vô cùng khó khăn. Cô Mỹ kể: “Có lần tôi vận chuyển tiền lên biên giới Campuchia, tàu chiến, máy bay địch lùng sục gắt gao, ghe đậu chờ suốt 3 ngày đêm mà các anh không qua lấy được. Hễ địch thấy đám lục bình nào trôi trên sông là xả súng vì chúng nghi ta ngụy trang phục kích. Tôi bàn với má chỉ còn cách bơi qua sông mới có thể đem thùng tiền cho các anh được, như vậy mới phần nào giảm bớt khó khăn của đơn vị. Má nghe đến đây thì khóc bởi lo con gái có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Tôi liền động viên: “Má yên tâm, con bơi rất giỏi”. Tôi vừa xuống nước, má liền dùng sào đẩy tôi ra xa để bơi thật nhanh qua bờ bên kia. Vậy là tôi đội lục bình, bơi qua kênh Vĩnh Tế (An Giang) thành công trong đêm tối. Khi đến bờ bên kia phải đi thêm chừng 10km nữa mới đến đơn vị. Nhìn thấy tôi, các anh ở đơn vị kinh ngạc nói: “Trời ơi, con Chín Mỹ nó gan!”. Mặc dù tôi biết là nguy hiểm nhưng ở đơn vị đang thiếu tiền mua lương thực nên mình quyết tâm làm”.
Lái ghe ở sông nước miền Tây là chuyện thường ngày của cô Chín Mỹ, nhưng không phải lúc nào việc nhận hàng cũng được thuận lợi. Có lần cô làm chuyện chưa ai làm, đó là lái ghe ra biển Rạch Giá (Kiên Giang) để nhận hàng, trong khi chiếc ghe được thiết kế chỉ đi trong sông. “Chuyến đi đó, bến tập kết hàng bị lộ nên phải đổi địa điểm, tình huống cấp bách nên tôi phải quyết định nhanh chóng cho kịp nhận hàng. Lần đầu chạy ghe ra biển, tôi hồi hộp lắm, sóng to gió lớn, kinh nghiệm đi biển thì chưa có. Nhận hàng xong cũng là lúc thủy triều xuống, ghe mắc cạn gần một ngày mới đi được, rất may địch không phát hiện”, cô Mỹ cho biết.
Suốt hành trình 6 năm vận chuyển hàng (1969-1975), cô Chín Mỹ thuộc nằm lòng các con sông, rạch ở miền Tây. Cô không nhớ hết mình đã chạy bao nhiêu cây số đường sông, qua bao nhiêu đồn, bốt giặc. May mắn chưa bị địch bắt lần nào nhưng ranh giới giữa sự sống và cái chết thì trong gang tấc. Cô Mỹ cho biết: “Đâu phải mình chạy ghe đến bến là nhận hàng được ngay mà phải đậu ở đó rồi theo ký tín hiệu để nhận dạng bến và đồng đội mình. Đến tối dùng sào chống ghe tiếp cận bến, không thể sử dụng máy vì địch sẽ phát hiện, mà nhận hàng ở biên giới thì phải chống ghe nước ngược rất cực khổ nhưng mình luôn cố gắng hết sức vì nhiệm vụ tổ chức giao”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/11/11/phamthuthuy/_dsc038483894835am.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Mỹ họp mặt đồng đội. |
Năm 1972, Chín Mỹ vinh dự được kết nạp Đảng khi vừa tròn 18 tuổi. “Lúc đó, ghe của tôi đang chở vũ khí xuống Miệt Thứ (Kiên Giang). Các anh trang trí, treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng rồi tổ chức kết nạp Đảng ngay trên ghe. Tôi rất hãnh diện và đó là kỷ niệm không bao giờ quên”, cô Mỹ kể.
Ấn tượng sâu sắc và cũng là chuyến vận chuyển cuối cùng của cô Mỹ là vào tháng 4-1975, khi cô nhận lệnh chuyển gấp một khẩu pháo từ Ba Đình (Rạch Giá, Kiên Giang) về Cồn Tân Quy (Vĩnh Long) để chuẩn bị cho giải phóng Cần Thơ vào ngày 30-4-1975. Cô Mỹ kể: “Không khí lúc đó sục sôi dữ lắm. Bên mình thì ráo riết để giải phóng; địch thì tăng cường xét hỏi, tuần tra khắp nơi. Cấp trên cho biết, nếu địch ngoan cố không đầu hàng thì khẩu pháo đó sẽ chi viện cho các đơn vị đánh địch. Sau một hồi tính toán, tôi chuyển khóm qua ghe để ngụy trang và đi đường vòng nhằm tránh bị phát hiện. Khi chuyển khẩu pháo đến đúng địa điểm cũng là lúc trời sáng. Tôi cho ghe đậu ở bến Ninh Kiều thì thấy tụi lính ngụy bỏ quần áo, tư trang đầy đường, lúc đó trong lòng cảm thấy vui sướng vì quân ta đã chiến thắng”.
Suốt quá trình hoạt động cách mạng, cô Mỹ không nhớ hết đã vận chuyển bao nhiêu hàng cũng như bao lần cận kề cái chết. Ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc của nữ chiến sĩ vận tải Trương Thị Mỹ, ngày 1-1-1976, cô được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, cô ứng cử đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang và trở thành nữ đại biểu trẻ nhất của Quốc hội khóa VI. Năm 1982, cô Chín Mỹ chuyển ngành từ Cục Hậu cần Quân khu 9 sang làm cán bộ Phòng Công tác chính trị, Công an TP Cần Thơ đến năm 2009 thì nghỉ hưu.
Bài và ảnh: HỮU TÀI