Từ cô giáo đam mê... đồ đồng nát

“Ngày còn là cô giáo cấp 2 ở Giao Thủy, thấy các bà, các chị cứ đem bán những đồ dùng sản xuất và sinh hoạt cho đồng nát, tôi tiếc lắm. Người ta mua về, đập bỏ, nấu lại và cho ra những sản phẩm khác. Vậy là bao nhiêu vật dụng thân thuộc của ông cha sẽ mất dần đi”-bà Ngô Thị Khiếu mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Trong thâm tâm, bà muốn lưu lại những vật dụng ấy để “kể” câu chuyện quá khứ cho con cháu nghe. Từ suy nghĩ ấy, bà liền nói với mọi người, thay vì bán cho đồng nát thì hãy bán cho bà. Rồi hễ nghe ở đâu có người bán đồng nát là bà tìm đến tận nơi để mua cho bằng được. Đồ bà để chật căn nhà hai tầng ở quê. Cuộc sống, công việc phải di chuyển, hết vào Nam rồi ra Bắc theo công việc của chồng-Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, bà Ngô Thị Khiếu vẫn không từ bỏ đam mê ấy.

“Bắt đầu từ thập niên 2000, được về Hà Nội công tác, cứ chiều thứ tư được nghỉ là tôi đi xe ôm về Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) để mua nồi, mâm đồng. Rồi hè đến, học sinh được nghỉ học, tôi theo chồng trong các chuyến công tác về nhiều miền quê. Đi đến đâu tôi cũng để ý tìm các đồ vật đồng quê. Có những thứ tôi phải dày công đi lại nhiều lần mới thuyết phục được gia chủ đồng ý bán cho mình”-bà kể.

leftcenterrightdel

Bà Ngô Thị Khiếu (bên phải) đứng trước khuôn viên bảo tàng. Ảnh: HÀ ANH 

Tất cả “đồ đồng nát” ấy, bà mang về nhà, đóng thành các thùng lớn, nhỏ cất giữ cẩn thận vì nghĩ rằng rồi sẽ có lúc dùng chúng vào những việc có ích. Năm 2009, ông bà về dự khánh thành trường mầm non của xã nhà. Bà quan sát thấy trường của các cháu, ngoài các phòng học thì còn thiếu chỗ vui chơi, các trường tiểu học, THCS cũng thiếu thư viện đọc sách.

Bà nhớ lại: “Vợ chồng tôi đều có sở thích đọc và sưu tầm sách. Sau 35 năm dạy học ở các tỉnh, thành phố, tôi đã tích lũy được hàng nghìn đầu sách. Chúng tôi đã nhiều lần bàn nhau sưu tầm, giữ lại một số vật dụng miền quê trưng bày trong nhà làm lưu niệm cùng với tủ sách gia đình. Nhưng từ lần đó, tôi bắt đầu hình thành ý tưởng xây dựng thư viện cho các cháu”. Và rồi, ông bà đặt vấn đề với xã xin mua 1 sào đất ở cạnh trường mầm non để xây thư viện kết hợp trưng bày các nông cụ đồng quê. Nơi đây sẽ trở thành địa điểm cho các cháu học sinh cùng bà con trong xã đến đọc mỗi ngày và xem các hiện vật đồng quê bên cạnh.

... đến giám đốc bảo tàng không lương

Mỗi lần về thăm quê, bà Khiếu nhận thấy, dường như các bạn trẻ ngày càng ít biết đến các đồ dùng sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của ông cha. Hơn nữa, cùng với quá trình phát triển, nông thôn nước ta thay đổi rất nhanh. Nhà cửa, dụng cụ sinh hoạt, công cụ sản xuất truyền thống bao đời nay dần mất đi. Ý tưởng sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hiện vật trước đây lại một lần nữa thôi thúc vợ chồng bà. Vì vậy, khi nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, cho phép thuê gần 6.000m2 đất trong 30 năm để xây dựng Khu văn hóa Đồng quê, ông bà đã bắt tay vào thực hiện ngay. Rồi từ ý tưởng xây dựng khu văn hóa truyền thống, được nhiều người quan tâm đóng góp ý kiến, ông bà chuyển thành ý tưởng xây dựng Bảo tàng Đồng quê. Là một kỹ sư quân sự, Thiếu tướng Hoàng Kiền bắt đầu tất bật với các bản thiết kế, còn bà, vốn là một nhà giáo chỉ quen với bảng đen, phấn trắng, giờ lại đi học thêm nghiệp vụ quản lý và trưng bày bảo tàng.

leftcenterrightdel

Du khách đến tham quan Bảo tàng Đồng quê. Ảnh: TRANG HOÀNG 

Trong hai năm 2011-2012, cùng với sự giúp đỡ của một số tổ chức, cá nhân, Khu văn hóa Đồng quê của ông bà dần hình thành. Năm 2013, khi mọi thủ tục hoàn thiện, Bảo tàng Đồng quê chính thức ra đời. Bà cho biết, ngoài số vốn 5 tỷ đồng do gia đình đầu tư thì các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ gần 5 tỷ đồng để xây dựng bảo tàng. Với sự giúp đỡ của các bảo tàng Trung ương và địa phương cùng quá trình học hỏi, tiếp thu kiến thức từ các lớp chuyên ngành, bà đã tổ chức trưng bày Bảo tàng Đồng quê đồng bộ, liên hoàn với 4 tầng tại tòa nhà trung tâm cùng các khu vực phụ cận.

Bà Khiếu xúc động bày tỏ: “Không thể kể hết sự giúp đỡ chí tình của bà con. Có người tặng chúng tôi cả ngôi nhà gỗ mít để làm ngôi nhà nguyên bản của phú nông, có người bán giá rẻ ngôi nhà gỗ lim để trưng bày nhà địa chủ, trong khi làm mới phải hết vài tỷ đồng. Dần dần, nhiều người trong nhà còn những dụng cụ nông, ngư nghiệp, diêm nghiệp xưa, từ cái đăng, cái đó, cái nơm bắt cá đến cái cối giã gạo, bồ đựng thóc, cày, bừa, liềm, hái, các loại gầu tát nước, đá trục lúa, xe cút kít... lại mang đến ủng hộ chúng tôi làm bảo tàng. Tấm lòng của nhân dân thật đáng quý xiết bao!”.

Hiện nay, các ngôi nhà nguyên bản của Đồng bằng Bắc Bộ có tuổi thọ trên dưới 100 năm với các vật dụng truyền thống thường có trong mỗi ngôi nhà được đưa về phục dựng trong Bảo tàng Đồng quê. Nơi đây về lâu dài có thể trở thành phim trường cho các bộ phim quay cảnh nông thôn Việt Nam xưa kia. Thực tế, đã có đạo diễn về tham quan xin hợp tác hoặc thuê làm trường quay, ông bà nói sẽ giúp miễn phí.

Bà Khiếu thông tin, trong nhiều năm qua, bảo tàng đã đón du khách thập phương tham quan miễn phí, gần đây mới thu phí 5.000 đồng/người. Trên cương vị Giám đốc bảo tàng, bà luôn hết mình với công tác xây dựng và chuẩn bị nhân sự cho bảo tàng. Đến nay, bà đã tạo công ăn việc làm cho 10 người, phần lớn là lao động tự do ở địa phương, có người đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc làm, đảm nhiệm các vị trí từ phó giám đốc đến thuyết minh viên, bảo vệ, nấu ăn... Trong gần 10 năm qua, năm nào bà cũng tham dự các lớp tập huấn do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, học tập nghiêm túc rồi về bồi dưỡng, truyền đạt cho các nhân viên bảo tàng. Ngoài ra, bà còn đưa cán bộ, nhân viên đi tham quan các bảo tàng trong và ngoài công lập để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

leftcenterrightdel
 

Một góc Bảo tàng Đồng quê. Ảnh: HÀ ANH

Hiện nay, Bảo tàng Đồng quê đã có thể tự bảo đảm trả lương cho nhân viên với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng bằng các hoạt động văn hóa phi vật thể. Chỉ mình bà là không có lương vì bà muốn dành để duy trì cho bảo tàng hoạt động. Nhưng bà vẫn vui vì nơi đây ngày càng trở thành điểm đến của đông đảo du khách.

Bà chia sẻ: “Từ ngày thành lập, chúng tôi được đón nhiều đoàn khách là các cháu học sinh, sinh viên đến tìm hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc. Các cháu vừa lạ lẫm, vừa thích thú khi lần đầu được biết đến những dụng cụ nhà nông, đồ dùng sinh hoạt xưa kia. Nhiều bậc phụ huynh cũng chia sẻ với chúng tôi, nếu không đến bảo tàng, chắc con cháu họ không hiểu những đồ dùng nông nghiệp ấy để làm gì. Nhiều khách nước ngoài đến tham quan, trong đó có một giáo sư văn hóa người Pháp đã đến bảo tàng tới hai lần. Tất cả đều đánh giá rất cao giá trị của bảo tàng. Mỗi lần như vậy, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc mình đang làm”.

Năm 2014, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng bà bằng xác lập kỷ lục là “Người đầu tiên thành lập Bảo tàng Đồng quê ở Việt Nam”. Đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, bảo tàng được đánh giá là một trong những bảo tàng ngoài công lập hoạt động hiệu quả nhất. Hằng năm, cá nhân bà và Bảo tàng Đồng quê đều nhận được giấy khen, bằng khen của các cấp. Chia tay chúng tôi, bà Ngô Thị Khiếu nhắc đến câu đối mà Giáo sư Vũ Khiêu đã dành tặng bà khi biết về công trình ý nghĩa này: “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/ Để cho con cháu mãi ngàn sau”.

Bà khẳng định: “Đây là mục đích của gia đình tôi khi lập nên bảo tàng. Sau này già không làm được nữa, chúng tôi sẽ hiến tặng quê hương để duy trì mãi tình yêu với văn hóa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

PHẠM THU THỦY