Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Quảng Nam. Năm 1957, sau khi học hết lớp 4, tôi được người bác tên là Phạm Văn Hoa (Sáu Hoa) nhận làm con nuôi và dẫn vào Sài Gòn. Ở đây, ban ngày tôi làm thợ hồ, ban đêm học thêm văn hóa. Khoảng tháng 4-1963, chú Sáu Dân đến ở nhà bác tôi (số 99/9 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh ngày nay), đóng vai giáo viên dạy kèm cho con cháu trong nhà và lấy tên là Chín Dũng. Sau này, tôi mới biết lúc đó chú là Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, bí mật vào hoạt động hợp pháp trong nội thành Sài Gòn để xây dựng cơ sở và chỉ đạo phong trào.

Năm 1967, Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân. Nhiều cơ sở của ta bị lộ, nhiều cán bộ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Trước tình hình đó, tôi xin bác Sáu Hoa ra chiến khu công tác, quyết không để địch bắt. Ông đồng ý và nhờ chị Sáu Trung (là giao liên hoạt động tại địa bàn Sài Gòn-Gia Định và Tây Nam Bộ) đưa tôi đi gặp chú Sáu Dân, nhưng chú đi vắng, phải nửa tháng sau mới gặp được. Gặp nhau, hai chú cháu mừng khôn xiết. Chú Sáu đón tiếp tôi như người thân. Mấy hôm sau, tôi được phân công vào đội bảo vệ Bộ chỉ huy Tiền phương Nam.

Chiều mồng Một Tết Mậu Thân 1968, từ xã Long Cang (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân thần tốc vào Sài Gòn theo hướng Tây Nam (xã Hưng Long và Quy Đức, huyện Bình Chánh) vào quận 8. Tôi được phân công mang bộ phận máy nghe của máy PRC (loại máy này rất to và nặng), 2 quả đạn B40 và súng đạn, ba lô, hẹn 12 giờ đêm phải đến địa điểm quy định. Trên đường hành quân, tôi bị ngã rất đau nhưng gắng gượng đi. Đến khoảng 10 giờ đêm, một bộ phận gồm các đồng chí: Sáu Thắm (thư ký của chú Sáu Dân), bác sĩ Mười Lù, y sĩ Ba Dân, Út Mét, Sáu Hòa, Út Ấm (bảo vệ) do đồng chí Tư Thân, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Long An dẫn đường đưa các chú trong Bộ chỉ huy Tiền phương Nam (Sáu Dân, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng) tách ra đi trước.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đầu tiên, bên trái) chụp ảnh kỷ niệm với vợ chồng đồng chí Trần Quốc Anh, năm 2007. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đường hành quân đêm mồng Một Tết lạnh ướt và trơn trượt. Cứ đi một giờ thì được lệnh nghỉ 10 phút, sau đó đi tiếp. Thế rồi tôi bị lạc đơn vị. Đêm đó, bộ đội ta hành quân rất đông, tôi cứ thấy đoàn người băng băng về phía trước thì cố gắng bám theo. Đến khi nghe tiếng súng nổ, pháo sáng bùng lên khắp nơi, tôi chết điếng người vì biết mình bị lạc. Giờ này không có tôi thì các chú trong Bộ chỉ huy làm sao có bộ phận máy nghe để chỉ huy trực tiếp các đơn vị?

Mãi đến sáng hôm sau (mồng Hai Tết), anh em du kích địa phương mới “gom” chúng tôi, số người bị lạc đến và kiểm tra rồi “ém” chúng tôi tại khu vực này cả ngày. Đến 5 giờ chiều, giao liên dẫn tôi đi vào hướng Quy Đức, nơi Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Tiền phương Nam đóng quân. Hơn 10 giờ đêm, chúng tôi mới đến nơi. Gặp tôi, chú Sáu phát vào vai tôi một cái, hỏi: “Mày ở đâu, sao bây giờ mới tới? Ráp máy vào làm việc ngay!”. Mặt tôi nóng bừng, mồ hôi ướt mặt, ướt áo, nhanh chóng bắt tay vào công việc.

Tôi vô cùng ân hận. Trong giờ phút quan trọng này, không có máy làm sao thủ trưởng “điều binh khiển tướng” được. Tôi thật có tội và đáng bị kỷ luật. Vậy mà chú Sáu vẫn bình tĩnh, không hề nóng nảy bực bội với tôi. Không rõ vì dáng điệu tội nghiệp của tôi làm chú Sáu cảm thông hay vì tấm lòng khoan dung, độ lượng yêu lính như con mà chú Sáu bỏ qua lỗi lầm chết người của tôi.

Sau Mậu Thân, tình hình T3 (Tây Nam Bộ) gặp nhiều khó khăn, trong khi quân địch tập trung lực lượng chiếm đóng khắp nơi. Tháng 1-1971, chú Sáu triển khai chỉ thị của Trung ương Cục về “chống địch bình định lấn chiếm” cho khu Tây Nam Bộ, từ đó, tình hình T3 có nhiều chuyển biến. Với khẩu hiệu “Tất cả cho cơ sở, tất cả để giành đất, giành dân và giành quyền làm chủ ấp, xã”, một phong trào chiến đấu mới diễn ra ở khắp các địa phương, nhiều căn cứ quân sự và đồn, bốt địch bị tiêu diệt.

Đầu năm 1975, chuẩn bị giải phóng miền Nam, đơn vị chúng tôi được lệnh theo bảo vệ chú Sáu từ kinh Ba Ren xuống Vàm Cỏ, thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trưa 30-4-1975, tất cả chúng tôi lập tức cuốn đồ đạc chạy bộ ra khu Lê Minh Xuân. Chú Sáu kêu tôi và anh Tư Nhơn vào ngay Sài Gòn vận động xe buýt ra rước anh em. Là người hiểu địa bàn nơi đây, chúng tôi đến xa lộ Đại Hàn gặp chiếc GMC của địch đã treo cờ mặt trận nhưng không có người lái. Tôi hỏi hai anh lái xe honda: “Các anh có biết lái xe này không?”, các anh nói “biết”. Chúng tôi lên xe quay lại hướng lộ 10, đón chú Sáu, chú Năm Xuân (Mai Chí Thọ) và toàn thể đơn vị. Tất cả anh em háo hức lên xe chạy về Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), nơi tập kết của các cơ quan Thành ủy Sài Gòn-Gia Định. Đến nơi lúc đó là 15 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Hai anh tài xế từ giã tôi ra về sau khi đưa chúng tôi đến điểm hẹn. Khi nghe tôi báo cáo lại, chú Sáu hỏi: “Cậu có trả tiền cho hai anh lái xe không?”. Tôi trả lời: “Dạ, không”. Chú Sáu nhìn tôi bảo: “Phải trả tiền công cho người ta mới được, tội nghiệp, họ làm thuê cực khổ lắm!”.

Sự việc này tuy nhỏ nhưng lắng đọng trong tôi bài học về cách ứng xử của chú. Trong giờ phút biến động như biển trào, sóng dậy, chú vẫn quan tâm đến đời sống của người dân, nhất là người lao động nghèo trong từng việc nhỏ bé. Những lời nói bình thường của chú lúc đó lại có ý nghĩa to lớn và tác động sâu sắc đối với tôi sau này.

Thời gian quân quản ở Sài Gòn, cơ quan chúng tôi phải di chuyển đến nhiều nơi ở mới, trong đó có lý do của công tác bảo vệ. Cứ mỗi lần dời cơ quan, chú Sáu lại dặn chúng tôi không được lấy theo bất cứ thứ gì, kể cả dụng cụ nấu nướng, mà phải bàn giao đầy đủ, nguyên vẹn cho đơn vị mới. Khi ở TP Hồ Chí Minh, chú Sáu Dân làm việc và ở nhà 41 Tú Xương. Khi được điều động ra Trung ương công tác, chú Sáu đã giao trả lại nhà 41 Tú Xương cho thành phố và đề nghị thành phố lấy nhà này làm trường mầm non cho các cháu thiếu nhi. Sau đó, thành phố đã giao biệt thự 41 Tú Xương cho quận 3 để xây dựng trường mầm non mang tên Hoa Mai rộng rãi, khang trang, sạch đẹp. Thời gian đầu sau giải phóng, chú Sáu còn phát động TP Hồ Chí Minh “hãy dành tất cả những gì tốt nhất cho thiếu nhi”. Nhiều quận, huyện đã hưởng ứng tích cực phong trào này.

Suốt những năm tháng gắn bó với chú Sáu Dân-cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi rất kính phục đức độ của chú và học tập được ở chú nhiều điều. Trong các cuộc hội nghị, nhiều lần giải quyết công việc, dù khó khăn, phức tạp, căng thẳng đến đâu, không bao giờ thấy chú Sáu nóng nảy hay to tiếng với ai. Chú luôn luôn lắng nghe, ghi chép, sau đó phân tích, lý giải rồi tìm cách tháo gỡ. Trước những sai lầm, thiếu sót của đồng chí, đồng đội, chú phân tích, mổ xẻ cặn kẽ và khi giải quyết thì đều bằng biện pháp mềm dẻo và độ lượng. Điều sâu thẳm nhất ở chú Sáu là luôn lo cho dân nghèo. Lúc nào, ở đâu chú cũng nhắc đến vấn đề đó với cán bộ các cấp. Chỉ đạo làm gì, đầu tư vào đâu chú cũng nghĩ đến hiệu quả để không lãng phí tiền của Nhà nước, của nhân dân.

TRẦN QUỐC ANH (Nguyên Trưởng phòng Hành chính Tỉnh ủy Minh Hải, cán bộ Đội Cận vệ A6, 1962-1975)