QĐND - Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi là Bí thư Thành ủy, Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội. 70 năm đã trôi qua, tôi năm nay đã 93 tuổi đời và 75 tuổi Đảng nhưng nhớ lại ký ức về cuộc cách mạng “long trời lở đất” ấy, trong tôi vẫn thấy rạo rực lạ thường...
Theo sự phân công của Ủy ban Quân sự cách mạng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn thành, tôi chỉ huy một chi đội gồm tự vệ công nhân, thanh niên xung phong và đoàn quần chúng cách mạng kéo đến Trại Bảo an binh(**). Binh lính đứng gác thấy lực lượng cách mạng kéo đến, sợ hãi lấm lét nhìn vào trong trại, nửa như chờ đợi lệnh bọn chỉ huy, nửa như muốn tìm sẵn lối thoát thân.
Thấy cổng trại khóa, chúng tôi cử một đội viên tự vệ tiến lên bảo tên lính gác mở cổng. Hắn đáp lại “chưa được lệnh quan ba”. Tình hình lúc đó đòi hỏi phải khẩn trương, nên chúng tôi hạ lệnh phá cổng ngay. Thấy không thể giữ được trước uy lực của cách mạng, bọn chúng đành phải ra mở. Lực lượng tự vệ tiến vào sân. Một tên sĩ quan hấp tấp đến nói với chúng tôi rằng “quan ba” của chúng muốn gặp cấp chỉ huy cách mạng. Tôi hội ý với anh em cho bố trí lực lượng sẵn sàng, còn tôi và một số cán bộ, chiến sĩ tự vệ khác vào gặp bọn chúng.
|
Đại tướng Nguyễn Quyết.
|
Chỉ huy Trại Bảo an binh là tên Thụ. Trước kia hắn là sĩ quan của Pháp, đã được sang “mẫu quốc” học trường sĩ quan. Khi Nhật hất cẳng Pháp, hắn bỏ chủ cũ, theo ngay chủ mới. Hắn là một trong những tên tán thành tích cực chủ trương xin vũ khí của Nhật, dựa vào Nhật chống lại cách mạng. Hắn chừng 40 tuổi, nét mặt gian giảo, kiêu kỳ. Mặc dầu hắn cố làm ra vẻ bình tĩnh, nhưng nhác trông nét mặt, tôi cũng nhận thấy hắn đương hoang mang trước hàng vạn quần chúng đang bao vây chặt Trại Bảo an binh. Hiện tượng đó không riêng gì Thụ mà khi qua sân nhà khách, tôi đã thấy cả trên nét mặt bọn sĩ quan cấp dưới và binh lính của hắn. Mặt đứa nào cũng tái mét; sĩ quan ngồi tập trung, tên nào cũng bơ phờ, ngơ ngác; binh lính, kẻ đứng người ngồi, hết nhìn trộm chúng tôi lại nghiêng nghiêng nghé nghé nhòm ra đường.
Tên Thụ nhìn chúng tôi chằm chằm. Mặt hắn nheo lại, rồi bất chợt hắn hất hàm nói:
- Tôi muốn gặp cấp chỉ huy của các anh.
Tôi dõng dạc đáp:
- Tôi là cấp chỉ huy lực lượng cách mạng.
Mắt tên Thụ giương to hẳn lên, nửa như sửng sốt, nửa lại coi thường. Chắc hẳn cho tôi là người còn ít tuổi và không ngờ rằng tôi lại là người chỉ huy lực lượng cách mạng. Nhưng rồi hắn lại lấy vẻ tự nhiên ngay. Hắn cười và mời tôi ngồi xuống ghế. Hắn nói trước:
- Hôm qua chúng tôi có nhận được thư của các ông. Chúng tôi có bàn với nhau, nhưng… (hắn ngắc ngứ mãi mới nói tiếp được) nhưng chúng tôi phải trình lên cấp trên.
Tôi biết thừa âm mưu của hắn. Cấp trên của hắn là bọn Nhật chứ còn kẻ nào khác. Nhất định từ đêm qua, sau khi nhận được tối hậu thư của chúng tôi, hắn đã cầu cứu bọn Nhật. Tôi dồn ngay hắn:
- Cấp trên của anh đã đầu hàng và chính quyền đã về tay cách mạng rồi. Bây giờ còn các anh?
Thụ gật đầu lia lịa, nhưng đôi mắt của hắn vẫn liếc ra ngoài đường như chờ đợi một cái gì, rồi hắn nói:
- Vâng, tôi đã biết. Bên phủ khâm sai đã… mất.
Tôi tấn công luôn:
- Trước hết, anh hãy tập trung binh sĩ lại, nộp vũ khí cho cách mạng. Anh em sĩ quan, binh lính, ai muốn trở về quê quán, sẽ được cách mạng giúp đỡ. Ai tự nguyện đi theo cách mạng sẽ được tiếp nhận…
Nghe tôi nói đến vấn đề nộp vũ khí, mặt Thụ tối sầm. Hắn đảo nhanh cặp mắt hằn học nhìn tôi, rồi cắt ngang lời tôi:
- Vâng, lực lượng chúng tôi còn nguyện vọng… Vâng, đúng thế. Chúng tôi xin đi theo cách mạng. Nhưng lúc đầu xin để nguyên như cũ… Chẳng gì chúng tôi cũng đã sẵn có nền nếp nhà binh. Các sĩ quan, binh lính lúc nào cũng theo mệnh lệnh của tôi.
Qua luận điệu đó, tôi thấy hắn có phần nao núng. Nhưng hắn vẫn tỏ ra láo xược, ngoan cố và vẫn còn cố bám lấy hy vọng mỏng manh giữ lấy lực lượng quân sự để hòng thực hiện âm mưu xảo quyệt của hắn. Tôi cần cho hắn biết hắn nghĩ thế là sai. Tôi bảo hắn:
- Anh lầm. Hiện nay, quân cách mạng đã chiếm được hầu hết các nơi trong thành phố. Sức mạnh của hàng chục vạn quần chúng rất to lớn. Mạnh gấp trăm gấp nghìn các anh. Nếu anh định chống lại, sẽ bị chúng tôi đánh bại ngay.
Thụ cúi gằm mặt xuống, ngập ngừng:
- Nhưng các ông thiếu vũ khí, dân ít hiểu biết về quân sự, tôi cho rằng nếu Pháp quay lại thì không giữ nổi.
Tôi điềm nhiên đáp:
- Không những chúng tôi giữ được, mà sẽ tống cổ chúng ra biển, nếu chúng dám đụng tới nước Việt Nam một lần nữa.
|
Chiếc cổng này trước đây là Trại Bảo an binh, nơi lực lượng cách mạng đã tước vũ khí địch và chiếm lĩnh vào ngày 19-8-1945 (hiện ở phố Hàng Bài, Hà Nội). Ảnh: T.H.
|
Thụ cười gượng, nhưng đôi mắt vẫn lấm lét nhìn ra ngoài đường. Rõ ràng, qua tiếp xúc với chúng tôi từ nãy đến giờ, tên Thụ đã lộ rõ âm mưu định kéo dài thời gian chờ đợi bọn Nhật đến cứu viện. Phải cương quyết hành động kịp thời, không phải chỉ nói suông với tên quan ba xảo trá này được. Tôi đưa mắt ra hiệu cho mấy đồng chí cán bộ đứng bên tôi. Các đồng chí hiểu ý đi ra ngoài sân. Tôi vẫn ở lại và ra lệnh cho tên Thụ:
- Bây giờ anh hãy nộp hết vũ khí cho cách mạng.
Thụ vẫn dùng kế hoãn binh.
- Chúng tôi đã nói là xin theo các ông rồi. Nhưng chuyện vũ khí và binh lính xin các ông hãy khoan cho.
Tôi cương quyết:
- Không được lần chần. Toàn Trại Bảo an binh này phải nộp vũ khí ngay lập tức!
Tên Thụ bắt buộc phải đứng dậy. Hắn bước ra khỏi phòng, mặt như cắt không còn một hột máu, đôi mắt đờ ra. Trong khi ấy, ở ngoài sân, nhờ có một số bảo an binh là nhân mối chỉ dẫn, tự vệ ta đã chiếm hầu hết các vị trí quan trọng trong trại, kể cả kho vũ khí. Quần chúng cách mạng ở bên ngoài, dưới sự chỉ huy của cán bộ, đang hô vang những khẩu hiệu đấu tranh rầm rộ cổ vũ chúng tôi hành động. Trước tình hình đó, mặt tên Thụ càng thất sắc, hắn đành cúi đầu ấp úng:
- Vâng… xin các ông chờ cho ít phút.
Nửa giờ sau, chúng tôi tước hết vũ khí của bảo an binh và giải thích chính sách của Mặt trận Việt Minh đối với họ. Hầu hết binh lính, sĩ quan đều tỏ ra hoan nghênh chính sách và ủng hộ cách mạng. Một số anh em tình nguyện xin gia nhập hàng ngũ quân cách mạng. Thế là Trại Bảo an binh, một vị trí quân sự quan trọng của chính quyền bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim ở Hà Nội đã vào tay quân cách mạng.
Giữa lúc đó, ở bên ngoài bỗng có tiếng hô khẩu hiệu vang lên mạnh mẽ khác thường. Chúng tôi đang chăm chú theo dõi tình hình, thì một đồng chí tự vệ chạy vào báo tin: Bọn Nhật đã mang xe tăng tới bao vây chúng tôi.
Tên Thụ nghe vậy, định chạy xô lại. Lập tức, một chiến sĩ ta bắt hắn ngồi yên một chỗ. Đôi mắt hắn càng đờ đẫn ra như tiếc rằng bọn Nhật đến quá chậm.
Chúng tôi lập tức chuyển sang đối phó với bọn Nhật. Một mặt, tôi gọi điện, báo cáo tình hình với anh Khang (đồng chí Nguyễn Khang, lúc ấy là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội-PV), một mặt tôi cho tự vệ bố trí sẵn sàng chiến đấu và cử cán bộ ra nói chuyện với bọn Nhật. Bọn Nhật cứ nằng nặc đòi tước vũ khí của chúng tôi và đòi chiếm lại Trại Bảo an binh. Một số cán bộ và chiến sĩ tự vệ nghe tin đó đều tỏ ra bực bội, đến nói với chúng tôi:
- Chúng nó thua trận rồi mà còn láo xược. Đề nghị các anh để chúng tôi sửa cho chúng nó một mẻ.
- Đánh bỏ cha bọn phát xít đi chứ, lại đòi tước vũ khí à? Tước gì, có mà tước xác chúng đi thì có. Đánh!
Chúng tôi nắm vững đường lối chung của Thành ủy đối với bọn Nhật. Dựa vào lực lượng đông đảo của quần chúng cách mạng, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, chúng ta nhất định áp đảo được chúng. Cho nên chúng tôi không tán thành ý kiến đòi đánh Nhật ngay trong lúc này. Do đó, một mặt giải thích cho anh em, mặt khác chúng tôi cho củng cố hàng ngũ quần chúng, bao vây lại địch. Và tôi được ủy nhiệm ra trực tiếp thuyết phục bọn Nhật. Tôi bảo chúng:
- Các anh hiện nay là những kẻ bại trận, chỉ đợi nay mai Đồng minh vào tước vũ khí rồi về nước. Bố mẹ, vợ con, anh em các anh đang chờ các anh. Nếu các anh gây sự với chúng tôi, chúng tôi quyết đánh thắng các anh và các anh sẽ bị thiệt mạng vô ích. Cuộc cách mạng của chúng tôi đã giành được thắng lợi ở khắp nơi rồi. Tốt nhất là các anh trở về vị trí cũ. Các anh không nên đụng chạm vào công việc nội bộ của người Việt Nam chúng tôi.
Tôi vừa dứt lời, quần chúng đứng xung quanh đều nhất loạt hô lớn:
- Ủng hộ Việt Minh!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Tiếng hô vang dội và kéo dài như trời long đất lở, khiến bọn Nhật sợ hãi. Tên sĩ quan Nhật lúc đầu tỏ vẻ hung hăng, đến phút này mặt hắn biến sắc, chiếc kiếm dài trong tay cũng run run và buông thõng xuống.
Giữa lúc đó, có tin chúng tôi được tăng viện thêm một lực lượng tự vệ, tiếp theo sau là đoàn quần chúng cách mạng khổng lồ rầm rộ kéo tới. Trước tình thế đó, bọn Nhật càng hoang mang, lúng túng. Quần chúng hô khẩu hiệu càng lớn đồng thời vòng vây mỗi lúc càng dày, càng khép chặt lại.
Cho đến chiều, bọn Nhật lủi thủi rút về vị trí cũ. Ta đã chiếm hoàn toàn Trại Bảo an binh mà không tốn một giọt máu...
Đại tướng NGUYỄN QUYẾT (*)
(*) Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
(**) Thời thuộc Pháp gọi là Trại Lính khổ xanh Trung ương. Thời chính phủ bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim, đổi ra Trại Bảo an binh Trung ương, có khoảng 1.000 lính, được trang bị đầy đủ vũ khí, là một lực lượng quan trọng của địch ở Hà Nội và trên miền Bắc lúc bấy giờ.