Tài hoa ra trận

Bà Nguyễn Thị Liễu, cựu chiến binh (CCB) Đại đội 2 (C2) Hòa Vang là người duy nhất có được kỷ vật quý, đó là tấm hình chị Xuân Mai thời chưa lên căn cứ. Người thôn nữ trong ảnh có nét đẹp thùy mị mà rực rỡ với mái tóc chấm ngang vai. Bùi ngùi nhớ về người chị kết nghĩa, bà Liễu xúc động: “Chị Mai quê ở Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam, đi bộ đội từ năm 1968, lúc 17 tuổi. Chị ấy xinh, da trắng lại hát hay nổi tiếng, có trình độ học vấn, viết chữ đẹp, ai nhìn cũng mê. Nhiều người hoài nghi vì sao một người con gái đặc biệt như chị lại bỏ cuộc sống an bình để vào nơi hòn tên mũi đạn. Có phải vì thế không mà dù đã cố gắng hết sức với nhiệm vụ quân y của mình, thời gian vào đơn vị cũng đã lâu mà chị vẫn chưa được kết nạp Đảng”. Kỷ niệm cứ thầm thì gợi nhắc làm người CCB bật khóc: “Chị Mai nằng nặc được xin ra tuyến trước, một sống một còn với kẻ thù. Chị đã ngã xuống mà chưa kịp thực hiện ước mơ. Hai người em trai của chị cũng là liệt sĩ. Mẹ chị là Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 

leftcenterrightdel
Chị Xuân Mai (bên trái) cùng em gái.

Theo ông Đặng Văn Bảy, từng là Trung đội trưởng Trung đội 2 của C2 Hòa Vang thì trung đội nữ mang tên Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm được thành lập vào năm 1972 do chị Nguyễn Thị Xuân Mai làm Trung đội trưởng. Nhiều cô gái mới nhập ngũ như Hồ Thị Hồng Vân (Hòa Tiến), Ông Thị Minh Nguyệt (Hòa Châu) tuổi tầm trăng tròn, chưa kịp quen mùi súng đạn đã nhanh chóng được bổ sung vào lực lượng. Ngày 28-1-1973, tức chỉ một ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, địch huy động một đại đội của tiểu đoàn 143 địa phương quân, 3 trung đội nghĩa quân có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ tấn công vào điểm chốt Dương Lâm.

Từ 8 giờ đến 15 giờ, bộ đội C2 quyết tâm “cắm cờ giữ đất”, phản kích hơn 20 đợt tấn công của địch, tiêu diệt hàng chục tên. Sau đó, một số điểm chốt rút về phía Nam Thành, Khương Mỹ. Riêng tổ của 3 chị Xuân Mai, Hồng Vân, Minh Nguyệt vẫn bám trụ đến cùng. Do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch nên sau 5 đợt phản kích, các chị hết đạn, đành đập gãy súng và anh dũng hy sinh. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Hòa Phong” (giai đoạn 1954-1975), tập 2, có ghi ở trang 172: “Khi bọn ngụy chiếm được chốt, tên đại úy chỉ huy nhìn thấy xác 3 chiến sĩ gái nằm trên trận địa, vừa tức tối vừa khâm phục thốt lên: “Cả một tiểu đoàn Việt Nam cộng hòa mà chịu thua 3 con Việt cộng”. Trận đánh “cắm cờ giữ đất” của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đã gây được tiếng vang lớn. Bộ tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà đánh giá cao chiến công này và tặng danh hiệu “Tổ chiến đấu anh dũng Nguyễn Thị Xuân Mai”.

leftcenterrightdel
Bức thư của chị Xuân Mai.

Ông Nguyễn Phẩm ở thôn Dương Lâm 2 chỉ cho khách xem dấu tích trận đánh ở góc vườn nhà mình: “Căn hầm này các chị đã trú ẩn, chống trả địch đến những giây phút cuối cùng. Ngày hôm sau, địch lôi tất cả từ hầm lên phơi để thị uy. Lợi dụng chúng sơ hở, chị gái tôi cùng bộ đội khâm liệm, chôn cất các chị ấy đàng hoàng, đánh dấu từng vị trí. Hiện nay, hài cốt các chị được đưa về các nghĩa trang thuộc huyện Điện Bàn và Hòa Vang”.

Thổn thức màu mực biếc

Là người sống giàu tình cảm, chị Xuân Mai dành nhiều tình thương cho những người em kết nghĩa, trong đó có em trai Trần Chiến Chinh, hiện ở 15 Nguyễn Cư Trinh, Đà Nẵng. Hợp nhau vì ham viết lách, cùng gác sách vở để vào chiến trường, lại gần gũi cùng đơn vị, họ chăm sóc cho nhau vô cùng cảm động. Đặc biệt, ông Chinh có thói quen ghi nhật ký từ ngày vào bộ đội nên tất cả những kỷ niệm thuở xưa đều còn lưu dấu trong 3 tập nhật ký. Đây là đoạn ông viết: “Tôi cùng chị Xuân Mai, anh Thự, anh Ninh đi chuẩn bị trận đánh. Khi trở về, vì lạnh và mệt, tôi nằm trên bờ ruộng thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy mới biết chị lấy tấm dù chéo quàng cho tôi và tựa vào trong lòng của chị”. Trước khi ra trận, họ thường viết thư để động viên tinh thần người ở nhà. Rất nhiều mẩu viết nho nhỏ như thế, CCB Trần Chiến Chinh vẫn còn giữ kỹ đến bây giờ. Bức thư cuối cùng dài hai trang, nét chữ chân phương màu mực biếc, được chị Mai viết đêm 25-1-1973 tại căn cứ Trạm Trung: “Chiến Chinh-em yêu quý!… Chị ước sao tuổi xuân có thể kéo dài thêm nữa để có thể sau chiến tranh tiếp tục vào trường thực hiện cho trọn vẹn ước vọng của đời mình. Ôi, có lớp người nào mang nhiều khát vọng như lớp người chúng ta đang sống. Hãy chiến đấu như những người cộng sản. Lời chúc của em cũng là lời thề của chị. Trận đánh sắp bắt đầu”.

Trở về sau chiến dịch “cắm cờ giữ đất”, cậu em đau đớn vô cùng khi biết chị đã hy sinh. Bức thư viết trên giấy học trò ấy, ông giữ suốt 46 năm. Những trang nhật ký đầu năm 1973 của ông thấm đẫm nỗi tiếc thương 3 nữ chiến sĩ Trung đội Lê Thị Hồng Gấm. Mỗi lần đọc lại, ông vẫn thổn thức khôn nguôi. Trong Ban liên lạc truyền thống C2 và Khu đội 2 Hòa Vang, lại là người con xã Hòa Phong, nhiều năm nay, CCB Trần Chiến Chinh luôn tâm niệm phải làm sao có một tấm bia hoặc tượng đài ghi dấu chiến công oanh liệt của 3 chị Xuân Mai, Minh Nguyệt, Hồng Vân ngay tại làng Dương Lâm. May mắn là ý tưởng này được lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang chấp thuận và giao cho các cơ quan chức năng phối hợp với các CCB thực hiện. Bí thư Huyện ủy Trần Văn Trường thường xuyên đôn đốc tiến độ công trình. Vui nhất vẫn là bà con xã Hòa Phong. Từ lâu nay, cứ đến tháng Chạp là họ lại chuẩn bị hoa quả đặt cúng các liệt sĩ ngay trên bờ ruộng. Nay có bia tưởng niệm, việc thờ phụng càng thêm chu đáo với đầy đủ lễ nghi. Khuôn viên sẽ là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống sinh động cho học sinh địa phương.

Sau thời gian chuẩn bị, bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm, C2, Khu đội 2 Hòa Vang đã được khánh thành với kinh phí hơn 600 triệu đồng, nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh. Ý nghĩa nhất là đằng sau tấm bia lớn có bức họa từ ảnh thật 3 cô gái quả cảm. Ngày lễ trang trọng ấy có đông đảo cựu chiến sĩ C2 trong màu áo xanh và mũ tai bèo. Gia đình của 3 liệt sĩ được mời dự trang trọng. Không có bông mua rừng thuở chiến trường nhưng hàng chục vòng hoa từ các nơi gửi về đặt kín khuôn viên. Một bài văn tế không thể xúc động hơn của ông trưởng ban liên lạc Khu 2 Hòa Vang. Một video dân ca bài chòi quay chính trên mảnh đất này kể về trận đánh năm xưa. Một khoảng lặng để đọc hết bức thư của chị Xuân Mai để lại và được bàn giao cho người em của chị. Tất cả quyện với mùi khói nhang dìu dặt cùng hương thơm lúa lên đòng khiến mọi người như thấy 3 liệt nữ hiển hiện quanh đây. Trẻ trung mà khát vọng, xinh đẹp mà can trường, như ngày nào các chị ra trận.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN