Nhìn dáng người to khỏe, nước da trắng và nụ cười hiền hậu lúc nào cũng xuất hiện trên môi của ông, không mấy người có thể biết ông đang mang trên mình vết thương chiến tranh cùng nhiều căn bệnh hành hạ cơ thể mỗi ngày. Ông bảo, chính công việc, niềm vui được gặp đồng đội và những kỷ niệm hơn 7 năm chiến đấu ở Trường Sơn là một phần động lực khiến tôi vượt qua tất cả.
Trò chuyện với chúng tôi, ông kể nhiều kỷ niệm của thời thanh niên sôi nổi nơi tuyến lửa, nhưng nhớ nhất là lần chạm trán thám báo địch ở đèo Bù Lạch hồi giữa năm 1969. Ngày ấy, Trung đoàn 4 được lệnh tiếp quản cụm trọng điểm liên hoàn Cô Tiên, dốc Con Mèo, sân bay A Sầu, A Lưới, ngầm A Vương đến đèo Bù Lạch. Đại đội 3, Tiểu đoàn 47 của Bùi Hòa Bình chịu trách nhiệm bảo đảm giao thông tại đèo Bù Lạch. Đây là con đèo dài khoảng 2km với 6 khúc cua rất nguy hiểm. Hơn nữa, dưới chân đèo là suối A Vương nước chảy xiết. Bùi Hòa Bình nằm trong đội phá bom gồm 20 người được giao nhiệm vụ phá, dọn bom, bảo đảm an toàn để đơn vị mở đường cho xe vượt tuyến. Suốt nhiều ngày đêm, họ chỉ ăn lương khô, uống nước suối, ngủ trong những căn hầm công sự dựng tạm và luôn trong tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/10/12/kienthai/37.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Cựu chiến binh Bùi Hòa Bình tại lễ trao giải cuộc thi Tỏa sáng Trường Sơn, tháng 5-2019.
|
“15 giờ hôm đó, tôi cùng Thỏa, người dân tộc Tày ở Hạ Lang, Cao Bằng, một trinh sát tuyến nhanh nhẹn, gan dạ và có nhiều cách phá bom độc đáo, lợi dụng trời có sương mù để nhập tuyến sớm. Từ đỉnh đèo vượt qua cua 6, chúng tôi thấy ở cua 5 có bóng người đang đi lên. Tôi và Thỏa không ai bảo ai đều mở chốt an toàn của khẩu AK được biên chế. Khi vượt qua đoạn gấp khúc thì hai người phía dưới cũng phát hiện ra chúng tôi. Lúc này hai bên chỉ cách nhau chừng 10m. Hai người kia cũng mặc quần áo Tô Châu, vai mang ba lô nhẹ và đeo khẩu súng AK nòng chúc xuống đất. Vì phát hiện trước nên tôi chủ động hỏi họ ở đơn vị nào và tình huống phía dưới. Trong khi người trước mặt trả lời, tôi để ý thấy người phía sau đang từ từ nâng nòng súng lên. Một ý nghĩ cảnh giác thoáng qua, vì cách đây mấy hôm cũng có vụ thám báo địch giả dạng bộ đội, đã bất ngờ nổ súng vào đội hình của ta khiến một số đồng chí thương vong. Không chần chừ, tôi nghiêng người thật nhanh thu hẹp khoảng cách, cũng là để khẩu AK của mình thẳng hướng mục tiêu và xiết cò. Gần chục viên đạn thành một vệt găm thẳng vào tên đứng trước. Hắn chết ngay lập tức. Tên đứng sau cũng hứng trọn 2 viên vào cánh tay đeo súng. Khẩu súng chưa kịp nâng lên đúng tầm đã văng sang vệ đường. Rất nhanh chóng, Thỏa cũng lao đến khống chế tên bị thương rồi kéo hắn vào hầm phòng không gần đó. Còn tôi lập tức làm động tác xóa dấu vết và nhanh chóng chạy vào hầm. Vừa vào đến hầm cũng là lúc máy bay địch tới quần lượn. Chúng thả nhiều loạt bom khiến bầu trời Bù Lạch đen đặc khói, đất đá đổ ầm ầm...”-ông Bình kể.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/10/12/kienthai/37 2.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Cựu chiến binh Bùi Hòa Bình (thứ hai, từ phải sang) cùng các đồng đội Trường Sơn, tháng 5-2019. Ảnh: HẢI YẾN
|
Thoát chết trong gang tấc, ở trong hầm, hai người tranh thủ khai thác tên bị thương. Hắn nói giọng Huế và cho biết tên kia là một tên chiêu hồi từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bọn chúng định bắn ông Bình và Thỏa như tốp thám báo trước đó đã làm ở dốc Con Mèo rồi gọi trực thăng đến chi viện, chẳng ngờ ý định không thành. Diễn biến tình huống trên và những lời khai của tên thám báo, hai người đều báo cáo đầy đủ cho cấp trên để kịp thời thông báo cho toàn tuyến đề cao cảnh giác với các thủ đoạn của kẻ thù...
Kết thúc chiến tranh, ông Thỏa về xây dựng quê hương, còn ông Bình lên Yên Bái lập nghiệp. Mỗi dịp gặp mặt đồng đội, họ lại cùng nhau kể lại kỷ niệm lần thoát chết ngoạn mục đó. Với cựu chiến binh Bùi Hòa Bình, ông còn trải qua nhiều tình huống nguy hiểm khác và đều thoát nạn. Chính vì may mắn ấy mà sau này trở về với đời thường, ông rất tích cực tham gia công tác xã hội để tri ân những đồng đội đã ngã xuống. Cựu chiến binh Bùi Hòa Bình là người có công đầu trong quá trình vận động thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh (Hội Trường Sơn) tỉnh Yên Bái và liên tục được bầu làm chủ tịch hội cho đến khi qua đời vào tháng 7-2019. Nhắc đến ông, nhiều người vẫn không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối. “Đồng chí Bùi Hòa Bình là một cán bộ “miệng nói, tay làm”. Bằng phương pháp tiếp cận, vận động thuyết phục khôn khéo và chân tình, đồng chí đã tập hợp được đông đảo hội viên, tạo được uy tín với lãnh đạo các cấp tỉnh Yên Bái. Nối tiếp những kết quả do đồng chí tạo dựng cho đến nay, Hội Trường Sơn tỉnh Yên Bái là một trong những hội được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi”-bà Nguyễn Thị Yến, nguyên Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Yên Bái cho biết.
HƯỚNG NAM