Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Kỷ niệm 160 năm ngày mở đầu kháng chiến chống Pháp tại Đà Nẵng, chúng tôi xin lược dịch một số tư liệu nước ngoài nói về sự kiện này.
Âm mưu dưới chiêu bài “Cứu các nhà truyền giáo”
Nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước cho rằng, tiến trình gây hấn với Việt Nam của thực dân Pháp từng khởi đầu nhiều năm trước thời điểm Pháp nổ súng tiến đánh Đà Nẵng năm 1858.
Trên trang mạng Sự kiện và chi tiết về lịch sử châu Á, tác giả Jeffrey Hays đưa ra một tổng quan Việt Nam trước cuộc xâm lược của Pháp. Ông viết: Giữa thế kỷ 19, Việt Nam (dưới triều Nguyễn từ thời Minh Mạng đến năm 1945 gọi là Đại Nam), các cuộc nổi loạn, lụt lội, dịch đậu mùa… xảy ra liên miên. Người Pháp sử dụng sự kiện người theo đạo Thiên chúa bị bức hại làm cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thời đó, các vua chúa Việt thiếu năng lực trong khai thác công nghệ hiện đại, tổ chức quân đội hùng mạnh, quản trị nền kinh tế. Họ cũng tiêu xài một lượng lớn của cải quốc gia vào xây dựng lăng tẩm, cung điện ở Huế.
    |
 |
Tàu chiến của Pháp tại cửa biển Đà Nẵng, tháng 9-1858. |
Sau khi vua Thiệu Trị đàn áp các nhà truyền giáo, năm 1847, Pháp đã tăng cường các hoạt động quân sự. Theo tác giả Spencer Tucker trong sách Vietnam (NXB University Press of Kentucky, xuất bản năm 1999), trận quân Pháp từ hai tàu chiến pháo kích Đà Nẵng (người Việt gọi là Cửa Hàn) ngày 15-4-1847 xảy ra trong triều đại trị vì ngắn của vua Thiệu Trị (1841-1847), nay được xem là một sự kiện nghiêm trọng trong quan hệ Việt-Pháp.
Hai tàu chiến Pháp Gloire và Victorieuse được Hoàng đế Pháp cử sang Đà Nẵng để đàm phán đòi phía Việt Nam thả các nhà truyền giáo Pháp.
Bất ngờ bị tấn công bởi một số tàu thuyền của Việt Nam, hai tàu chiến Pháp này đánh trả, làm chìm 4 tàu hộ tống nhỏ của Việt Nam, phá hỏng nặng chiếc thứ năm, gây thương vong nặng nề cho quân nhà Nguyễn. Sự kiện này đã làm nền cho một quyết định can thiệp sâu vào Việt Nam xảy ra một thập kỷ sau.
Theo sách Lịch sử quân sự Pháp ở Đông Dương, xuất bản tại Hà Nội, năm 1931 của Đại tá August Thomazi, sử gia về cuộc xâm lược Đông Dương của Pháp, trong trận chiến trên, do trang bị ưu việt hơn nhiều nên quân Pháp đã không gặp khó khăn trong đánh chìm các chiến thuyền của quân nhà Nguyễn. Các tàu Pháp sau đó đã rút khỏi cửa biển Đà Nẵng, từ bỏ mục tiêu đàm phán cứu các tu sĩ phương Tây đang bị triều đình Huế giam giữ.
Năm 1856, người Pháp sai Leheur de Ville-sur-Arc chỉ huy chiến thuyền Catinat vào Đà Nẵng mang thư trách cứ triều Nguyễn đàn áp giáo sĩ Thiên chúa. Khi không nhận được trả lời, tàu Catinat đã bắn phá các thành lũy của nhà Nguyễn ở cửa biển này rồi bỏ đi. Các sách như Vietnam của Spencer Tucker hay thư tịch cổ của Pháp, sách Người Pháp ở Bắc Kỳ 1787-1884 của Hippolyte Gautier, xuất bản cuối thế kỷ 19 cũng đề cập cuộc pháo kích này.
Hơn 10 năm sau sự kiện đó, một trong hai thuyền trưởng Pháp từng pháo kích Đà Nẵng năm 1847 đã trở thành Tư lệnh Liên quân viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha trong chiến dịch Đà Nẵng năm 1858. Đó là Phó đô đốc Charles Rigault De Genouilly (viết tắt là De Genouilly).
Chiến cuộc Đà Nẵng 1858-1860
Theo cuốn sách Cuộc chinh phạt Đông Dương, xuất bản tại Paris, năm 1934 của Thomazi, cửa biển Đà Nẵng được bảo vệ bởi một số pháo đài. Trong đó có những công trình được xây đắp từ thời Bá Đa Lộc (Pigneau
de Béhaine-cố đạo Pháp hỗ trợ Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn) nhưng vẫn đang ở trong tình trạng tốt. Phó đô đốc De Genouilly, sau khi quan sát vị trí đóng quân của quân nhà Nguyễn đã cho rằng, các thành trì này là ưu việt so với những gì người Pháp đã gặp phải ở Trung Quốc. Các đại bác cỡ trung và cỡ lớn được dựng trên các giá đỡ hiện đại, thuốc súng do Anh sản xuất, những người lính bộ binh được trang bị bởi những súng tốt do Bỉ và Pháp chế tạo.
Sau khi chiếm được một số pháo đài, quân Pháp đã không thể chọc thủng được vòng vây quanh Đà Nẵng. Cùng lúc, bệnh tật đã giáng đòn nặng vào lực lượng viễn chinh. Dịch tả lan rộng trong quân bộ của liên quân Pháp-Tây Ban Nha. Từ ngày 1 đến 20-6-1859, đã có 200 lính Pháp chết vì bệnh tả ở Đà Nẵng. Một tiểu đoàn được đưa vào căn cứ của Pháp tại Đà Nẵng cuối tháng 4-1859, tới tháng 6 năm đó đã mất một phần ba sức chiến đấu.
Sách Cuộc chinh phạt Đông Dương cho biết, mùa thu 1859, Phó đô đốc De Genouilly, do bị chỉ trích nhiều, đã bị triệu hồi về Paris. Thay thế ông ta là Chuẩn đô đốc Francois Page. Page sang Việt Nam ngày 19-10-1859 và đưa ra cho phía Việt Nam một số điều kiện để vãn hồi hòa bình, như: Chấm dứt hành quyết các giáo sĩ Thiên chúa, thiết lập các phòng lãnh sự Pháp tại Việt Nam, chấp nhận một số đặc quyền về thương mại cho Pháp… Những đòi hỏi như vậy không được phía Việt Nam chấp nhận.
Cuối cùng, người Pháp quyết định rút khỏi Đà Nẵng và tập trung các nỗ lực vào vùng xung quanh Sài Gòn. Việc lên kế hoạch rút quân bắt đầu vào tháng 2-1860. Quân Pháp và Tây Ban Nha tháo dỡ các khẩu pháo và làm nổ tung từng căn cứ của quân Việt mà họ chiếm được. Những lính bộ binh người Pháp cuối cùng rút khỏi Đà Nẵng vào ngày 22-3-1860 đã lên tàu, nhưng quân Việt không biết. Dấu vết còn lại của 20 tháng chiếm đóng bán đảo Đà Nẵng, mà người Pháp gọi là Tourane, là nghĩa địa các lính chết trận của Pháp và Tây Ban Nha.
Thảm họa Tourane
Bài báo “Đông Dương: Cơn ác mộng của nước Pháp” đăng trên trang mạng Lịch sử làm chiến tranh ra ngày 15-12-2016, của tác giả Steven Johnson, có đoạn viết: “… Quân lê dương Pháp và lính Tây Ban Nha định chiếm đóng Đà Nẵng làm bàn đạp cho các chiến dịch về sau, nhưng họ nhanh chóng nhận thấy quân Việt không đánh theo chiến tranh quy ước. Trái lại, họ rút vào rừng và tiến hành các trận phục kích nhằm vào các toán quân nhỏ của Pháp rời Đà Nẵng làm nhiệm vụ trinh sát hoặc tuần tiễu quanh căn cứ của mình. Nhiều lính Pháp bị thương nặng do đạp phải các hố ngụy trang dưới có cắm chông nhọn tẩm thuốc độc rồi tử vong do nhiễm trùng đến hoại tử.
Các chiến thuật du kích như thế sẽ là bóng ma ám ảnh quân Pháp. Những người lính Pháp bị bó cứng trong bộ quân phục nặng nề, phải giao tranh trong cái nắng thiêu đốt và trong mùa mưa như trút nước. Trong vòng 6 tháng, quân Pháp đã mất hàng trăm mạng người do bị phục kích và do dịch bệnh, như dịch tả, sốt rét, kiết lỵ, hoại thư… Cuộc viễn chinh huy hoàng của Hoàng đế Napoleon III đã biến thành một thảm họa”.
Trang mạng về đề tài lịch sử alphahistory.com cũng nhận định về màn đầu của chiến dịch xâm lược Việt Nam của Pháp.
    |
 |
Bản đồ Đà Nẵng (người Pháp gọi là Tourane) do người Pháp vẽ khoảng năm 1858, các hình chữ nhật màu đen là pháo đài canh biển. Ảnh: Kho lưu trữ Pháp. |
Các nhà hoạch định quân sự Pháp dự định chiến dịch Đà Nẵng theo kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng bất thành. Khu vực chiếm đóng có quy mô nhỏ của Pháp bị bao vây, chia cắt trong hai năm. Những người Việt theo công giáo đã không nổi dậy để ủng hộ người Pháp như Paris dự kiến. Trái lại, những ai trung thành với triều Nguyễn đã phiên chế thành các đội du kích nhỏ, bí mật vận động trong bóng đêm dày đặc, tấn công những lính Pháp đi lẻ, lấy trộm hoặc phá hủy các quân khí của Pháp, đánh thuốc độc các giếng nước và các kho thực phẩm. Nhưng tai họa chết người còn ghê gớm hơn cho quân Pháp là các bệnh kiết lỵ, sốt rét, dịch tả. Khoảng 1.000 lính Pháp đã chôn thây ở Việt Nam từ cuối năm 1858 đến 1862, chủ yếu do bệnh. Chỉ khi cụm quân tăng cường, gồm tới 3.500 người, từ chiến trường Trung Quốc kéo về vào năm 1861, thì vòng vây quanh căn cứ Pháp ở Đà Nẵng mới giải tỏa được…
Việc bị dồn vào thế phải rút khỏi Đà Nẵng là một lời thú nhận về thất bại của quân viễn chinh Pháp. Tuy nhiên, việc đó đã không thay đổi được dòng chảy của lịch sử. Thế bế tắc của Pháp tại Sài Gòn đã được hóa giải khi chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai tại Trung Quốc chấm dứt. Từ năm 1861, Pháp rảnh tay dùng sức mạnh quân sự trong hành động ở Nam Bộ khiến vua Tự Đức phải ký với họ một hòa ước vào năm 1862. Nhưng người Pháp không hề muốn dừng lại. Khi Tự Đức buộc phải giao 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp, thuộc địa Nam Kỳ của Pháp đã hoàn thành, với thủ đô là Sài Gòn, tác giả Thomazi kết luận.
LÊ ĐỖ HUY (dịch)