QĐND - "Là một trong những Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta” (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp), cả cuộc đời Đại tướng Lê Trọng Tấn là những chuyến hành quân xa cùng những trận đánh lớn gắn liền với bước trưởng thành của quân đội. Tuy nhiên, dù bận bịu việc quân, ông vẫn luôn dành một khoảng riêng cho gia đình và những người thân yêu…

Ông Lê Đông Hải bên những kỷ vật của cha - Đại tướng Lê Trọng Tấn.

Hình ảnh mẹ (bà Nguyễn Thị Minh Sơn-vợ của Đại tướng Lê Trọng Tấn) ngồi bên hiên nhà chăm chú đọc, thỉnh thoảng lại mỉm cười mỗi khi nhận được thư chồng vẫn hiện hữu trong trí nhớ của người con trai duy nhất-Đại tá, GS, TS Lê Đông Hải. Ông Hải kể: “Những lúc như thế, tôi lại tránh đi và từ xa lặng lẽ nhìn mẹ, lòng cũng vui lây. Cha mẹ tôi yêu nhau lắm, dù ở đâu, gần như định kỳ đều gửi thư và quà cho nhau”.

Thư Đại tướng Lê Trọng Tấn viết thường ngắn, nhanh và đi thẳng vào vấn đề giống phong cách thường thấy của các võ tướng, khiến bà Minh Sơn đã có đôi lần “giận dỗi” và “phê bình” vì ông lỡ gọi bà là đồng chí. Sau vài lần như thế, rút kinh nghiệm, ông chỉ duy trì ngôi nhân xưng anh-em rất đỗi thân thương với bà. Ông viết: “Em Sơn thân yêu. Anh luôn ghi nhớ những hình ảnh khi chúng ta nghe thơ buổi tối thứ bảy và chủ nhật. Chúng ta tuy xa nhau nhưng lại gần nhau trong những giờ phút đó. Biên thơ cho em và con trong lúc rất bình thản và dạt dào tình cảm nhưng chỉ nói một phần nào được trong lòng thôi, chắc em cũng hiểu điều này nhỉ. Anh gửi lời hỏi thăm cả nhà mạnh khỏe. Tin tưởng, kiên trì chúng ta cùng nhau thi đua thì ta nhất định thắng, địch nhất định thua, mọi người đều thành công. Hôn em nhiều lần và hôn các con!”. (Thư ngày 31-6-1966)

Những lá thư của gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn.

Ngày 4-12-1967, ông viết: “Em Sơn thân yêu! Thời gian trôi qua cũng khá nhanh, nay đã lại sang đông rồi. Buổi tối, anh bắt đầu thấy hơi lạnh nên lại nghĩ đến em nhiều, trời lạnh nên có thể em lại phát sinh nhiều bệnh hơn mùa nóng phải không? Hồi này, anh em buôn bán làm ăn cũng khá nên mọi người đều phấn khởi tin tưởng, anh cũng vậy, làm việc với một tinh thần quyết thắng. Anh còn lâu mới trở về đấy em ạ vì có yêu cầu mới nên không có điều kiện gặp em như dự định. Vì vậy, mọi công việc ở nhà em bàn với các con thu xếp cho tạm ổn thôi nhé!”.

Để giữ bí mật công tác, trong thư, Đại tướng báo tin thắng trận cũng như thông báo còn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ một cách khéo léo, khiến nếu ai đó vô tình đọc sẽ chỉ biết chủ nhân của lá thư là một người đi buôn “đang gấp rút chuẩn bị bước vào những cuộc cất hàng để kiếm vốn lớn”. Đại tướng là người có tác phong và thái độ làm việc nghiêm cẩn. Ông Hải luôn nhớ cảm giác sung sướng của một cậu bé rất lâu mới có dịp gần cha. Đại tướng Lê Trọng Tấn ít nói nhưng rất sâu sắc, nên mỗi khi gần cha, Đông Hải học hỏi được nhiều điều. Sau này, Đông Hải sang Liên Xô học tập còn Đại tướng thì đi khắp các chiến trường trong Nam ngoài Bắc, cha con không có điều kiện thường xuyên gặp nhau. “Sự xa cách giữa hai cha con tôi chỉ có về mặt địa lý. Tôi biết ông cụ vẫn dõi theo mỗi bước tiến của tôi. Chẳng thế mà, dù ở trong nước hay nước ngoài, mỗi khi tôi gặp vấn đề khó xử, tôi đều nhận được thư động viên” của cha - ông Hải tâm sự.

Là Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (từ năm 1964), đồng chí Lê Trọng Tấn dù bận việc quân vẫn dành thời gian viết thư động viên con “phải có trách nhiệm theo sự phân công của xã hội, phải làm việc hăng say, phải khắc phục muôn ngàn khó khăn to cũng như nhỏ mới mong hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Riêng phần ba, lần này có thể nói là sẽ gánh vác một nhiệm vụ như con đã biết, vô cùng phức tạp, nhưng cũng là lúc mà lòng tin tất thắng cao hơn bao giờ hết. Bọn Mỹ tuy hung hãn nhưng không có gì đáng sợ cả, ta đã và sẽ đánh giập đầu chúng xuống”. (Thư ngày 31-6-1966)

Hay thư gửi con trai Đông Hải và con dâu Phi Loan: “Những khó khăn lúc đầu là tất nhiên, vì vậy, cần kiên trì tìm tòi, học tập ở đồng đội và nghiên cứu dần sẽ tìm được nút mở đường cho sau này. Con nên tiếp tục học một thứ ngoại ngữ nữa như tiếng Anh chẳng hạn. Khi còn trẻ dễ học và luyện cho thành nếp, nếu rời nhà trường rồi bỏ hẳn việc học tập thêm sẽ hạn chế nhiều... Toàn dân đang chiến đấu, đi sâu thành thạo nghề nghiệp cũng là chiến đấu góp phần chống kẻ thù chung của dân tộc. Các con phấn đấu, phấn đấu liên tục để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng chung là có tinh thần cách mạng. Ba tin ở các con luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, làm tròn nhiệm vụ chung, đồng thời các con cũng làm tròn nhiệm vụ với mẹ và gia đình thay ba”. (Thư ngày 22-12-1969)

 Ghi nhớ những lời căn dặn, động viên của cha, ông Hải đã không ngừng học tập, nghiên cứu và trở thành một sĩ quan cao cấp trong quân đội, là GS, TS, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự (cơ sở 2). Ông tâm sự: "Sức mạnh để chúng tôi đi qua thời gian khó và vươn lên trong cuộc sống chính là ở những lá thư như thế. Và dù chúng là tài sản riêng của gia đình, nhưng với mong muốn để thế hệ trẻ sau này biết được chúng tôi đã được giáo dục như thế nào, gia đình tôi quyết định tặng những bức  thư này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam”.

Gần 20 bức thư mà sinh thời Đại tướng Lê Trọng Tấn viết cho vợ và các con giờ đã trở thành hiện vật lịch sử. Qua đó cho thấy, ông không chỉ là một vị tướng chỉ huy tài ba mà còn là một người cha, người chồng rất mực quan tâm, yêu vợ, thương con.

THANH TÚ