QĐND - Cách đây vừa tròn 10 năm, khi ông Lâm Văn Bảng, sinh năm 1943, thương binh hạng 1/4, cựu tù Phú Quốc có ý định dành khoảng 2.000m2 đất của gia đình tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) để xây dựng Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, nhiều người đã khuyên can ông. Họ bảo, giáo dục truyền thống là trách nhiệm của Nhà nước, cá nhân ông làm sao kham nổi? Nghe những lời can ngăn ấy, ông Bảng chỉ cười, bởi dự định này ông đã ấp ủ từ lâu và xác định phải thực hiện cho được, nếu không, ông sẽ tự vấn lương tâm mình với đồng đội. Rất mừng, ước nguyện của người cựu chiến binh ấy được sự đồng tình mạnh mẽ của vợ con, cấp ủy, chính quyền địa phương và những người bạn là đồng đội năm xưa.
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo thành phố Hà Nội dự buổi gặp mặt truyền thống các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày khu vực phía Bắc được tổ chức tại bảo tàng (tháng 2-2016). Ảnh: Lâm Đức Tiến. |
Ngày 11-10-2006, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ban hành Quyết định số 171/QĐ-UBND thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do ông Lâm Văn Bảng là Giám đốc; ông Kiều Văn Uỵnh, Nguyễn Trọng Dư là Phó giám đốc. Đây là mô hình bảo tàng đầu tiên do cá nhân thành lập, mở đường cho công tác “xã hội hóa” một lĩnh vực đặc biệt.
Chưa từng kinh qua hoặc được đào tạo về nghiệp vụ bảo tàng, nhưng bằng tâm huyết, sự quyết tâm, ông đã mày mò học hỏi; tìm kiếm, sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị. Nhiều đồng đội cũ biết ông mở bảo tàng, cũng liên lạc bằng được để trao cho ông những kỷ vật riêng tư, nhưng lại gắn với một thời đấu tranh hào hùng của đất nước… Hiện nay, bảo tàng của ông Bảng đang lưu giữ hơn 4.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý. Nhiều năm qua, ông Lâm Văn Bảng đã không quản ngại đường xa, khó khăn, vất vả, nhiều lần về Phú Quốc (Kiên Giang), bám theo các đội tìm kiếm và tìm được nhiều hiện vật có giá trị, như những chiếc đinh được rút ra từ hộp sọ của liệt sĩ, là những minh chứng xác thực tố cáo hành vi độc ác, tàn bạo, dã man của kẻ địch với người tù cách mạng. Ông còn mang nắm đất nơi ôm xác liệt sĩ vào lòng đất mẹ, đưa về đền thờ tại bảo tàng để tưởng nhớ đồng đội. Đền thờ này không chỉ có đất thiêng được lấy ở Phú Quốc, mà còn có đất thiêng được lấy ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, Đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông, Nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò… Ông còn lấy cả chân hương về lập bát hương cho đền thờ liệt sĩ trong bảo tàng.
Đến với Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hôm nay, người xem như tận mắt chứng kiến những đòn tra tấn vô nhân đạo như thời trung cổ của Mỹ-ngụy. Đó là những chiếc thùng phuy chỉ vừa một chiến sĩ ngồi rồi chúng dùng búa gõ trên đỉnh cho tới khi đinh tai nhức óc, trào máu mắt, máu miệng. Đó là chuồng cọp, căn hầm cầm cố tù nhân hàng tuần không được tắm rửa, đầy hầm là phân và nước tiểu của người tù không được quét dọn, mùi hôi thối nồng nặc; đó là cảnh người tù bị đóng đinh vào cơ thể, bị treo ngược, bị nhốt vào những chuồng chỉ vừa vặn với tư thế co quắp, với nhiều dây thép gai bao quanh… Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh là một câu chuyện thấm đẫm máu và nước mắt của người tù, gắn với từng nhân vật cụ thể.
Tiếng lành đồn xa, ban đầu, chỉ có học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh, cấp ủy, chính quyền và người dân tại địa phương tới tham quan, thắp hương tưởng niệm liệt sĩ vào mỗi ngày lễ trọng đại của đất nước. Nhưng sau đó, đã có nhiều đoàn khách tham quan từ khắp mọi miền của Tổ quốc, khách quốc tế tới đây. Bảo tàng còn tổ chức nhiều chuyến triển lãm lưu động tại các địa phương, trường học và tương lai không xa sẽ tới cả các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vinh dự được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến tham quan, động viên. Trong đó, phải kể đến nghĩa tình sâu nặng của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người bạn tù kiên trung bất khuất. Trong lần đến thăm bảo tàng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lưu bút vào sổ vàng và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên bảo tàng.
Đến thăm Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vào những ngày thu cách mạng năm nay, chúng tôi rất xúc động khi nhìn thấy những mái đầu đã bạc trắng, những bước đi nặng nhọc của những người cựu chiến binh, cựu tù binh là đồng đội của ông Lâm Văn Bảng đang làm việc tại bảo tàng và cả những cộng tác viên, tình nguyện viên. Có bác, nhà ở xa, nhưng chẳng quản nắng mưa, ngày nào cũng đạp xe đến bảo tàng làm việc. Khi nhắc tới công việc trong bảo tàng, họ không hề tỏ ra sự mệt mỏi của tuổi già, mà say sưa với một niềm đam mê, yêu thích đặc biệt. Nói về việc này, ông Lâm Văn Bảng cho biết, bảo tàng hoạt động với phương châm “4 tự”, đó là: “Tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm; và với 4 nguyên tắc là: “Mềm mỏng trong giao tiếp; kiên quyết khi xử lý; kỷ luật phải nghiêm minh; nghĩa tình phải trọn vẹn”… Đây chính là bí quyết mang đến kết quả như hôm nay.
NGUYỄN ĐÌNH CẦN