Trong một bức thư gần đây, tôi đã viết: “Anh Vĩ cùng các cô: Mão, Bốn, Khả, Nhỡ, Bảng thuộc kíp trực ở Trạm phẫu tiền phương 204 tại Quảng Trị (gần Thành cổ) sáng 20-7-1972 thân mến!
Tôi là Đặng Sỹ Ngọc, Đại đội phó Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284, Sư đoàn 367 đã tham gia chiến đấu, giải phóng tỉnh Quảng Trị từ đầu tháng 4-1972. Tới ngày 7-7-1972, chúng tôi được lệnh kéo pháo từ làng Như Lệ, xã Hải Lệ (nay thuộc thị xã Quảng Trị) vào Thành cổ Quảng Trị để tiếp tục chiến đấu. Khi đến ngã ba Long Hưng (thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thì gặp bộ binh địch đã lắp cầu phao Mỹ Chánh đổ quân hai bên Đường 1 dày đặc. Một vài đơn vị bạn đã đụng độ quyết liệt với chúng. Cậy vào sự đông đúc và hỏa lực mạnh, chúng vẫn ào lên trận địa. Chúng dùng máy bay B-52 ném bom và pháo hạm bắn tập trung vào Thành cổ. Chúng tôi được lệnh triển khai trận địa ngay bên ngã ba bắn thẳng địch, chi viện cho các đơn vị bộ binh phía trước. Địch đã lợi dụng góc chết của pháo 37mm phòng không, tiến vào.
Đến chập tối 7-7, súng liên thanh của địch đã có vài loạt bắn vào trận địa lúc đơn vị bắn hết cơ số đạn. Không có đạn tiếp tế, không còn đủ khả năng chiến đấu, các khẩu đội được lệnh tháo khóa nòng, tháo kính ngắm pháo rồi rút về vị trí cũ ở sân bay Ái Tử. Tôi ở lại cùng 3 đồng đội kiểm tra, xem có ai bị thương hay hy sinh thì tìm cách đưa ra ngoài. Kiểm tra hết các khẩu đội, không thấy ai nằm lại, lợi dụng bóng tối, chúng tôi vượt ra ngoài an toàn.
|
|
Những trang nhật ký của cựu chiến binh Đặng Sỹ Ngọc. Ảnh do tác giả cung cấp
|
4 giờ sáng 20-7-1972, chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy Trung đoàn, chúng tôi tiếp tục làm hầm hố. Tôi cùng hai đồng chí liên lạc được lệnh làm thêm chiếc hầm ở điểm cao hơn. Đào được chừng nửa mét thì máy bay B-52 trút bom rải thảm xuống đội hình, một quả bom sát thương nổ cách 3 chúng tôi chừng vài mét. Đồng đội của tôi là Nga và Ngọ hy sinh tại chỗ (hai liệt sĩ này, sau 30 năm, tôi đã tìm được phần mộ và tổ chức đưa hài cốt về quê). Tôi ngất đi, chẳng rõ bao lâu. Khi nghe đồng đội lay gọi tôi mới tỉnh. Cố lật ngửa người nhưng không được, tôi mới biết mình đã bị thương. Đồng đội vội khiêng tôi đến trạm phẫu gần nhất cấp cứu. Tôi bất tỉnh dọc đường, tới sáng 24-7 mới lơ mơ tỉnh, thấy mình đang được truyền máu. Tôi được truyền hơn 3 lít máu trong mấy ngày. Tôi cố gắng hỏi và sau đó ghi được tên của các nhân viên kíp mổ cấp cứu cho tôi gồm: Anh Vĩ, cô Khả, cô Nhỡ, cô Bảng, cô Bốn và cô Mão vào nhật ký.
Ngày 27-7-1972, tôi thấy có một tốp người dân thay mặt các đoàn thể vùng mới giải phóng mang quà đến thăm thương binh nên càng xúc động. Nghĩ đến mẹ, bà con quê nhà, tôi đã khóc... Ngày 28-7, tôi ăn được cháo, thấy thương binh liên tiếp đến trạm. Các nhân viên quân y trạm phẫu làm việc vô cùng căng thẳng, không có giờ phút nghỉ ngơi, chỉ để tập trung cứu chữa thương binh. Có cô đã bị ngất vì làm việc quá sức. Phía ngoài hầm, bom pháo vẫn ầm ầm rung chuyển. Trời mưa, các cô hộ lý liên tục múc nước từ trong hầm ra ngoài để thương binh không bị ướt.
Ngày 31-7-1972, tôi được cắt chỉ ở các vết thương. Quan trọng nhất là vết thương ở bụng. Sau khi bó bột toàn thân (chỉ trừ cổ và hai cánh tay), tôi được chuyển ra Bắc. Một chặng đường vận tải vô cùng gian khổ quyết liệt, một số đồng đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... đã hy sinh cho thương binh được sống. Tôi được chuyển qua các trạm giao liên trên đường Trường Sơn. Đặc biệt, không ngờ trên đường về qua quê hương, tôi gặp mẹ, gặp những người thân yêu trong lúc vết thương rất nặng. Nhưng chỉ ở được hai ngày, tôi phải rời quê ra Hà Nội vào ngày 20-12-1972, đúng lúc Thủ đô bị máy bay B-52 Mỹ ném bom. Thương binh chúng tôi phải chuyển lên Viện 109 (nay là Bệnh viện Quân y 109, Cục Hậu cần Quân khu 2) ở Phú Thọ. Thuyên chuyển nhiều đơn vị như vậy, tôi đã được hàng trăm y sĩ, bác sĩ chăm sóc. Nhưng tôi nhớ nhất là kíp trực cấp cứu sáng 20-7-1972 tại tiền phương ở Quảng Trị. Trong mưa bom bão đạn, tôi đã được đồng đội và quân y cứu sống. Anh Vĩ và 5 cô gái rất trẻ, tuổi chừng đôi mươi, chịu đựng ở nơi gian khổ nhất để cứu chữa thương binh.
Thời gian trôi đi, tôi được điều trị, an dưỡng thuận lợi tại miền Bắc đến ngày thống nhất non sông. Tôi được về với mẹ, có vợ, có con, sống trong hòa bình, hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn nhớ khôn nguôi những quân y sĩ ở Trạm phẫu 204. Tôi đã thăm dò, tìm hiểu, viết bài nhắn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm 6 người trong kíp trực hôm ấy. Đến tháng 9-2023, tôi may mắn trao đổi được với cựu chiến binh Nguyễn Thị Kim Cương, quê Hà Tĩnh. Cô đã cho tôi số điện thoại liên lạc của cô Nhỡ và cô Mão. Tôi gọi được cho cô Nhỡ ở Ninh Bình. Đầu máy bên kia có người nhấc, tôi nghe giọng một phụ nữ già yếu nhưng không rõ là cô ấy nói gì rồi im bặt. Người thứ hai là cô Bùi Thị Mão ở Nam Định. Cô Mão biết tôi lãng tai, nghe điện thoại kém nên đã viết thư cho tôi. Tôi hứa sẽ có ngày đến thăm và nhờ cô đưa đi gặp những đồng đội từng cùng cô cứu sống tôi nơi chiến trường!”.
ĐẶNG SỸ NGỌC