Tháng 10-2015, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi đến thăm và hỏi chuyện Đại tá Lưu Văn Lợi. Trong căn phòng nhỏ bày biện đơn sơ, chủ yếu là sách báo và tài liệu ở tầng 2 khu tập thể ở số 9, phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), ông Lưu Văn Lợi kể với chúng tôi: “Tháng 9-1950, do điều chỉnh tổ chức biên chế trong quân đội, Phòng Tuyên truyền mà tôi làm Trưởng phòng trở thành Cục Tuyên huấn do anh Lê Quang Đạo phụ trách. Báo Vệ quốc quân sáp nhập với Báo Quân du kích (của Cục Dân quân) làm một tờ báo do anh Lê Liêm làm Chủ nhiệm và tôi là Thư ký tòa soạn (tương đương như Tổng biên tập bây giờ).
Sau nhiều ngày bàn bạc thống nhất, báo cáo, xin ý kiến Bác Hồ và Trung ương, việc sáp nhập tờ Vệ quốc quân và Quân du kích để ra đời tờ báo với tên gọi Quân đội nhân dân cũng hoàn thành. Ngay từ ngày đầu, Quân đội nhân dân được xác định là tờ báo của cả quân chủ lực và du kích, là tờ báo của chiến tranh nhân dân, có đề cập những vấn đề của toàn dân đánh giặc. Chúng tôi chủ trương ra báo có 8 trang, khổ bằng 1/2 tờ báo thường hồi ấy, hằng tháng xuất bản định kỳ hai số vào ngày 5 và 20. Số đầu tiên ra ngày 20-10-1950, trọng tâm tuyên truyền về Chiến dịch Biên giới.
|
|
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 20-10-1950
|
Khi chúng tôi đang sôi nổi bàn bạc, viết lách, chọn đề tài và phân công công tác thì Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cơ quan tòa soạn dọn lên phía bắc Chợ Chu (Thái Nguyên), phòng khi ta nổ súng ở biên giới thì rất có thể địch sẽ ném bom, thậm chí nhảy dù xuống vùng căn cứ địa hiện nay. Chúng tôi được lệnh chuyển đến vùng Thành Công, khi đó thuộc tỉnh Bắc Kạn. Thế là anh em cơ quan “xếp bút nghiên theo việc binh đao”, nhanh chóng thu dọn quân tư trang lên đường di chuyển. Đến Khuôn Cầm-một khe hẹp và âm u xuyên qua lòng núi, cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống rồi tiếp tục hành quân. Ra khỏi đèo Lừa, xung quanh vẫn là rừng xanh bạt ngàn nhưng ít nhất chúng tôi được trông thấy một khoảng trời xanh cao vút. Men theo con đường mòn nhỏ, trống trải lại tới một xóm có lác đác vài nhà bên một con suối to, nước chảy ầm ầm dưới chân. Anh em ở tập trung vào ngôi nhà to nhất và dành một nhà nhỏ cho tôi ở. Nghỉ ngơi một ngày để sắp xếp ổn định tòa soạn, chúng tôi lại bàn tiếp nội dung số báo đầu tiên sắp lên khuôn. Giờ kể lại thì ngắn gọn vậy, nhưng phải thực sự trải qua cuộc hành trình di chuyển vất vả nơi núi rừng, mỗi người mang trên mình hàng chục cân quân tư trang cùng các thiết bị máy móc mới thấy quyết tâm vượt khó của anh em. Không một lời than vãn, anh em vẫn rất lạc quan, yêu đời, vừa hành quân vừa cất cao tiếng hát động viên nhau, rồi rôm rả bàn ý tưởng, đề tài cho số báo đang chuẩn bị. Đúng là gian khổ mà vui!
Lúc này, tiếng súng ở biên giới đã im, chúng ta đã hoàn toàn giải phóng vùng biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn. Vì vậy, một số ý tưởng ban đầu chúng tôi dự định phải thay đổi. Tờ báo cần dành một phần quan trọng phản ánh kết quả và khí thế thắng lợi của chiến dịch. Như vậy có nghĩa là bớt một số bài đã viết rồi cấp tốc viết một số bài mới. Chúng tôi động viên nhau, mỗi người làm việc bằng hai để bảo đảm số báo ra đúng ngày đã định. May mà các phóng viên mặt trận cũng kịp thời gửi bài về. Mọi việc được giải quyết khẩn trương, giao thông chuyển ngay đến nhà in, nhà in làm ngày làm đêm. Tôi vẫn nhớ nội dung cơ bản của số báo đầu tiên ấy. Trước hết phải kể đến bài xã luận “Có” rất ngắn gọn nhưng sâu sắc, ký tên Quân đội nhân dân, khẳng định niềm tin, quyết tâm “nhận nhiệm vụ” và “làm tròn nhiệm vụ” của tờ báo. Sau đó đến bài “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng” của anh Thao-tức đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; tranh của Mai Văn Hiến-họa sĩ của tờ Vệ quốc quân trước đây; phóng sự với sự tham gia của các cây viết gồm Vũ Cao, Hồng Vũ, Hoài Ân...
Về Chiến thắng Biên giới có tựa đề “Khi chúng ta đánh và khi chúng hạ súng”; bài giới thiệu “Ngày 7 tháng 10 năm 1950, nước Cộng hòa dân chủ Đức đã được một năm” của anh Chiến Sĩ, người Đức, tên khai sinh là Erwin Borchers. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Borchers đã trốn từ nước Đức quốc xã sang Pháp. Trước khi Đức xâm lược Pháp, Borchers tiếp tục tự bảo tồn tính mạng bằng cách đăng lính vào đội quân lê dương sang Việt Nam trong đội hình Sư đoàn bộ binh 5 của Pháp. Khi bỏ ngũ gia nhập Việt Minh, Borchers phụ trách bộ phận địch vận lính Đức của Việt Minh. Dưới bút danh Chiến Sĩ, anh làm việc khoảng hai năm cho tờ Le Peuple (Nhân Dân) do tôi phụ trách...
Ngoài ra phải biểu dương những người lặng thầm làm công tác bảo đảm, hậu cần phục vụ, như: Cô Khang-cán bộ nữ duy nhất, người sắp xếp mọi việc nội chính của tòa soạn. Đồng chí Tước phụ trách lên khuôn và cho đến khi về hưu vẫn gắn bó với tờ báo. Đặc biệt tiếc thương chú Phẩm, liên lạc viên của báo, đã bỏ mình dưới lòng suối Thành Công ở tuổi 16. Và còn rất nhiều cái tên tôi không thể kể hết ra được, từ các phóng viên, biên tập viên, họa sĩ đến các đồng chí giao thông, công nhân nhà in. Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian ngắn ngủi nhưng nhiều ý nghĩa khi làm Báo QĐND, tôi không sao nói hết lòng biết ơn của tôi với những người đã làm nên số báo đầu tiên trong điều kiện chiến tranh thật gian khổ, thiếu thốn!
Những ngày sau, trên đà thắng lợi của số báo đầu, chúng tôi mải miết làm các số tiếp theo cho đến Tết Nguyên đán Tân Mão 1951 lại được lệnh chuyển tòa soạn về địa điểm cũ ở vùng Bản Quặng (Chợ Chu). Sau đó, tờ báo nhập vào Cục Tuyên huấn và do anh Lê Quang Đạo phụ trách trực tiếp. Tôi được cử đi làm việc với hai anh André, Roland (người Pháp) và anh Marouf-tức anh Mã (người Maroc), sang giúp ta làm địch vận. Từ đây, cuộc đời tôi bắt đầu rẽ sang hướng mới: Đi vào con đường hoạt động đối ngoại. Và dù đã làm công tác khác, tôi vẫn tiếp tục viết báo, vẫn cộng tác với Báo Quân đội nhân dân trong nhiều số báo đặc biệt. Tôi nhớ năm 1980, khi là Trưởng ban Biên giới Chính phủ sang thăm Liên Xô, có đến thăm Câu lạc bộ các nhà báo Moscow. Chủ nhiệm câu lạc bộ khi biết tôi xuất thân là nhà báo đã trao cho tôi một đồng kopek và nói: “Tôi xin tặng đồng chí đồng tiền này để kỷ niệm cuộc gặp giữa hai con người cùng làm một nghề cao quý!”.
“Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian ngắn ngủi nhưng nhiều ý nghĩa khi làm Báo Quân đội nhân dân, tôi không sao nói hết lòng biết ơn của tôi với những người đã làm nên số báo đầu tiên trong điều kiện chiến tranh thật gian khổ, thiếu thốn!”.
|
TUẤN TÚ