Trong chiến dịch hè thu năm 1952, bộ đội chủ lực Liên khu 5 giải phóng vùng Gò Nổi (Quảng Nam). Một buổi chiều, Lưu Trùng Dương*, cán bộ Đội công tác văn nghệ Liên khu 5 được đồng chí Bùi San, Chính ủy mặt trận, mời lên gặp. Sau khi bắt tay chào hỏi, đồng chí Chính ủy nói:

- Anh Dương ơi, không hiểu anh nghĩ sao chứ tôi thấy tuy mình giành được chiến thắng nhưng xót xa lắm. Bộ đội ta nổ súng bắn vào lính ngụy, nhưng đều là người Việt Nam mình cả. Anh thấy đó, thỉnh thoảng mới có vài tên Pháp.

Câu nói của vị Chính ủy mặt trận cũng là nỗi day dứt của Lưu Trùng Dương. Thấy anh suy nghĩ, Chính ủy nói tiếp:

- Ta nên dùng văn thơ làm địch vận, làm như cha ông ta đã từng làm để thức tỉnh những người lầm lạc, kéo họ về với ta để bớt đổ máu người Việt.

Đêm ấy, trong một túp lều nhỏ ven sông Thu Bồn, Lưu Trùng Dương thức suốt đêm để... làm thơ. Khi trời hửng sáng, bài thơ “Mấy lời tâm huyết gửi người lính ngụy” cũng hoàn thành. Lưu Trùng Dương chuyển ngay bài thơ cho Chính ủy Bùi San xem. Đọc xong, Chính ủy gật đầu khen: “Tốt, đưa đi in ngay!”.

Bài thơ được in trên đá li-tô ngay tại mặt trận, được phổ biến rất nhanh khắp chiến trường Trung Bộ và Tây Nguyên. Bộ đội vùng giáp ranh, dân quân du kích vùng tranh chấp dùng bài thơ để hò, hát theo các làn điệu dân ca Trung Bộ, trích một số câu viết lên tường, lên mẹt dựng bên đường, treo lên cành cây để kêu gọi lính ngụy trở về với gia đình, quê hương. Bài thơ được in đi, in lại nhiều lần. Nhiều lính ngụy nhắn tin cho du kích xin bài thơ để làm “Thẻ tùy thân”.

Du kích dân tộc H’rê trên Tây Nguyên dịch bài thơ ra tiếng dân tộc mình để gửi cho con em. Trong một trận đánh, chỉ sau vài loạt đạn của bộ đội ta, cả tiểu đoàn quân ngụy đã ra hàng. Khi cán bộ địch vận hỏi: “Vì sao các anh ra hàng nhanh vậy?”. Một tên lính mở túi áo đưa ra tờ giấy nhỏ có in bài thơ “Mấy lời tâm huyết gửi người lính ngụy”, nói: “Thưa! Chúng tôi yên tâm vì khi ra trình diện, nó sẽ là “thẻ tùy thân” làm chứng cho bụng dạ chúng tôi”. Mùa xuân 1954, vào giải phóng thị xã Kon Tum, bộ đội ta thu được bản dịch ra tiếng Pháp bài thơ này kèm theo đó là chỉ thị của Bộ chỉ huy quân Pháp nghiêm cấm việc lưu hành tài liệu tuyên truyền này của Việt Minh.

Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các chiến sĩ địch vận đã thay hai chữ “giặc Pháp” bằng hai chữ “giặc Mỹ” trong bài thơ “Mấy lời tâm huyết gửi người lính ngụy” tiếp tục dùng nó làm vũ khí để đánh giặc. Bài thơ thường xuất hiện trên sóng của đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều lính ngụy đêm đêm đã mở ra-đi-ô để “nghe lén” bài thơ này.

* Lưu Trùng Dương, nhà thơ, tên thật là Lưu Quang Lũy, sinh năm 1930, tác giả của các tác phẩm đáng chú ý như: “Những người đáng yêu nhất”, “Tình nguyện”, “Trên đỉnh núi Thành ta hát”, “Thơ tặng người cầm súng”...

Nguyễn Đình Phượng