Lâm Thị Thanh Huyền, trước ngày lên đường đi du học.

Tọa lạc trên mảnh đất gần 2.000m2 ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội) là Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày - bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Nơi đây lưu giữ hàng nghìn hình ảnh, hiện vật, tố cáo tội ác tày trời của kẻ thù; đồng thời thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Mỹ-ngụy. Từ ngày khánh thành đến nay, bảo tàng đã đón hàng vạn lượt khách và cũng từ đó nhiều người đã truyền nhau câu chuyện lạ của gia đình ông giám đốc bảo tàng...

Tri ân đồng đội

Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc bảo tàng là thương binh 2/4, từng bị địch bắt, tù đày ở nhà lao Phú Quốc, có mái tóc trắng như cước, gương mặt nhân hậu và cánh tay còn chằng chịt vết sẹo chiến tranh. Ông nói với chúng tôi như một lời tâm sự: Bảo tàng này là nơi gặp gỡ, sinh hoạt của những chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đày; là nén nhang thơm, tấm lòng tri ân của chúng tôi với đồng đội. Nó còn là nhân chứng sống, vật chứng thuyết phục, là tiếng nói đanh thép tố cáo tội ác chiến tranh… Chỉ vào lá cờ Đảng nhỏ bằng bàn tay, ông Bảng giới thiệu: “Lá cờ thiêng liêng này được dùng bí mật trong các buổi sinh hoạt Đảng đặc biệt trong tù. Để giữ nó, anh em đã phải đánh đổi bằng máu của mình; nhiều lúc phải vo tròn, nuốt vào bụng, buộc vào một sợi chỉ để lôi ra. Cờ Đảng là biểu hiện của sức sống, niềm tin, lòng trung thành, giúp chúng tôi nuôi ý chí đấu tranh trong ngục tù”. “Còn đây là cảnh anh Dương Bá Ngải bị địch treo ngược lên tra tấn, hành hạ khi phát hiện anh là Bí thư chi bộ Đảng. Địch bắt anh hô khẩu hiệu phản động, anh trừng mắt không nghe, còn dõng dạc hô lớn: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Địch tức tối, hèn hạ đổ nước xà phòng đun sôi vào miệng anh đến chết. Trước lúc mất, anh dặn chúng tôi: “Hãy nói với cha mẹ, vợ con tôi là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc nhé!”. “Chiếc đinh này bọn địch đã đóng vào đầu Thiếu úy đặc công Đặng Hồng Sơn. Anh đã anh dũng hy sinh khi bị chúng đóng 9 chiếc đinh vào cơ thể. Khi bốc mộ anh, đinh còn dính vào xương sọ, chúng tôi xin được mang về để lưu giữ”. Còn đây nữa, chiếc “chuồng cọp” địch dùng để khủng bố tù nhân. Chuồng làm bằng dây kẽm gai, vừa đủ để người ngồi lom khom. Khi phạt vào “chuồng cọp”, bọn giám thị bắt anh em chỉ được mặc quần đùi phơi nắng, phơi sương hoặc cho dầm mưa suốt ngày đêm. Những ngày ở đây, tù nhân thường xuyên bị giội nước muối lên những chỗ bị bầm dập, xây xát hoặc bị địch đốt cao su, ni-lông nhỏ lên người, đổ dầu hắc ín lên đầu. Ngồi “chuồng cọp” vài ngày toàn thân bị lột da, sức khỏe suy kiệt…

Một khách tham quan đã bật khóc khi xem những dụng cụ địch dùng để tra tấn cán bộ cách mạng của ta.

Các hình ảnh, hiện vật được sắp đặt ở 8 phòng trưng bày theo từng chủ đề: Tư liệu về Đảng, Bác Hồ; truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; các nhà tù đế quốc và chứng tích ghi lại tội ác chiến tranh; đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Mỹ-ngụy… Ông Bảng cho biết: “Để có được bảo tàng này là công lao của bao đồng chí, đồng đội, đồng bào ở khắp mọi miền Tổ quốc. Có những người rất tâm huyết như anh Chu Hữu Ngọc, nguyên là thường trực của bảo tàng, lúc sắp mất còn cầm tay tôi hỏi: Phòng số 7 đã xong chưa? và dặn chúng tôi phải cố gắng giữ gìn, duy trì hoạt động”… Hoạt động của bảo tàng không chỉ dừng ở việc trưng bày, giới thiệu tại chỗ mà còn thông qua các chuyến trưng bày lưu động và nói chuyện truyền thống của các nhân chứng sống. Mới đây, cán bộ bảo tàng đã tổ chức chuyến lưu động ra đảo Hòn Ngư để thăm, động viên bộ đội và kể chuyện về tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù của địch; dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh liệt sĩ, bảo tàng đã tham gia trưng bày tại triển lãm Vân Hồ; năm ngoái về Vĩnh Phúc, ông Bảng cho mang theo gần một nghìn hình ảnh, hiện vật để giới thiệu; đoàn còn về một số trường học để nói chuyện; đợt 30-4 vừa qua, lãnh đạo bảo tàng đã tổ chức về Phú Quốc để thắp hương cho đồng đội và giao lưu với tuổi trẻ địa phương… Đến thăm bảo tàng hoặc xem hình ảnh, hiện vật trong các lần lưu động, mọi người đều rất xúc động. Sinh viên Trường đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn khi chứng kiến những dụng cụ mà địch dùng tra tấn tù nhân đã bật khóc vì thương cha anh mình và căm phẫn với các thủ đoạn đê hèn của kẻ thù; có một chị người dân tộc khi đến bảo tàng tham quan đã oà khóc và thật thà thú nhận: “Chồng em trước đây cũng ở nhà tù Phú Quốc, bị địch hành hạ nên giờ yếu và chậm chạp. Trước đây do chưa thật hiểu và thông cảm, nên có lúc em đã nặng lời với chồng. Hôm nay xem tận mắt những hình ảnh và hiện vật của bảo tàng, em thấy thương chồng và đồng đội của anh và thật ân hận về cách cư xử của mình. Xin hứa với các anh là từ nay em sẽ động viên và chăm sóc chồng em tốt hơn…”. Bê-xin-un, một nhà sản xuất phim người Bỉ thừa nhận: “Các vị là những người anh hùng… Tôi sẽ cố làm một bộ phim về đề tài này và tôi đứng về phía các vị”. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư trong chuyến thăm bảo tàng mới đây đã xúc động viết: “Mãi mãi ghi nhớ những kỷ niệm ngàn đời không bao giờ quên được những năm, tháng, ngày bị giam cầm trong nhà tù Mỹ-ngụy”…

Sự trùng hợp diệu kỳ

Có một kỷ vật khác mà ông Lâm Văn Bảng cất giữ cho riêng mình, không đem trưng bày ở bảo tàng. Đó là cuốn sách “Gương Nhân-Quả”, nhờ nó mà ông tìm lại được con gái của mình vào đúng ngày khánh thành đền liệt sĩ trong khuôn viên bảo tàng, một sự trùng hợp diệu kỳ, khó lý giải được. Chuyện xảy ra đã gần 4 năm nhưng khi nhắc lại, ông vẫn chưa hết bàng hoàng, xúc động…

Huyền là con út, từ nhỏ là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn. Khi đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Toán tin, Đại học quốc gia Hà Nội, Huyền được nhà trường cử đi du học ở Ô-xtrây-li-a. Trước ngày lên đường, ông Bảng đã tặng cô con gái yêu cuốn sách “Gương Nhân-Quả”. Vốn tính cẩn thận và như một thói quen khi mua bất kỳ cuốn sách nào, ông Bảng đều ghi tên, địa chỉ của mình lên đó. Cuốn sách tặng con cũng vậy, duy có điều, ông lại viết tên không có dấu (Bảng thành Bang) và chỉ ghi điện thoại nhà mình chứ không có địa chỉ cụ thể. Cô sinh viên Huyền háo hức lên đường du học với bao dự định, hoài bão, đâu ngờ rằng số phận nghiệt ngã, bão tố cuộc đời đang chờ cô nơi xứ lạ…

Học được gần một năm, Huyền bị ốm nặng, sốt li bì nhiều ngày liền. Có một người phụ nữ người Pháp không có con ở cạnh đó rất quý Huyền, nhận là mẹ nuôi. Nghe tin cô ốm, bà vội sang thăm và đưa Huyền đi khám. Hai mẹ con rụng rời chân tay khi nghe bác sĩ thông báo: Huyền bị viêm não đã biến chứng, nếu không đưa sang bệnh viện tốt nhất của Mỹ thì sẽ nguy đến tính mạng. Người mẹ nuôi tốt bụng ấy vội vàng làm thủ tục để đưa cô sang Mỹ chạy chữa. Tại đây, sau khi phẫu thuật và điều trị gần một tháng, bệnh của Huyền chuyển biến tốt và hai mẹ con lại chuẩn bị hành lý trở lại Ô-xtrây-li-a để Huyền còn tiếp tục theo học. Tuy nhiên, một tai họa kinh hoàng bất ngờ giáng xuống đầu họ. Chiều ấy, trên đường ra sân bay, chiếc tắc-xi chở hai mẹ con đã va vào xe tải. Huyền bất tỉnh và được đưa trở lại bệnh viện. Khi tỉnh dậy, cô như người mất trí, không còn nhận ra mình và bộ nhớ dường như bị xóa sạch. Bà mẹ nuôi của Huyền cũng không biết còn sống hay đã chết. Cô ra viện và lang thang trên đất Mỹ, gia nhập vào đám trẻ da màu và kiếm sống bằng nghề rửa vỏ chai, lọ. Thấy Huyền chăm chỉ lại sống trong trạng thái thần kinh không bình thường, một phụ nữ lái buôn người Trung Quốc đã thương cảm đón Huyền lên tàu chở hàng của bà để phụ việc lặt vặt hằng ngày. Lúc ấy, Huyền không hề nhớ được quá khứ của mình, chỉ có mơ hồ mấy câu: “Việt Nam, Hồ Chí Minh”, văng vẳng như ở đâu đó. Nhờ chút thông tin rời rạc này mà người phụ nữ người Trung Quốc phán đoán Huyền có thể là người Việt Nam. Sau đó ít lâu, bà cho Huyền theo chuyến tàu về đại lục. Trải qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, Huyền về đến Trung Quốc và được người phụ nữ nọ cho người đưa về tận Lạng Sơn. Từ đây, cô gái đáng thương lại tiếp tục cuộc hành trình vô thức về với gia đình. Sau nhiều tháng đi bộ ròng rã, tối xin cơm và ngủ ở các ngôi chùa trên đường, Huyền cũng về đến Hà Nội và kiếm sống bằng nghề rửa bát thuê cho các quán phở, cơm bụi quanh khu vực Cầu Giấy, chỉ cách nhà mình chưa đầy 30km…

Vào thời điểm đó, ở Ô-xtrây-li-a, sau khi thấy Huyền chữa bệnh mãi không trở lại trường, tưởng cô đã về nước, bạn bè đã gom tất cả đồ đạc trong đó có cuốn sách “Gương Nhân-Quả” và gửi về Việt Nam nhưng do địa chỉ không rõ ràng nên nó cũng không đến tay người nhận. Còn Huyền, vẫn hằng ngày rửa bát thuê ở Cầu Giấy. Chiều chiều cô thường tìm đến hàng sách cũ ở vỉa hè đường Láng đọc nhờ. Một chị chủ hàng sách thấy Huyền hiền lành liền rủ về trọ cùng. Từ đó, Huyền không rửa bát thuê nữa, hằng ngày đi bán sách, tối đi bán bánh mỳ. Một lần vào một buổi chiều giáp Tết 2005, cô vô tình lấy một cuốn sách mang tên “Gương Nhân-Quả”. Bóc lớp giấy bên ngoài, cô thấy kẹp giữa hai bìa sách là chiếc chứng minh thư mang tên một cô gái. Cô ngạc nhiên thấy gương mặt trong chứng minh thư giống mình quá và cái tên thì quen quen như từ mơ hồ trong quá khứ xa xôi. Chẳng lẽ đó lại là mình? Cô mở tiếp thì phát hiện thấy chữ “Bang” và số điện thoại trên gáy sách. Huyền lưỡng lự và… bấm máy.

Còn ở nhà, gia đình ông Bảng tự nhiên thấy con gái bặt vô âm tín, gọi điện sang trường thì họ nói Huyền không học ở đây nữa. Ông đã định bay qua Ô-xtrây-li-a tìm con nhưng vợ ngăn lại, sợ lại có điều bất trắc xảy ra với ông. Năm 2003, trong chuyến đi xuyên Việt thăm lại chiến trường xưa, thăm các nghĩa trang và tìm kỷ vật đồng đội, đến đâu, ông cũng khấn gọi đồng đội, mang nắm đất thiêng và chân hương ở các nghĩa trang khắp nơi về quê nhà. Ông đã dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ ngay trong vườn nhà mình. Sau gần một tháng thi công, đền thờ được khánh thành vào đúng 26 Tết. Đó cũng là ngày Huyền gọi điện về nhà. Hôm đó, đang bận rộn vì đông khách đến, vợ ông Bảng bực mình vì có một cô gái gọi điện đến hỏi “Có phải là nhà bác Bang không?”, bà nói là nhầm máy mà cô ta vẫn gọi lại. Thấy vợ cáu gắt, lần thứ 3 chuông điện thoại đổ, ông Bảng đến nhấc máy. “Dạ thưa bác, nhà bác có ai tên là Huyền không ạ?”. Vừa nghe đến đó, ông bàng hoàng khi nhận ra tiếng con gái mình, run rẩy hỏi địa chỉ của con, vơ vội chiếc áo rét, ông lên Hà Nội đón con… Năm ấy, gia đình ông có một cái Tết đoàn viên, vui vẻ nhất, sau 1.500 ngày con gái “mất tích”.

Chia tay tôi, ông Lâm Văn Bảng vẫn còn xúc động: “Đó là nhân-quả anh ạ. Tôi không duy tâm nhưng từ thâm tâm tôi luôn nghĩ rằng, chính đồng đội đã đưa cháu về với tôi”. Rồi ông vui vẻ khoe: “Sức khoẻ của Huyền hiện nay đã ổn định và bây giờ đã có một gia đình yên ấm rồi, mới có một cháu trai kháu khỉnh lắm. Huyền dự định sang năm sẽ thi vào một trường sư phạm để theo đuổi nghiệp “trồng người”…

Trần Hoàng Tiến