Thiếu tướng Võ Văn Thời (1922-2012) quê ở huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), bắt đầu hoạt động cách mạng tại Hóc Môn-Bà Điểm trong Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, được kết nạp Đảng năm 1945. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 23-9-1945, Nam Bộ bước vào kháng chiến. Tháng 10-1945, chàng trai Võ Văn Thời nhập ngũ, tham gia chiến đấu. Tháng 6-1952, ông được cử làm Phó trưởng ban Quân báo miền Đông Nam Bộ. Năm 1954, Võ Văn Thời tập kết ra Bắc. Sau đó, ông làm Chính ủy Trung đoàn 658, Sư đoàn 338. Tháng 7-1959, ông được thủ trưởng Tổng cục Chính trị điều động về Hà Nội bổ nhiệm chức Phó cục trưởng Cục Địch vận. Tháng 10-1960, ông được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Địch vận kiêm Vụ trưởng Vụ Binh vận, Ban Thống nhất Trung ương.
Nhớ về ông, các cán bộ binh-địch vận lão thành đều nhắc đến một người thủ trưởng năng nổ, nhạy bén, sâu sát, tận tụy trong công việc, tận tình, chu đáo với đồng chí, đồng đội. Chúng tôi đã nhiều lần gặp ông tại các cuộc hội thảo và nhà riêng để nghe kể về những nhiệm vụ, chiến công thầm lặng của công tác binh-địch vận.
Về công tác binh-địch vận thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Thiếu tướng Võ Văn Thời kể: “Từ Nghị quyết Trung ương 15, khóa II của Đảng và Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 31-1-1961 đều xác định: Phải nắm vững công tác binh-địch vận, coi công tác binh-địch vận là một cuộc vận động cách mạng của quần chúng. Vì vậy, nhiệm vụ của Cục Địch vận rất nặng nề, làm sao phải tham mưu đúng để Trung ương chỉ đạo trúng những vấn đề chiến lược, sách lược trong công tác binh-địch vận ở miền Nam. Công tác binh-địch vận có vị trí, ý nghĩa rất đặc biệt, đó là nghiên cứu địch, tuyên truyền vận động binh sĩ địch và công tác tù hàng binh”.
|
|
Thiếu tướng Võ Văn Thời (năm 2001). Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
|
Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu địch, ngay sau Hiệp định Geneva năm 1954, Cục Địch vận đã lựa chọn, đưa 53 cán bộ có kinh nghiệm địch vận trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc “tập kết ngược” vào miền Nam. Họ cùng cán bộ nằm vùng ở các địa phương bám nắm tình hình, chỉ đạo công tác, xây dựng cơ sở nội tuyến trong lòng địch. Cục trưởng Võ Văn Thời cũng không ít lần trực tiếp vào chiến trường. “Nếu không vào trong đó thì dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không hiểu hết được tình hình. Ví dụ, tại sao lại đề ra sách lược coi “gia đình binh sĩ ngụy là gia đình đau khổ”, đề ra khẩu hiệu “súng Mỹ, lòng ta”... để từ đó rút ra điều cốt tử “Thực chất của công tác binh-địch vận là công tác dân vận”. Trong thực tế, nhân dân miền Nam có hàng triệu gia đình chịu cảnh ly tán, éo le như cha anh đi kháng chiến, theo cách mạng, con em lại cầm súng chống lại cách mạng. Vì vậy, công tác binh-địch vận không chỉ diễn ra trong chiến đấu trên chiến trường, mà còn diễn ra ngay trong từng gia đình binh sĩ ngụy...”, Thiếu tướng Võ Văn Thời kể lại.
Từ thực tế đó, Cục Địch vận đã nghiên cứu, nắm lai lịch nhiều sĩ quan ngụy từ cấp thiếu tá trở lên và điều động, bố trí cán bộ ta là thân nhân của họ tìm cách tiếp xúc, vận động họ làm nhân mối, cơ sở cho ta. Trong số này, có đồng chí Dương Thành Nhật, là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức tiểu đoàn trưởng, được cử vào Sài Gòn tiếp xúc, vận động anh ruột là Đại tướng Dương Văn Minh. Sau này, khi lên làm Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, ông Dương Văn Minh đã có những hành động thức thời, hạ lệnh cho ngụy quân Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, hạn chế đổ máu cho cả hai bên. Các cán bộ binh vận từ miền Bắc trở về đã vào ở hẳn trong nhà nhiều người thân là sĩ quan cao cấp như Cao Văn Viên, Lâm Văn Phát, Đỗ Kiến Nhiễu, Trần Thiện Khiêm... để tác động.
Trong quá trình hoạt động trong lòng địch, kể cả việc chui vào hàng ngũ địch để “luồn sâu, leo cao”, xây dựng cơ sở nội tuyến binh-địch vận, 3 cán bộ của Cục Địch vận là liệt sĩ Trần Bá, Trung tá Nguyễn Trọng Tâm và Thiếu tá Hoàng Thị Nghị đã được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, cũng có hàng chục cán bộ của Cục Địch vận hy sinh, nhiều đồng chí bị địch bắt, tra tấn, giam cầm và thủ tiêu tại các nhà tù khét tiếng của chúng. Trên các chiến trường, công tác địch vận trong tác chiến được bộ đội ta vận dụng hiệu quả. Điển hình là trận bao vây, bức hàng Trung đoàn 56 ngụy tại điểm cao 241 Tân Lâm, Quảng Trị, khiến Trung đoàn trưởng Phạm Văn Đính và Trung đoàn phó Vĩnh Phong dẫn cả trung đoàn ra hàng. Hai ông Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong sau này khi nghỉ hưu được phong quân hàm Thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
|
Tác giả nghe Thiếu tướng Võ Văn Thời kể chuyện (năm 2001). Ảnh: BÙI DÂN
|
Khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, Cục Địch vận đã cử nhiều cán bộ thành thạo ngoại ngữ vào chiến trường... Họ tình nguyện xung phong vào chiến trường để nghiên cứu và xây dựng chương trình phát thanh Mỹ vận, Triều vận (Hàn Quốc) trên hệ thống Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng. Trong các chương trình này, nổi bật có phát thanh viên Thu Hương, tên thật là Trịnh Thị Ngọ, có giọng đọc tiếng Anh chuẩn xác, ngọt ngào, được lính Mỹ rất ưa thích và gọi là “Hanoi Hannah”. Sức thuyết phục của các chương trình phát thanh Mỹ vận với giọng đọc Thu Hương mạnh đến mức tờ báo “Sao và Vạch” của quân đội Mỹ phải nhiều lần viết bài khuyên binh sĩ Mỹ “đừng nghe con mụ phù thủy Hannah”.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, Cục Địch vận tiếp tục nghiên cứu công tác binh-địch vận thông qua tiếp xúc công khai với binh lính địch ở các khu vực tiếp giáp. “Trong một lần vào chiến trường, tôi đã trực tiếp gặp một thiếu tá ngụy tại điểm chốt ở Quảng Trị. Khi biết tôi cùng quê, viên thiếu tá này bớt nghi ngại và chịu đối thoại. Nhân đó, tôi trao đổi những vấn đề của Hiệp định Paris, tinh thần hòa hợp dân tộc, không dùng vũ lực lấn chiếm đất đai của hai bên... Viên thiếu tá không phản ứng gì, nhưng có lẽ anh ta nhận thức được tình thế của quân ngụy lúc đó và tỏ ra ôn hòa, cởi mở hơn”, Thiếu tướng Võ Văn Thời nhớ lại.
Đối với công tác tù hàng binh, Thiếu tướng Võ Văn Thời cho biết thêm: “Cục Địch vận có nhiều kinh nghiệm quản lý, khai thác, sử dụng tù hàng binh trong kháng chiến chống Pháp, nên bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những kinh nghiệm đó được vận dụng thực hiện nhuần nhuyễn. Từ năm 1954 đến 1975, Cục Địch vận đã tham mưu cho cấp trên nhiều chính sách quan trọng đối với tù hàng binh, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý, khai thác, phóng thích, trao trả hàng trăm tù binh Mỹ và chư hầu, hàng nghìn tù hàng binh ngụy. Đặc biệt, sau giải phóng miền Nam, Cục Địch vận phối hợp với các địa phương, đơn vị vận động hàng triệu ngụy quân ra trình diện, tổ chức phân loại và xử lý phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng...”.
Ông Lê Đình Vũ (Sáu Vũ), nguyên Trưởng ban Binh vận T4 (khu Sài Gòn-Gia Định) xúc động kể: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nhiều cán bộ Cục Địch vận “tập kết ngược”. Do điều kiện hoạt động bí mật, không thể công khai chuyện đang hoạt động trong lòng địch, nên nhiều gia đình cán bộ bị địa phương kỳ thị, phân biệt đối xử do hiểu lầm. Đích thân anh Hai Thời nhiều lần phải trực tiếp đi gặp lãnh đạo địa phương để “gỡ rối” và động viên gia đình cán bộ. Chính Thiếu tướng Võ Văn Thời và Cục Địch vận đã giúp đỡ, đưa Thủy, vợ tôi từ Hải Dương vượt Vĩ tuyến 17 vào Sài Gòn đoàn tụ và hoạt động với chồng!”...
Đại tá BÙI THUẬN HÓA, Nguyên Trưởng phòng Dân vận, Cục Dân vận