Sau đó, hội nghị chuyển về họp tại nhà ông Nguyễn Quang Oánh, một cơ sở bí mật của xứ ủy ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) để bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại hội nghị này, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được Trung ương phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thay đồng chí Lương Khánh Thiện, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng ở Hà Nội và vùng phụ cận.

Trước tình hình trong nước có những biến chuyển mau lẹ, đặc biệt là tin Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 đã được triệu tập từ ngày 6 đến 9-11-1940 tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Tham gia hội nghị có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh... Hội nghị này đã đề ra chủ trương phát triển hình thức đấu tranh vũ trang, thành lập căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo thành lập căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai. “Đồng chí đã viết nhiều tài liệu lên án bọn phát xít Nhật, phân tích tình hình cách mạng và cổ vũ phong trào quần chúng…” (Báo Nhân Dân, số 5752, ngày 14-1-1970). Đồng thời cử đồng chí Phan Đăng Lưu mang lệnh hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ khi điều kiện chưa chín muồi.

leftcenterrightdel

Đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh tư liệu

Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư; các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt là Ủy viên Thường vụ. Hội nghị còn giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thụ chuẩn bị sang Trung Quốc để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, báo cáo tình hình cách mạng trong nước và xin ý kiến, kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương 8.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được tổ chức tại Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng). Tham dự hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, các đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ, Xứ ủy Trung Kỳ… Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư; bầu Ban Thường vụ Trung ương Đảng gồm 3 đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Tại hội nghị này, Trung ương Đảng đã chủ trương “thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh”. Đồng chí Hoàng Văn Thụ còn được cử vào Tổng bộ lâm thời Mặt trận Việt Minh.

Khi các đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ sa lưới mật thám Pháp sau cuộc bạo động ở đồn điền Song Cao, Xứ ủy Trung Kỳ bị vỡ. Nắm được tình hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã chỉ thị cho các đồng chí Lê Chưởng, Trương Hoàn, Trương Văn An và Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam họp tại La Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam) để tái lập Xứ ủy Trung Kỳ, cử đồng chí Lê Chưởng làm bí thư. Để gây dựng lại Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bí mật đi Thanh Hóa. Để tránh tai mắt của mật thám, đồng chí đã cải trang làm người buôn cau.

Phong trào cách mạng càng lên cao thì mật thám Pháp và tay sai càng điên cuồng, bủa lưới gắt gao. Giai đoạn này, phong trào cách mạng Hà Nội có bước phát triển mới nhưng cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức bởi sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Thực hiện nhiệm vụ được Ban Thường vụ Trung ương Đảng phân công, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, củng cố tổ chức ở Hà Nội và vùng phụ cận. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân (Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông) ra Hà Nội làm bí thư bị địch bắt (tháng 4-1943), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã chỉ thị Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Lê Quang Đạo, Xứ ủy viên làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội và tái lập Thành ủy. Đây là lần thứ 8 đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp chỉ đạo việc tái lập, củng cố Thành ủy Hà Nội.

Khi các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu (Lưu Quyên) vừa vượt ngục nhà tù Sơn La đã tìm liên lạc được với cơ sở của Đảng ở Vạn Phúc, đồng chí Hoàng Văn Thụ đến ngay cơ sở liên lạc ở làng Vạn Phúc, Hà Đông, cử đồng chí Nguyễn Văn Đản (Tư Thủy) đi đón đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Trong hồi ký, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng nói sau khi từ Hòa Bình về, vượt qua nhiều hàng rào mật thám rải khắp các nẻo đường từ Sơn La, Hòa Bình… “thoát được nguy hiểm, tôi về đến làng Vạn Phúc chờ gặp anh Hoàng Văn Thụ để nhận công tác”, “trải qua gian nan lắm trận, anh Ninh với tôi đã về gặp được anh Hoàng Văn Thụ tại làng Vạn Phúc, Hà Đông…” (Nguyễn Lương Bằng, “Nhờ dân, nhờ Đảng mà trưởng thành”, hồi ký cách mạng).

leftcenterrightdel
Bài viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ nhân dịp 40 năm hoạt động của Đảng (1930-1970) đăng Báo Nhân Dân, ngày 14-1-1970. Ảnh chụp lại

Cuối năm 1943, giữa lúc phong trào cách mạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, do có sự chỉ điểm của một số kẻ phản bội còn len lỏi trong cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội như tên Nguyễn Thành Diên, tên Công và tên giao liên cơ sở ở bãi Phúc Xá... một số cơ sở liên lạc của Hoàng Văn Thụ ở ngõ Nam Diệm, Ngõ Gạch, chùa Liên, làng Bạch Mai, Hoài Đức, Hà Đông, làng Yên Nghĩa (Sơn Tây)... đều có mật thám giăng lưới. Ngày 25-8-1943, đang trên đường từ đền Voi Phục đến liên lạc với cơ sở binh vận ở ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (nay là khu vực Nhà máy In Tiến Bộ, Hà Nội) thì đồng chí Hoàng Văn Thụ bị cảnh sát, mật thám bắt ở phố Kim Mã. Chúng đưa đồng chí về sở cảnh sát đặc biệt, sau đó đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Đồng chí Trần Đăng Ninh đã viết trong hồi ký cách mạng “Hai lần vượt ngục”, đăng trên Báo Nhân Dân, miêu tả sự tàn ác, dã man của bọn mật thám Pháp trong sở mật thám Hà Nội và sau đó là trong xà lim án chém đối với đồng chí Hoàng Văn Thụ: “Bắt đầu cuộc tra tấn. Chúng đánh anh trong xà lim; chúng đánh anh trên gác; chúng đánh anh trong hầm đá, chúng đánh ngày, đánh đêm. Một hòm điện không đủ, chúng dùng hai hòm điện. Chán đòn điện, đòn bộ, chúng dùng đòn nước nhưng người chiến sĩ vẫn trơ trơ sắt đá. Thân thể anh tơi tả nhưng tuyệt nhiên anh không khai một tí bí mật nào của cách mạng… Trong hơn 20 trận anh Thụ bị đánh, có 8 trận nặng nhất. Chúng đánh anh về đêm từ quãng 9 giờ tối đến 3 giờ sáng. Chỉ khi thấy anh chết ngất, chúng mới thôi, khiêng vứt anh xuống xà lim” (Trần Đăng Ninh, “Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ”, Báo Nhân Dân, số 447, ngày 24-5-1955).

Mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn, dã man, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn không ngừng khích lệ những anh em cùng bị giam cầm. Đồng chí Trần Đăng Ninh đã viết: “Đứng trước tấm gương anh dũng của anh… chúng tôi nghiến răng ăn đòn giặc… Mỗi lần tập tễnh đi qua buồng tôi, anh lại nói chõ vào: Có đau thì cũng cố chịu nhé. Đừng quên Tổ quốc và Đảng” (Trần Đăng Ninh, “Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ”). Đồng chí Trần Đăng Ninh kể lại những thủ đoạn tra tấn cực kỳ tàn bạo mà đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Trần Đăng Ninh phải trải qua: “Chúng lột quần áo… cho đứng để nhảy đầm… hai ngón tay bị treo rút ngược lên chỉ để 10 đầu ngón chân chạm đất rồi buộc dây điện vào người. “Các quan” lần lượt chuyền tay nhau quay, còn tôi bắt đầu nhảy. Cứ mỗi cái nhảy tôi lại hét lên, trước còn to sau nhỏ dần. Nhảy đến vãi cứt, đái các “quan lớn” mới ngừng tay, bịt mũi nhổ bọt đi sang phòng khác…”, “anh Hoàng Văn Thụ bị nhốt ngay bên cạnh, thỉnh thoảng lại đập tường ra hiệu hỏi tôi”.

Không khuất phục nổi người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, sau khi hỏi cung, đánh đập không được gì, chúng đưa anh về giam ở nhà tù Hỏa Lò. Sau đó khoảng cuối tháng Giêng năm 1944, thực dân Pháp đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ ra xét xử tại tòa án binh. Và bản án tử hình đã được tòa án thực dân tuyên với đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Với ý chí kiên cường và tâm hồn lạc quan của một người cộng sản, ngay trong những ngày trước khi lĩnh án tử hình của kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã làm những vần thơ đầy dũng khí cách mạng để nhắn nhủ lại các đồng chí của mình:

Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ trọn được thanh danh

Phục thù, chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.

 

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm

Chí còn theo dõi buổi tung hoành.

Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu

Trước sau xin giữ tấm lòng thành!

Sáng 24-5-1944, cánh cửa sắt xà lim án chém mở. Một tốp lính lê dương súng ống, nai nịt, lưỡi lê tuốt trần sắp hàng trước xà lim đồng chí Hoàng Văn Thụ. Clementi cùng một giám thị vào mở cửa nhà giam đồng chí Hoàng Văn Thụ, rồi chúng đưa anh đi. Đến cửa buồng giấy mật thám, quan tòa hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”, đồng chí Hoàng Văn Thụ trả lời: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng…” (Báo Nhân Dân, số 447, 1955).

Cuối cùng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bị đưa đến trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Loạt đạn của kẻ thù đã không làm át nổi tiếng hô của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”.

NGUYỄN VĂN BIỂU