Lần thứ nhất
Cuối năm 1972, đơn vị chúng tôi rời xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) để vượt Trường Sơn. Bốn ngày đi trong mưa. Mưa Trường Sơn cứ ri rỉ không ngớt. Ba lô nặng trịch càng trĩu xuống vì mệt mỏi. Quần áo ẩm xì xì. Đoàn quân trùm áo mưa cúi rạp người lên dốc. Đứng trên đỉnh núi, quay lại nhìn trong cái dáng trời thum thủm màu mắm tôm, đội hình trông như một đàn gà tây. Ngày thứ tư đi từ 5 giờ sáng tới 5 giờ chiều chưa được nghỉ vì không có chỗ trú quân. Uể oải, lo lắng. Thỉnh thoảng, tôi ngửa mặt liếm những giọt nước mưa chảy tràn vào khóe miệng. Trời gần tối, đang lên dốc, cán bộ bảo sắp tới chỗ nghỉ. Ai cũng thấy khỏe hẳn lên. Cả hàng quân râm ran trò chuyện. Bỗng có tiếng cười lanh lảnh ngay trên đầu dốc. Trong mưa rì rầm, tiếng cười trong veo hệt như tiếng cười trên cánh đồng làng mùa gặt cong eo những thôn nữ quê tôi. Chúng tôi ngước lên. Một cô gái. Một thím bộ đội ôm một chú khỉ con ngồi vẫy vẫy đoàn quân.
- Em ơi…
- Thím bộ đội ơi…
- Đồng chí ơi… Đồng chí gì ấy… ơi!
Tiếng gọi ùa vào nhau, tiếng cười ríu vào nhau. Bỗng chốc cái mệt đi đâu hết. Anh nào cũng cố gọi to hơn. Cô gái ngồi dưới mưa nhìn đoàn quân và chỉ cười, chỉ vẫy, vẫy rối rít, cười líu ríu. Cô ướt run lên mà vẫn long lanh mắt. Trời xâm xẩm, chỉ có mắt cô và nụ cười thì vẫn sáng. Chúng tôi rẽ vào một khu rừng tan hoang bom B-52 mới đánh. Đó là một khu vực kho hậu cần lớn của quân ta. Vương vãi đây đó những gạo mốc, nhà đổ, súng đạn văng đầy rừng, nồi niêu méo mó và áo quần mắc lủng lẳng trên cành cây.
|
|
Nụ cười Trường Sơn. Ảnh: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. |
Đêm ấy, chúng tôi ngủ lại đây. Chập chờn. Phấp phỏng. Mệt nhọc. Chính trị viên bảo, đơn vị trông kho có một tiểu đội nữ mới hy sinh mất năm người, còn lại có ba, chưa có bổ sung. Chúng tôi nặng nề qua một đêm râm rỉ mưa, tâm hồn người lính chưa giáp trận lung mung khó tả. Sáng hôm sau hành quân sớm. Ở chỗ ngã ba rẽ ra đường chính lại có ba nữ bộ đội ngồi chờ sẵn. Ba khuôn mặt thẫn thờ nhìn chúng tôi đi về phía trước. Qua chỗ các em ngồi, chúng tôi ai cũng xốc lại ba lô gọn gàng, vươn thẳng người lên chào. Có anh còn bỏ mũ ra vẫy lại. Những người con gái ngồi đấy với nụ cười méo mó để chia tay. Suốt cuộc hành quân hôm ấy, chúng tôi cứ nói chuyện với nhau về họ, về nước da xanh tái xám ngoét của họ mà chúng tôi chưa từng được nhìn thấy khi còn ở miền Bắc.
Lần thứ hai
Hơn một tháng sau, chúng tôi đến một trạm giao liên. Ở trạm này rẽ trái là đi về mạn Quảng Nam. Gần đó có một bệnh viện dã chiến. Chiều rồi nhưng nắng còn vương vãi trên tán lá rừng. Có tiếng hú từ phía trước truyền lại. Tiếng hú lan đến chỗ tôi. Tôi cũng hú, rồi người đằng sau hú tiếp. “Hú… Hú...”. Cứ “u... u” mãi. Ai cũng hiểu phía trước có con gái. Đội hình chộn rộn, bước chân đang trĩu xuống bỗng thẳng lên. Mấy chú anh nuôi lấy lá rừng phủ lên cái nồi đen nhẻm. Chả ai bảo ai, quân dung bỗng nhiên tươi tỉnh. Phải hai mươi phút sau, chúng tôi mới gặp đoàn người đi ngược lại. Chưng hửng vì chỉ thấy có hai người đàn ông mặc đồ dân sự và một cái cáng. Nhưng kìa, trên cáng là một cô gái trẻ mặc áo bà ba đen, tóc thật đen và mượt buông trùm ra mép võng. Hai giao liên khiêng võng đi thật nhẹ nhàng. Khuôn mặt người con gái đẹp làm sao. Cô cười tươi như hoa. Chào anh… Chào mấy anh…
Phía trước, tôi thấy anh em dừng lại bám vào mép võng, rồi kêu... “Trời ơi… Trời ơi...”. Tôi tiến lên, cái võng rúm như chỉ còn một nửa. Khuôn mặt như trăng rằm. Hai giao liên cũng vui. Cô gái lại cất tiếng… Các anh đi nờ...
Đến lượt tôi… Trời ơi! Bây giờ thì tôi nhìn rõ, người con gái cụt cả hai tay. Hai chân thì chỉ còn đến gối. Đoàn quân thì vẫn đi, tay tôi vuốt dần dọc theo mép võng của cô không muốn rời và tay đồng đội tôi phía sau lại đang níu lấy. Hoàng hôn tắt trên đại ngàn Trường Sơn. Cả đêm ấy tự nhiên bãi khách không ồn ào, không thấy hò hét ỏm tỏi. Đêm. Chính trị viên nhận giao ban ở trạm về nói chuyện cô gái là một dũng sĩ ở thành phố Sài Gòn đang trên đường ra Bắc chữa trị sau khi thoát khỏi nhà tù của địch. Ngày hôm sau, đội hình hành quân lặng lẽ hơn nhưng đi nhanh và gọn. Cán bộ hành quân thấy an tâm lạ thường, chẳng cần động viên tư tưởng. Tôi không biết cô dũng sĩ trẻ măng ấy liệu ra Bắc có được lắp đôi tay giả để mà tự thay quần áo, để tự chải mớ tóc dày đen như suối kia, để tự vuốt ve cái dáng eo thon “trời cho” ấy không? Đề tài ấy bọn tôi tranh luận mãi dọc Trường Sơn.
Lần thứ ba
Chúng tôi đã đi được gần trăm ngày rồi. Đội hình đã vơi đi vài người, mặt mũi đã hốc hác, tái mét vì sốt rét, vì đói, vì đạn bom. Gần ba tháng chúng tôi xa miền Bắc, xa quê hương và bao kỷ niệm thời thanh xuân yên ả. Thế mà chúng tôi mới có hai lần được nhìn thấy phụ nữ. Những đêm treo võng giữa rừng, giấc ngủ của những người trai trẻ lại rưng rưng nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ trường, nhớ lớp. Chúng tôi đã từng kể cho nhau nghe về chuyện bạn gái khi còn trên đất Bắc. Những câu chuyện về lính có người yêu và tình cảm của một cô gái nào đó với đồng đội mình cũng đều quý giá trân trọng biết bao. Điều đó lan sang cả đồng đội. Rất nhiều người lính chưa từng có người yêu, chưa từng một lần có cô gái nào đưa tiễn, nhưng không thể nói họ chưa từng có một lần xao xuyến về một người con gái. Vì thế, ngay cả những người chưa có người yêu cũng phải bịa ra một chuyện về bạn gái. Chuyện người yêu thật, chuyện người yêu bịa cứ trong veo đan quyện với nhau. Và những câu chuyện tình yêu ấy làm chỗ dựa cho tinh thần người chiến sĩ ra trận. Có người yêu khi ra trận là thương hiệu cho lính trẻ chúng tôi. Sau này, khi đã hết chiến tranh, nghĩ lại thấy thương những đồng đội mới mười bảy, mười tám ở quê ra đi chưa hề có người yêu cứ há hốc mồm nghe cánh lính sinh viên kể chuyện phụ nữ rồi cười bẽn lẽn.
Chúng tôi đã vào tới gần bờ sông Sekong để rẽ đi Tây Nguyên. Lúc ấy là tháng 3. Mùa khô ở cao nguyên Attapeu này đẹp lắm. Rừng khộp trút lá như một rừng bánh đa vừng. Suối trong veo. Trạm giao liên nào cũng vàng ươm lá rừng và cuồn cuộn tiếng ve. Trạm 78 đông như hội. Quân vào nườm nượp nên bãi khách ở cách xa trạm dễ đến một tiếng hành quân. Từ xa, chúng tôi nhìn lên lưng đồi có mấy căn nhà nửa chìm nửa nổi. Dưới tán cây cổ thụ có phơi… mấy bộ áo ngực của con gái. Ô… Ô... U... Hú... Hú. Cả đoàn quân hú dài. Đằng sau cũng lại hú. Lại có con gái rồi. Nhưng đội hình đi khuất rồi mà chả nhìn thấy người con gái nào cả. Ấy thế mà bỗng dưng những anh nói tục cũng dịu dàng hẳn lại. Mười tiếng leo dốc mà sao như ai cũng đang sung sức. Chúng tôi đi mãi mới dừng lại trú quân. Anh nào cũng sang sửa áo quần như sắp gặp con gái đến nơi, mặc dù biết mình đã đi rất xa chỗ mấy cái áo ngực ấy. Anh nào cũng nhanh nhẹn, ân cần lịch sự với nhau. Lại còn huýt sáo, hát những câu hát tình ca không đầu không cuối. Cán bộ bảo, chúng ta ngày mai sẽ hành quân cùng một đoàn nữ cán bộ Tây Nguyên vừa học xong Trường Lục quân trở lại chiến trường. Đêm ấy là một đêm tuyệt đẹp. Nằm trên võng, ngước nhìn bầu trời mùa khô sâu thăm thẳm. Rất gần đây thôi, chỉ vài cây số là những tấm thân con gái dịu mềm, thơm ngát hơn cả hoa rừng. Tôi cứ thầm tiếc giá mà binh trạm cho tiểu đoàn nghỉ ngay ở binh trạm bộ thì tuyệt biết bao. Rồi giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng...
NGUYỄN TRỌNG LUÂN